Người bạn trung thành

ANTD.VN - Người bạn bốn chân đầu tiên xuất hiện trong nhà tôi là con Ních, một giống chó khổng lồ nòi béc giê. Thoạt đầu nó khiến tôi sợ hãi với tấm lưng đồ sộ, bộ lông loang đen nâu vàng, răng nanh to nhọn hoắt và cái mõm dài như chó sói. Dễ nó còn nặng hơn đứa trẻ năm tuổi là tôi. 

Tuy nhiên con Ních thực sự yêu quý tôi. Nếu có ai đó giả bộ đánh tôi là nó sẽ sủa ầm ĩ để can thiệp. Loài béc giê chính là hậu duệ của những con sói hoang dã, vì thế Ních là con chó thông minh nhất trong số những con chó từng sống cùng chúng tôi. Nó biết đưa chân trước cho người ta bắt tay, biết rượt đuổi theo một vật vừa được ném đi rồi ngoạm về cho chủ.

Nếu nhà có khách nó sẽ chạy ra tận ngoài vườn gọi mẹ tôi lên. Nó có thể nghe bước chân của cha tôi từ đầu ngõ để chạy ra đón, hoặc không dưng thấy nó sủa loạn lên mừng rỡ để rồi 5 phút sau mới thấy cha tôi bước chân vào nhà. Nó cũng thuộc cả tên tôi nữa. 

Tôi vẫn chơi trốn tìm cùng Ních. Tôi nấp vào trong bếp, rồi chỉ cần ai đó hỏi “Linh đâu nào? Ních đi tìm đi” là Ních lại hớn hở đi tìm. Nó phóng vọt ra sau bếp rồi khi nhìn thấy tôi đứng thu mình sau chạn bát, Ních nghển cổ ngó mẹ tôi qua cửa sổ như thể thông báo “Ních đã tìm thấy Linh rồi nhé”. Sau đó lại đến lượt Ních đi trốn còn tôi đi tìm.

Nhưng đi tìm Ních thì chán phèo, vì chỗ trốn duy nhất của Ních là ở dưới gầm giường, lần nào cũng vậy. Chúng tôi cũng có những trò vui hơn như đuổi bắt, bịt mắt bắt dê. Hoặc tôi quàng vỏ chăn lên vai làm áo choàng, một chiếc gối đặt trên lưng Ních làm yên cương. Tôi cưỡi lên lưng Ních và giơ cao cây thước gỗ như nữ hiệp sĩ đang phi ngựa vung kiếm xông vào đám quân thù tưởng tượng.

Những buổi trưa tĩnh lặng, Ních nằm ngủ trên bậu cửa hiu hiu gió còn tôi gối đầu lên lưng Ních đọc truyện tranh. Chúng tôi cũng thường trò chuyện cùng nhau, tôi nói là chính còn Ních ngồi nghe, chỉ thi thoảng kêu lên những tiếng ư ử hưởng ứng ra chừng “Tớ hiểu rồi”.

Có một bận Ních bị trận đòn quắn đít. Đấy là lần cha tôi cho Ních ra công viên bơi lội và tập thể thao. Cha ném chiếc dép đi, nhưng nó không nhặt lại như mọi lần mà lại chạy tế lên. Cha tôi chân không chân dép rượt đuổi theo Ních nửa tiếng đồng hồ đến bở hơi tai mới bắt được nó về. Mồ hôi đầm đìa, mặt đỏ lựng, cha tôi điên tiết xích cổ Ních vào chân giường rồi lấy cán chổi, trước tiên là đập quèn quẹt xuống đất.

- Ních đâu ra đây. Mày biết tội rất to của mày chưa? Hôm nay mày phởn chí chạy tế lên để tao phải đuổi theo suốt cả buổi sáng. Mày nhìn mồ hôi mồ kê trên mặt tao thế này này. 

Ông chỉ vào mặt mình, còn con Ních cố giằng đoạn xích ngắn ngủn để rúc đầu vào gậm giường, thỉnh thoảng lấm lét liếc nhìn cây chổi rồi lại ngước nhìn cha tôi bằng ánh mắt sợ hãi. Tất nhiên là nó đã hiểu sơ sơ ra vấn đề rằng mình đã gây nên một tội rất lớn và bây giờ sắp phải đền tội bằng cán chổi kia. Sau khi bắt con Ních nhận tội, cha tôi nện cho nó vài chục cán chổi vào mông.

Nó kêu rên thảm thiết. Tôi ôm lấy chân ông van xin tha cho con Ních nhưng vô hiệu. Mãi sau cha tôi mới hổn hển chui vào buồng tắm. Việc trừng phạt một con chó khổng lồ khiến ông phát mệt thêm. Tôi bò lại gần Ních, ôm lấy cái cổ to tướng của nó rồi xoa nhẹ lên mông. Tôi nhìn vào đôi mắt nâu thông minh giờ trở nên buồn bã.

Minh họa: Trần Đỗ Nghĩa

- Em bị đánh có đau lắm không? Chị thương em lắm - Tôi thì thầm vào tai nó.

Ních cụp đôi tai dài rồi liếm cái lưỡi đỏ hồng ấm áp lên má tôi ý rằng “Bạn yên tâm, có bạn là tôi hết đau rồi”. Cha tôi sau khi dội vài xô nước có vẻ đã nguôi cơn giận. Ông ngồi lên ghế mây rồi lại tươi tỉnh vẫy.

- Con Ních ra đây tao bảo này.

Ních quên biến mất chuyện vừa rồi, lòng không mảy may hận thù hay giận dỗi, vội vàng chạy lại dụi cái mõm dài vào lòng cha tôi, ánh mắt ngước lên trung thành và mừng rỡ. 

Nhưng rồi con Ních không ở lại với chúng tôi được lâu. Cha tôi bảo nó không thể đẻ con được, phải bán nó đi thôi. Tôi kinh hoàng khi thấy cha có ý định bán con Ních. Tôi khóc ròng cầu khẩn xin cha tha cho Ních, xin đừng bán nó đi, nó là bạn của tôi. Nhưng ông bảo nuôi nó vô cùng tốn kém, một ngày nó ăn hết vài lạng thịt bò, cho dù là thịt kém chất lượng thì cũng phải mất một khoản tiền. Ông mua nó về là để nó đẻ con.

Lứa chó con bán đi sẽ được vài cây vàng, đủ để tùng tiệm chi dùng nhiều thứ. Tôi nói tôi sẵn sàng nhường khẩu phần ăn cho Ních, nhưng ý cha tôi đã quyết. Ngày hôm qua ông đã tìm được một người muốn mua con Ních về để trông nhà. Tôi hiểu rồi, cha mang con Ních về là để nuôi như lợn giống chứ không phải coi nó là một người bạn của tôi. Tôi giận dỗi không nói chuyện với ông nữa. Tôi rúc đầu vào cái cổ có mùi hôi quen thuộc của con Ních mà khóc cho đến khi lông nó ướt đẫm. Ních loay hoay khổ sở dỗ cho tôi nín. Nó cuống quýt liếm cái lưỡi dài đỏ hồng lên mắt lên trán tôi. 

Hôm sau cha tôi bảo mẹ chuẩn bị cho con Ních ăn một bữa thật no rồi ông sẽ dẫn nó đi. Tôi hiểu cha sẽ dẫn nó đi đâu còn con Ních không hay biết gì hết. Nó hớn hở ăn hết suất thịt một cách ngon lành rồi phấn khởi theo cha tôi ra ngõ. Nó tưởng ông cho đi chơi như mọi bận. Tôi theo Ních ra tận đầu ngõ. Tôi ôm chặt lấy cổ nó nhưng Ních nguẩy đầu ra ý nói “Tớ đi chơi một lúc thôi mà, sao hôm nay cậu lạ thế?”. Thế rồi nó bệ vệ chạy bên cạnh cha tôi, mắt không thèm nhìn tôi một mảy may. 

Còn lại một mình, tôi đi đi lại lại trong căn nhà rộng thênh thang vắng cái bóng khổng lồ quen thuộc của Ních. Rõ ràng Ních là một người bạn không thể thay thế. Tôi rấm rứt khóc. 

Nhưng khoảng giữa trưa, cha tôi lại xuất hiện trên ngưỡng cửa cùng con Ních. Tôi mừng rỡ lao ra ôm cổ nó. Con Ních có vẻ mệt vì phải chạy bộ một quãng đường dài. Nó thở hồng hộc, lưỡi thè dài và chuồi ra khỏi tôi: “Ôi tớ mệt quá, cậu để cho tớ nghỉ cái đã nào. Tớ đi có một tí mà cậu làm như cả thế kỷ không bằng. Hôm nay cậu lạ thật”.

Cha tôi ngồi phịch xuống ghế. Tóc rũ ra khỏi đầu, mặt đỏ bừng vì nóng và vì tức giận. Ông kể với mẹ tôi là cái gã mua chó ấy chê con Ních già. Gã ta vạch răng của Ních ra xem và bảo nhìn răng là biết nó không phải một tuổi như ông nói, ít ra đã năm tuổi rồi, chẳng mấy chốc mà lẩm cẩm không trông nhà được nữa. Rồi cha nói bằng giọng băn khoăn.

- Có lẽ nó già thực. Sao lúc mua người ta bảo tôi nó chỉ mới tuổi rưỡi.

Tôi lấy làm mừng rỡ. Tôi mong cho con Ních còn già thêm nữa. Già chục tuổi cũng được. Nhưng cũng từ đấy tôi không dám rời khỏi nhà nửa bước. Tôi chỉ sợ nhỡ đâu lúc tôi đi vắng người ta sẽ mang con Ních đi mất, và khi về nhà vĩnh viễn tôi không còn được nhìn thấy nó nữa. 

Tôi và Ních tiếp tục những trò chơi quen thuộc trong suốt cả tháng sau. Mỗi lần bị nó rượt bắt, tôi cười khanh khách còn nó cũng cười bằng những tiếng sủa ông ổng.

Nhưng bỗng một hôm, cha tôi dẫn về một người lạ mặt. Ông ta nhìn con Ních chằm chằm khiến nó khó chịu cất giọng sủa ầm ĩ. Cha tôi vui vẻ chỉ con Ních.

- Ông thấy không, nghe tiếng sủa là biết nó dữ đòn. Chẳng thằng trộm nào dám bén mảng tới.

Người đàn ông kia vẫn im lặng quan sát chẳng nói năng gì. Vẻ như lo lắng ông ta sẽ chê con Ních, cha tôi quăng đi một chiếc dép.

- Ních, nhặt dép mang về đây xem nào.

Ních lao như tên bắn về phía chiếc dép rồi quay lại, miệng ngoạm quai dép thả tõm dưới chân cha tôi. 

- Ngồi xuống. Bắt tay nào.

Ních ngoan ngoãn ngồi xuống rồi ngoẹo đầu sang phải nhấc chân trái lên đặt vào tay cha tôi, sau đó lại ngoẹo đầu sang trái nhấc chân phải lên.

- Ông thấy chưa. Con này nòi béc giê Đức thuần chủng nên khôn lắm. Nó chỉ còn không biết nói nữa thôi.

Ôi chao, lần đầu tiên tôi muốn con Ních trở nên đần độn đi. Thà rằng nó cứ nằm ngay đơ ra đất một cách già nua, lẩm cẩm; ai nói gì ngơ ngác như nghễnh ngãng chẳng nghe thấy; hoặc nó tợp vào tay ông khách kia một cái thật đau thì chúng tôi sẽ được ở bên cạnh nhau mãi mãi. Thà rằng nó đừng thông minh và đáng yêu quá như thế.

Người khách mua chó vẫn im lặng quan sát con Ních. Cha tôi quyết định cho Ních trình diễn lần cuối cùng.

- Linh, con chạy vào bếp trốn đi nào.

Tôi ì ra, thoái thác.

- Thôi, nó chả tìm con được đâu. Mấy hôm nay con trốn trong bếp suốt mà nó lại cứ chạy ra vườn.

- Đi vào bếp - cha tôi rít khẽ.

Tôi đành đứng lên đi vào bếp rồi nấp sau chạn bát. 

- Linh đâu? Ních đi tìm Linh đi nào.

Sau vài phút ban đầu, giờ con Ních có vẻ như đã nhận ra tình thế chênh vênh, nguy hiểm của mình. Số phận của nó đang được quyết định bởi hai con người này. Nó cũng ì ra không nhúc nhích.

- Linh đâu? Đi tìm Linh đi. 

Cha tôi cố gắng nói giọng dịu dàng nhưng tông độ đã cao hơn một chút. Ních vẫn ngồi im.

- Đi tìm Linh đi nào - tay ông quờ vào cán chổi bên cạnh.

Con Ních sợ hãi đứng lên rồi những móng chân gõ vào nền đá hoa một cách ngập ngừng theo nhịp bước. Nó chạy vào bếp. Đôi mắt nâu buồn bã đối diện với tôi. Nó quay đầu, nghển cổ nhìn cha tôi qua cửa sổ một cách uể oải “Tôi đã tìm được Linh rồi nhé. Bây giờ tôi còn phải làm gì nữa?”.

Lần này thì người mua chó đã bị thuyết phục hoàn toàn. Từ trong bếp, tôi nghe thấy ông ta mặc cả thêm một vài giá rồi sau đó hai người quyết định mức đàm phán cuối cùng là cha sẽ đổi con Ních để lấy một con lợn hai mươi cân. Tôi tuyệt vọng. Tôi ôm chặt con Ních đang nép thân hình khổng lồ vào lòng tôi để tìm sự che chở. Chúng tôi rúm vào nhau sau chạn bát. Sao cha lại nỡ đổi người bạn tuyệt vời nhất của tôi để lấy một con lợn? 

Người mua chó đề nghị cha tôi đi theo để dẫn con Ních vì ông ta sợ bị con chó dữ tợn ấy cắn. Cha tôi bảo không hề gì, ông đã có một chiếc rọ mõm bằng da rất chắc chắn, có Trời mới giằng ra được.

Sau đó ông chằng xích vào cổ con Ních, lồng rọ mõm cho nó. Con Ních lồng lên dữ dội nhưng mỗi lần nó phản ứng, cha tôi lại quờ tay vào cán chổi bên cạnh. Ních bất lực nằm im thít một cách ngoan ngoãn. Nó không dám tấn công cha tôi có lẽ không phải vì cái cán chổi mà vì lòng trung thành. Một cán chổi đót sao so sánh nổi với bộ nanh truyền kiếp của họ hàng loài sói.

Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh con Ních rời khỏi nhà hôm ấy. Nó chùn bốn chân xuống sàn nhà. Đôi mắt nâu buồn bã và tuyệt vọng ngước nhìn cha tôi cầu cứu. Từ cổ họng nó phát ra những âm thanh rền rĩ đau đớn. Tôi biết đây là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy con Ních. Vĩnh viễn, chúng tôi không thể cùng nhau chơi trốn tìm được nữa.

Cha tôi tiễn khách ra ngõ rồi khi quay vào, ông vui vẻ bảo tôi.

- Đừng buồn con ạ. Rồi bố sẽ mua cho con con chó khác còn đẹp hơn thế nhiều.

Cha tôi giữ đúng lời hứa. Ông mua về cho tôi một con chó khác làm bạn, để rồi không lâu sau đó lại tiếp tục bán nó đi.

Năm học lớp ba, tôi bị ngã từ trên tầng hai xuống gãy cả tay. Sau khi được đưa đi nắn khớp xương bị chệch, tôi trở về nhà và nhìn thấy hai chú chó lạ đang đứng ngơ ngẩn trong phòng khách. Cha tôi mua hai con chó sinh đôi cũng nòi béc giê, nhưng không to lớn như con Ních. Hai chú chó này hẵng còn bé tí xíu, để rồi sau đó cũng có dáng vóc khổng lồ chẳng kém gì Ních thân yêu của tôi trước đây. 

Cha đặt tên cho con đen tuyền là Din còn con loang đen nâu vàng giống Ních hồi trước là Dốp. Rất nhanh sau đó tôi trở nên thân thiết với Dốp hơn. Lý do là vì con Din thế nào ấy. Nó có vẻ xấu tính. Lúc nào cũng lấm lét không đàng hoàng. Khi ăn, mà ăn suất của mình, trong bát của mình, nó cũng lấm lét nhìn con Dốp, nhìn người xung quanh bằng cặp mắt nhiều tròng trắng và đôi tai cụp xuống, hai đầu gối khuỵu khuỵu với dáng vẻ xu nịnh.

Hoặc nó sợ người ta ăn mất của nó, hoặc nó sợ cái phần này có lẽ không xứng đáng được ăn. Không chỉ lúc ăn mà lúc đại tiện nó cũng có dáng vẻ y hệt vậy. Nhìn tức không chịu nổi. Khi tôi gọi lại gần, nó không thẳng thớm người mà chạy ra như con Dốp, trái lại khuỵu gối rạp bụng xuống đất, rồi vừa lê vừa bò lấm lét đến trước mặt tôi như tên nịnh thần gian tế trong bộ phim tối chủ nhật. 

Chỉ vài tháng sau, Din và Dốp đã trở thành những anh chó nòi bệ vệ. Tuy nhiên, con Din vẫn không giấu được cái kiểu khép nép xu nịnh trong dáng vẻ to cao lực lưỡng. Một hôm, cô Định tôi xin mua giùm người quen một con chó. Chỉ một con thôi chứ không phải cả hai. Tất nhiên cha tôi quyết định bán con Din. Cả nhà chẳng ai ưa gì cái anh chàng gian tà hèn nhát ấy. Lần này tôi đồng ý với quyết định của cha.

Chỉ còn lại Dốp. Chúng tôi vẫn chơi với nhau nhưng không phải giống những trò mà trước kia tôi từng chơi với Ních. Dốp cũng biết bơi, biết bắt tay, ngậm dép mang về nhưng không thuộc tên tôi như Ních. Tuy nhiên, những lúc chơi đồ hàng Dốp vẫn đóng vai khách đến ăn. Nó kiên nhẫn ngồi trước quầy hàng của tôi để chờ đến lượt, nhưng tôi luôn phải canh chừng kẻo nó sẽ ngoạm hết sạch cả đám bát đũa nhựa trong quầy.

Chuỗi ngày vui vẻ của chúng tôi kéo dài không bao lâu. Một ngày nọ, bác Tiến là bạn thân của cha tôi nhà cũng ở cùng dãy phố ngỏ ý muốn mua con Dốp. Tự nhiên tôi thấy bác Tiến vô cùng đáng ghét. Trên đời thiếu gì chó béc giê sao bác ta không đi tìm mà lại cứ nằng nặc đòi mua con Dốp của tôi. Cha tôi đồng ý. Vẫn trình tự xích dây, rọ mõm và dắt ra đầu ngõ. 

Đêm hôm đó, giữa giấc ngủ say, tôi giật mình thức dậy. Trong bóng tối tĩnh lặng, tôi nghe rõ tiếng hít hít quen thuộc trên mặt đất. Ôi Dốp, nó bị người ta mua rồi cơ mà. Tôi ngỡ mình đang ngủ mơ. Tôi cũng nằm trên chiếu rải giữa nền đất nên những âm thanh này không thể lẫn lộn được. Con Dốp vẫn thường thức vào ban đêm và hít hít nền đất như thế. Lát sau tôi nghe thêm một tiếng hắt xì. Đúng là Dốp rồi. Tôi vội vã vén màn, thì thào.

- Dốp… Dốp… lại đây với chị.

Như chỉ chờ có thế, Dốp vội vã ngoắt đến bên cạnh tôi, đuôi ngoáy phần phật.

- Suỵt, khẽ thôi cho bố mẹ ngủ, không mày lại bị bán đi nữa bây giờ. 

Tôi ôm cổ Dốp, hít hít mùi hôi quen thuộc trên cổ nó, còn nó dũi cái mũi ướt lên mặt tôi mừng rỡ, âu yếm. 

- Thôi nhé, chị đi ngủ tiếp đây. Em cũng đi ngủ đi nhé.

Con Dốp ngoan ngoãn nằm xuống bên cạnh màn. Cái lưng ấm áp nặng chịch của nó đè lên chỏm đầu tôi. Tôi yên tâm chìm vào giấc mơ có con Dốp trong những tiếng hít hít nền đất quen thuộc. 

Sáng hôm sau, cha tôi kể rằng con Dốp về với chủ mới lạ nhà nên kêu dữ quá. Nó sủa ông ổng không dứt từ sáng cho đến nửa đêm khiến hàng xóm không ai ngủ được. Bác Tiến đành phải dậy mặc quần áo dắt con Dốp sang gõ cửa nhà tôi xin trả lại.

Nhưng cũng chẳng bao lâu sau đó, cha tôi lại tìm được một người mua mới. Người này ở tận tỉnh khác và nhà ông ta cách nhà tôi quá xa để không thể nào nửa đêm lù lù dắt chó đến đem trả được. 

Cho đến giờ phút ấy, tôi mơ hồ hiểu được rằng không có sự gì trên đời là vĩnh viễn, kể cả khi tình yêu của hai người bạn dành cho nhau là tuyệt đối.

Đó cũng là lý do tôi đã tự thề với mình rằng sẽ không bao giờ nuôi thêm một con chó nào nữa. Loài chó, giống như những đứa trẻ, và giống cả những kẻ nô lệ trung thành. Chúng phụ thuộc bữa ăn giấc ngủ vào ta. Chúng sung sướng hay bất hạnh là do ta. Chúng ta quyết định hoàn toàn số phận của chúng. Và những con chó không có sự lựa chọn cho cuộc sống của mình, chúng cũng không có thứ vũ khí nào để tự bảo vệ ngoài mấy chiếc nanh rất dễ đàn áp bằng cán chổi.

Loài chó là những người bạn trung thành bậc nhất. Chỉ có ta bỏ rơi chúng chứ không bao giờ chúng chịu bỏ rơi ta. Cho dù ta có đối xử với chúng tàn tệ, bỏ đói nhịn khát hay trong cơn nóng giận tặng cho chúng những trận đòn thừa sống thiếu chết thì chỉ vài phút sau chúng vẫn dũi chiếc mũi ướt vào lòng bàn tay ta âu yếm. 

Vậy mà, chưa lần nào tôi giữ được những người bạn trung thành ấy, những người bạn đã song hành cùng tôi suốt cả thời thơ ấu sống động tuyệt vời này.