Dễ mắc sốt xuất huyết là do gene

ANTĐ - Nhóm nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á đã xác định được 2 biến thể gene làm rõ quá trình phản ứng của cơ thể với bệnh sốt xuất huyết.

Nghiên cứu do quỹ A*STAR, Singapore đã so sánh bộ gene của 2.000 trẻ em thì thấy rằng, sự thay đổi trong 2 mã - MICB ở nhiễm sắc thể 6 và PLCE1 ở nhiễm sắc thể 10 có thể làm tăng độ nhạy cảm của trẻ với hội chứng sốc sốt xuất huyết. MICB nằm trong hệ miễn dịch và biến thể của gene này ảnh hưởng đến sự hoạt hóa của tế bào “sát thủ” gọi là tế bào CD8T, cả 2 loại tế bào này đóng vai trò quan trọng trong chống nhiễm virus.

Nếu chúng không thực hiện đúng chức năng, cơ thể không thể chống lại được virus sốt xuất huyết. Từ các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học cho rằng đột biến gene PLCE1 có thể dẫn đến rò rỉ mạch máu, triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết.

Theo bài báo về kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Nature Genetics, Giáo sư Cameron Simmons, tác giả thuộc Trung tâm nghiên cứu y học, Đại học Oxford, Việt Nam, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận bằng chứng dịch tễ học đó là một số người một cách tự nhiên mắc bệnh nặng hơn người khác”. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 100 triệu ca mắc sốt xuất huyết và hiện chưa có vaccine phòng chống hay quy trình điều trị cụ thể.