Bí ẩn liêu trai trên cao nguyên Đà Lạt

ANTD.VN - Nhìn vách đồi sừng sững chắn ngang, khúc quanh dài hút mắt tối đen như mực tịnh không bóng người, tôi thầm nghĩ, hèn chi đoàn làm phim “Mười” - bộ phim kinh dị đầu tiên của Việt Nam sau năm 1975 - đã chọn ngay cao nguyên Đà Lạt để làm cảnh quay chính; rồi mới đây nhất nhà sản xuất “Quả tim máu” cũng tìm đến nhà hoang Đà Lạt để làm phim. 

Đêm Đà Lạt mà nếu người nào chọn những khách sạn nằm ngay khu chợ đông đúc ở trung tâm Đà Lạt để trú ngụ thì sẽ mất đi một phần thi vị và liêu trai

Những thông tin… mờ ám

Đầu tiên là lúc chiếc xe buýt đường dài đưa đoàn nhà văn dự trại sáng tác của NXB Công an nhân dân dừng lại nhà khách Minh Tâm. Khách sạn nằm trên con đường ven núi, rực rỡ các loài hoa, là một trong những điểm tham quan được bao gồm trong các tour du lịch Đà Lạt. Chao ôi! Buồn hiu hắt. Tôi ngắm mãn nhãn các loài hoa phần nhiều chỉ được nhìn thấy ở châu Âu: Đỗ quyên hồng cháy; Trà my phớt hồng; Cẩm tú cầu tím bông xòe rực rỡ; Phong lữ xanh ngắt mỏng manh; Marguerite sáng bừng khoe nhị vàng; Bồ công anh mơ hồ trong gió… 

Đi một vòng quanh vườn hoa hết chừng 20 phút, tôi lặng nhìn không gian yên tĩnh đặc trưng của cao nguyên rồi ngay lập tức đã chợt nhớ thị thành. Tôi bắt đầu tìm cách lên mạng. Máy tính nối mạng của nhà khách chậm như thể thông tin được chở bằng xe lừa kéo. Suốt một tiếng đồng hồ loay hoay trước màn hình máy tính một cách vô vọng, tôi đành hỏi đồng chí bảo vệ xem ở đâu có cửa hàng Internet.

Anh ta chỉ dẫn: “Ra ngoài cổng, rẽ trái, đi thêm 500m là tìm thấy”, rồi thấy tôi vội vã rảo bước nhưng tức thì đứng sững lại ngoài cổng liền nói với theo: “Cứ đi đi, yên trí, Đà Lạt an ninh tuyệt đối, không sao đâu”. Tôi kinh hoảng nhìn vách đồi sừng sững chắn ngang, nhìn khúc quanh dài hút mắt tối đen như mực tịnh không bóng người, rồi tần ngần quay vào, cố nói giọng vui vẻ: “Cảm ơn bác. Thôi sớm mai em lên mạng cũng được, đến giờ cơm tối rồi, sợ mọi người đợi”.

Bụng thầm nghĩ, hèn chi đoàn làm phim “Mười” - bộ phim kinh dị đầu tiên của Việt Nam sau năm 1975 - đã chọn ngay cao nguyên Đà Lạt để làm cảnh quay chính, rồi mới đây nhất nhà sản xuất “Quả tim máu” cũng tìm đến nhà hoang Đà Lạt để làm phim. Xung quanh chuyện hậu trường của “Quả tim máu” cũng thấy vô số thông tin… mờ ám về việc ma ám đoàn làm phim cho thêm phần câu khách.

“Biệt thự ma” - “đặc sản” của Đà Lạt

Ngoài hoa Mimosa, rừng thông và xe ngựa… thì những “biệt thự ma” cũng là một “đặc sản” của Đà Lạt. Nhiều khách vãn cảnh cao nguyên vì thế không thể bỏ quên việc thăm viếng những ngôi nhà hoang này. Thậm chí để hút khách đến tham quan, có ông bảo vệ của một “ngôi nhà ma” còn đắp lùm lùm lên hai ngôi mộ giả cho thêm phần bí ẩn mà tiện bề lấy tiền cúng.

Khách đến thăm các “biệt thự ma” thế nào cũng được gặp những người gác cửa im lặng như rừng thông. Họ chỉ cất lời khi khách có nhu cầu nghe kể về những truyền thuyết ma quái của ngôi nhà: Hồn ma cô gái trẻ tự vẫn lang thang ngoài vườn; Hồn ma ông chủ nhà bị giết chết trên phòng ngủ tầng hai thấp thoáng trong tiền sảnh; Hồn ma trẻ con đêm đêm cất tiếng khóc… 

Nhà văn Đoàn Thạch Biền có tác phẩm “Tình nhỏ làm sao quên” lấy bối cảnh Đà Lạt, trong đó nhân vật trọ lại một ngôi nhà được đồn là có ma. Nhà văn Phan Đức Nam trở về từ trại viết cũng sáng tác ngay một câu chuyện có nhân vật ma quái lấy bối cảnh là… nhà khách Minh Tâm. Biết làm sao được khi Đà Lạt lãng mạn một cách liêu trai như thế, nên những câu chuyện ma thế nào cũng phải liên quan đến chữ “tình” và những cô gái đẹp. 

Tôi và nhà văn Trần Thanh Hà cũng không kìm được nỗi tò mò mà bắt taxi tìm đến “ngôi nhà ma”, trước khi đi không quên rủ thêm mấy thanh niên trai tráng ở nhà xuất bản cho đỡ sợ. “Ngôi nhà ma” thứ nhất nằm ở trên đồi, các bức tường đã bị phá bỏ trống huếch, cửa giả không có, trong nhìn ra ngoài, ngoài nhìn vào trong thông thống, lại ngay mặt đường cái, mà nếu không có một bàn thờ Phật nghi ngút khói hương ngay cửa vào thì không khác gì một công trình xây dựng dở dang tầm thường. Chúng tôi đi hết ba tầng gác. Thất vọng vì… không thấy gì đáng sợ mấy, đã thế lại thêm một tấm biển mắc cười treo trên gốc cây thông bên ngoài: “Nhà cơ quan, không phận sự miễn vào”. 

“Ngôi nhà ma” thứ hai cách đó một cây số, cũng nằm trên đồi, một bàn thờ Phật để ngay gian chính chỗ lò sưởi nhưng cũng với “không khí” và “kiến trúc” cũng tương tự. Cạnh đó là một am thờ nhỏ xíu ẩn sau lối mòn um tùm cây lá. Tôi gỡ gạc cho đỡ tiếc công: “Thực ra nếu ở đây ban đêm thì cũng… sợ đấy”.

Nhà văn Trần Thanh Hà kêu lên: “Đã ban đêm thì chỉ cần ra khỏi cửa phòng khách sạn là đã đủ sợ rồi”. Hôm trước tôi được trưởng trại phân cho một ngôi nhà ven rừng thông. Khu ở này được thiết kế theo kiểu nhà rông. Bước vào nhà, thấy mái dốc như đang ở trên một căn áp mái xinh xắn, bức tường kính trông ra bát ngát rừng thông, rèm cửa lay động nhè nhẹ trong nắng vàng, tôi phấn khởi lắm.

Nhà gỗ, rừng thông và nắng vàng, rõ là cầu được ước thấy, khác gì nhà văn được ngồi sáng tác bên bìa rừng nước Nga. Nhưng khi màn đêm buông xuống, mới thấy sự lựa chọn ngôi nhà, hay cả sự lựa chọn đến Đà Lạt, sự lựa chọn tham gia trại viết và thậm chí cái nông nỗi lựa chọn đi theo nghiệp viết lách khéo cũng là sai lầm cũng nên.

Bìa rừng đặc quánh như thạch đen, nhìn ra ngoài cửa kính chỉ thấy lờ mờ những cành cây tăm tối. Khu vực này biệt lập với dãy nhà của các trại viên khác ở trên đồi cao kia nên tôi chẳng còn nghe âm thanh nào khác ngoài nhịp tim và hơi thở của chính mình. Cảm giác như đang nằm chơ vơ giữa rừng sâu. Đó là một cảm xúc rất đặc biệt, rất đặc trưng của đêm Đà Lạt mà nếu người nào chọn những khách sạn nằm ngay khu chợ đông đúc ở trung tâm Đà Lạt để trú ngụ thì sẽ mất đi một phần thi vị và liêu trai. 

Nhà văn Di Li

Chiếc “bàn ma” có một không hai

Ngày hôm sau, tôi cũng đến tham quan một thứ ma quái khác ở Đà Lạt, đấy là chiếc “bàn ma” trong ngôi nhà cổ ở đồi Mộng Mơ. “Bàn ma” được làm bằng gỗ, có một chân, được ráp vào trụ tiện, trên có trục nối mặt bàn vào trụ. Cả bàn và chân đều rất nặng, nhưng khi đặt tay lên bàn, chẳng cần nhúc nhích gì, chỉ tập trung mà hô: Xoay sang trái, xoay sang phải… thì bàn sẽ tự động xoay theo ý ta như… “bàn ma”. Khách ra lệnh cho bàn bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung bàn đều nghe được hết. Còn vài chiếc “bàn ma” như thế lưu lạc khắp dải đất hình chữ S. 

“Bàn ma” có xuất xứ từ làng mộc Văn Hà, Quảng Nam từ cách đây 2 thế kỷ và được chế tác theo một công thức kỳ bí nào đó mà cho đến giờ hậu thế không lý giải nổi. Một số nơi khác cũng có “bàn ma”, nhưng chiếc bàn gỗ cũ kỹ vài trăm năm tuổi được đặt trên cao nguyên Đà Lạt thì xem ra chẳng còn nơi nào phù hợp hơn. Ngoài đồi Mộng Mơ thì khu vực Chùa Tàu gần nhà khách Minh Tâm cũng còn một chiếc “bàn ma” khác. Ba chiếc bàn cả thảy đóng góp thêm phần bí ẩn cho thành phố cao nguyên này. 

Ngay cả tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt xây dựng từ năm 1903 với hệ thống đường sắt răng cưa và đầu máy răng cưa nhằm đối phó với địa hình dốc được coi là độc đáo nhất thế giới cũng đầy những câu chuyện ly kỳ xoay quanh gần 30 năm xây dựng. Bị bỏ hoang ngót 2 thập kỷ, khu vực đường ray này còn lắm chuyện kỳ lạ hơn, cho đến khi một đoạn ray chừng 7km từ Đà Lạt đến Trại Mát được khôi phục để khách du lịch có thể thảnh thơi ngắm phong cảnh yên bình qua những ô cửa sổ của toa tàu cổ kính.

Giờ ga tàu cổ tấp nập khách du lịch. Trong nhà ga có một căn phòng lớn kiên cố treo biển “Phòng thay đồ”. Có lẽ trước đây nó là phòng chờ dành cho khách VIP, giờ nhu cầu chụp ảnh cưới ở ga tàu lớn đến nỗi nó đã biến thành phòng thay đồ cho nam thanh nữ tú trước khi tạo dáng trước ống kính.

“Ngôi nhà điên rồ”

Bổ sung cho sự kỳ dị của Đà Lạt và trở nên nổi tiếng khắp thế giới nhờ khách sạn có một không hai “Crazy House” (Ngôi nhà điên rồ). Giờ “Crazy House” bán vé tham quan 40.000/du khách cho những ai chỉ muốn tham quan mà không ở lại. “Crazy House” được thiết kế theo ý tưởng một khu rừng già với những hang động, mạng nhện, cây cối, cầu treo chằng chịt. Các phòng ở bé tí xíu nằm trong những hang hốc nhân tạo mặc dù bên trong khá tiện nghi.

Giá thuê trung bình 35USD/phòng, không đắt lắm nhưng dường như chỉ phổ biến đối với du khách nước ngoài vì cung cách nghỉ dưỡng kiểu này đến là bất tiện. Nhưng dù sao “Crazy House” cũng là một công trình nghệ thuật kỳ dị, sánh ngang với ngôi nhà xây bằng bát đĩa của nghệ sĩ Trương Liên Chí (Thiên Tân - Trung Quốc) và ngôi chùa Wat Rong Khun sơn vẽ siêu nhân, người Nhện, người Dơi, Doreamon, Michael Jackson của kiến trúc sư Chaloemchai (Chiangrai-Thái Lan)…