Sự thật khủng khiếp về những quốc gia "hứng" nhiều thiên tai nhất châu Á

ANTD.VN - Mới đây, vào ngày 12-10, người dân Nhật Bản đã phải hứng chịu sự càn quét khủng khiếp của siêu bão Hagibis - cơn bão lớn nhất tấn công nước này kể từ năm 1958. Chưa dừng lại, một trận động đất mạnh 5,7 độ cũng đồng thời xảy ra làm rung chuyển Thủ đô Tokyo ngay sau đó. Đáng nói, trong thời gian gần đây, không chỉ Nhật Bản mà nhiều quốc gia tại châu Á liên tục là tâm điểm của hàng loạt thảm họa thiên nhiên dữ dội.

Nhật Bản

Vào tối ngày 12-10 vừa qua, siêu bão Hagibis đã chính thức đổ bộ và tàn phá nhiều khu vực ở Nhật Bản. Bán đảo Izu (tỉnh Shizuoka) là địa điểm siêu bão đổ bộ mạnh nhất.

Cơ quan khí tượng Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo mức 5 - mức cao nhất trong thang cảnh báo thiên tai 5 cấp của nước này, sau khi ghi nhận lượng mưa kỷ lục. Sức mạnh của bão Hagibis đã khiến hơn 188.000 người dân ở Hachioji và 432.000 người dân ở khu Edogawa thuộc Tokyo buộc phải đi sơ tán.

Hậu quả nặng nề sau siêu bão tại Ichihara, phía đông Tokyo (Ảnh: Kyodo)

Trước đó, tại thành phố Ichihara thuộc tỉnh Chiba, một người đàn ông đã thiệt mạng sau cơn bão, trong khi 4 người khác (gồm 3 trẻ em) ở một khu vực gần đó bị thương. Khoảng 9.200 hộ trong và ven tỉnh Chiba đã mất điện.

Năm 2011, Nhật Bản từng khiến thế giới chấn động vì bị tấn công bởi một trận động đất 9 độ, kéo theo cơn sóng thần kỉ lục đã nhấn chìm hàng loạt khu dân cư dọc bờ biển phía đông bắc đất nước.

Được biết, Nhật Bản là quốc gia phải hứng chịu nhiều bão thứ 3 ở châu Á. Theo thống kê, mỗi năm, Nhật Bản phải “tiếp đón” trung bình 3 cơn bão. Trong đó, 2 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào khu vực đất liền của quốc gia này.

Indonesia

Ngày 28-9-2018, một trận động đất mạnh 7,5 độ và sóng thần cao tới 6 m đã xảy ra tại vùng Donggala, miền Trung đảo Sulawesi, Indonesia. Theo một số thống kê, hơn 16.700 người mất nhà cửa và 2,4 triệu người cần viện trợ nhân đạo. Jakarta đã chi 37 triệu USD để ứng phó với thảm họa.

Cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2018, Indonesia xảy ra liên tiếp 3 vụ động đất với tâm chấn đều nằm gần đảo Lombok, khiến hơn 500 người thiệt mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Một số ngôi làng gần như bị phá hủy hoàn toàn.

Lombok tan hoang sau ba trận động đất liên tiếp

Nửa đầu năm 2019, khoảng 150 khu vực ở Indonesia bị ảnh hưởng bởi thiên tai như lũ lụt, lở đất, hạn hán, động đất, sóng cao và gió mạnh.

Được biết, Indonesia là quốc gia nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, trải rộng 40.000 km từ Nhật Bản, Indonesia đến California, Mỹ. Hầu hết động đất trên thế giới đều xảy ra trong khu vực lòng chảo này do hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa.

Trước đó, vào năm 2004, sóng thần đã khiến 226.000 người thiệt mạng, trong đó hơn một nửa là người Indonesia.

Philippines

Ngày 2-1-2019, cơn bão Usman đã gây mưa lớn ở vùng núi Philippines khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và 20 người mất tích do sạt lở đất và ngập lụt. Theo Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Philippines, những người thương vong, bao gồm cả trẻ nhỏ, hầu hết đã thiệt mạng khi nhà của họ sụp đổ trong trận lở đất sau những ngày mưa lớn.

Mặc dù cơn bão đã suy yếu thành áp thấp nhưng nhiều khu vực vẫn bị ảnh hưởng bởi bão và hứng chịu những trận mưa lớn, gây lở đất và lũ lụt ở vùng Bicol và phía đông Visayas, Philippines.

Vùng Bicol là nơi chịu tàn phá nặng nề nhất với 68 người thiệt mạng. Được biết, thiệt hại cho nông nghiệp ở Bicol - nơi sản xuất gạo và ngô, ước tính khoảng 342 triệu peso (6,5 triệu USD).

Nước mưa bao quanh thị trấn Baao, tỉnh Camarines Sur (Ảnh: Philippine Star)

Mỗi năm, Philippines phải hứng chịu khoảng 20 siêu bão và bão tấn công, giết chết hàng trăm người, gây thiệt hại lớn cho cuộc sống của người dân và đè nặng một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Châu Á.

Trước đó, vào năm 1976, trận động đất 7,9 độ đã xảy ra gần các đảo Mindanao và Sulu của Philippines, gây sóng thần cao đến 5 m ở điểm cao nhất, cuốn trôi hàng nghìn người dân khi họ đang chìm trong giấc ngủ. Khoảng từ 5.000 đến 8.000 người đã thiệt mạng, khiến đây trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử Philippines.

Cách bảo vệ bản thân khi xảy ra động đất, sóng thần

Động đất, sóng thần, lũ lụt hay nhiều thiên tai khác luôn là nỗi ám ảnh của cả nhân loại. Các chuyên gia địa chất cho rằng “Dự báo thành phố nào sẽ bị động đất và sóng thần rất quan trọng, nhưng không quan trọng bằng làm thế nào để chúng không gây ra tổn thất quá lớn”.

Vậy, trong trường hợp không may gặp phải một trận động đất hay sóng thần, thì mọi người cần lưu ý những bước sau đây để có thể bảo vệ bản thân và gia đình:

Thứ nhất, cần tìm hiểu kĩ các dấu hiệu cảnh báo sóng thần và động đất.

Thứ hai, tự học bơi và vận động gia đình cùng học bơi.

Thứ ba, biết cách tắt gas, điện, nước một cách nhanh nhất.

Thứ tư, xác định được những khu đất cao hoặc khu vực an toàn và các tuyến đường di tản gần nơi đang sống, để chạy thoát thân một cách nhanh nhất.

Một điều quan trọng hàng đầu là nếu bạn linh cảm được sóng thần sắp xảy ra thì nên tránh xa vùng biển, đừng đợi đến khi có thông báo chính thức của cơ quan chức năng, vì sóng thần thực sự xuất hiện chỉ khoảng 5 phút sau dấu hiệu đầu tiên.