- Chậm nhất 30-5 Hà Nội công khai kế hoạch tuyển sinh đầu cấp
- Nhiều phụ huynh ủng hộ bốc thăm
- Tuyển sinh lớp 6 ở Hà Nội: Trường “xịn” chỉ xét tuyển, phụ huynh thấy lo hơn
Có lộ trình nhưng chưa có phương án xét tuyển cụ thể vào các trường “hot”
Chậm nhất ngày 30-5 công bố chi tiết tuyển sinh
Trước sự lo lắng, sốt ruột của phụ huynh học sinh về thông tin tuyển sinh năm nay của Hà Nội, đặc biệt là tuyển sinh lớp 6 các trường chất lượng cao, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện các trường mầm non, tiểu học, THCS đang chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh trình UBND và Phòng GD-ĐT quận, huyện phê duyệt và báo cáo Sở ngày 13-5.
Chậm nhất ngày 30-5, toàn bộ kế hoạch về công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp của các quận, huyện, thị xã sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở. Công tác tuyển sinh chính thức bắt đầu từ ngày 1 đến 15-7. Nếu còn chỉ tiêu sẽ tuyển bổ sung từ 17 đến 19-7. Các trường được đánh giá là chất lượng cao, có nhu cầu đầu vào cao như Hà Nội-Amsterdam, Cầu Giấy, Lê Lợi, Marie Curie, Lương Thế Vinh… cũng phải tuân thủ theo lộ trình tuyển sinh chung của thành phố.
Ông Phạm Văn Đại cũng cho biết, thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến công tác tuyển sinh của các trường chất lượng cao nhưng đây chỉ là số ít các trường trong 623 trường THCS trên toàn thành phố. Các năm trước Hà Nội có khoảng 9 trường có nhu cầu đăng ký tuyển sinh cao hơn chỉ tiêu được giao nên phải tổ chức thi tuyển lớp 6, nhưng khi thực hiện yêu cầu của Bộ về việc cấm thi tuyển thì một số trường đã xây dựng được phương án tuyển sinh bằng xét tuyển như Cầu Giấy, Lê Lợi, Nam Từ Liêm. “Do vậy chỉ còn trường Lương Thế Vinh, Marie Curie, Nguyễn Tất Thành, Hà Nội-Amsterdam đề cập phương án xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực. Nhưng với việc bắt buộc phải xét tuyển theo đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT, hiệu trưởng các trường này sẽ phải xây dựng các phương án báo cáo cấp thẩm quyền và báo cáo Sở GD-ĐT. Nếu phù hợp với Luật Giáo dục, có lợi cho học sinh thì Sở sẽ đồng ý” - ông Phạm Văn Đại cho biết.
Sẽ ưu tiên xét tuyển theo tuyến
Mặc dù chưa có thông tin chính thức về các tiêu chí xét tuyển của 9 trường được đánh giá là chất lượng cao, nhưng thông tin ban đầu từ lãnh đạo Sở GD-ĐT, sẽ có sự ưu tiên tuyển sinh theo địa bàn mà các trường này đang đóng thay vì tất cả các trường này tuyển sinh trên toàn thành phố như các năm trước.
Trước thắc mắc về căn cứ xét tuyển bằng học bạ, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, căn cứ để xét học sinh lớp 5 vào lớp 6 từ trước đến nay vẫn dựa vào hồ sơ của học sinh bao gồm: học bạ, sổ liên lạc, sổ ghi nhận xét của giáo viên theo dõi thi đua khen thưởng. “Trong bộ hồ sơ xét tuyển có nhiều vấn đề cần xem xét chứ không chỉ có thông tin đạt hay không đạt ở học bạ của học sinh như một số ý kiến phản ánh.
Ngoài ra, Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT cũng đặt ra quy trình đánh giá rất chặt chẽ học sinh gồm đánh giá đạt chuẩn kiến thức từng môn, quá trình hình thành phát triển năng lực, quá trình hình thành phẩm chất. Ngoài đánh giá thường xuyên, có đánh giá hàng tháng, học kỳ I, học kỳ II. Ngoài nhận xét có chấm điểm, mặc dù điểm số chỉ là căn cứ đối chiếu nhận xét của giáo viên. Bên cạnh đó, để xét lên lớp và chuyển cấp thì hiệu trưởng trường tiểu học phải liên kết, phối hợp với giáo viên THCS tham gia giám sát kiểm tra, chấm bài. Sự phối hợp 2 cấp rất chặt chẽ để chuyển cấp” - ông Dũng phân tích những căn cứ có thể lấy làm tiêu chí xét tuyển lớp 6 cho các trường.
Trả lời vấn đề làm cách nào để tránh tiêu cực khi xét tuyển bằng học bạ, ông Phạm Văn Đại cho biết: “Các trường phải thực hiện công khai minh bạch để dân biết, theo dõi, kiểm tra nhằm tránh tiêu cực trong xét tuyển. Hà Nội khẳng định tất cả học sinh trên toàn thành phố sẽ đều được vào học THCS”.
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: Kiểm tra IQ, EQ hay nhưng chưa phổ biến
Sau khi xem xét đề xuất kiểm tra IQ, EQ của các trường, chúng tôi thấy đây có thể là điểm đột phá, làm thay đổi cách giáo dục từ đơn môn sang đa môn, tiến tới tập trung vào năng lực tư duy, sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần xin ý kiến các nhà khoa học, giáo dục và cha mẹ học sinh. Phương pháp tốt nhưng chưa được phổ biến rộng rãi có thể tạo áp lực cho học sinh, bởi thay vì học Văn-Toán-Ngoại ngữ thì các em lại phải chuyển sang ôn luyện IQ, EQ. Tiếp thu đề xuất trên, do đó Ban giám đốc đã quyết định điều chỉnh, trong năm nay chỉ thực hiện xét tuyển trên toàn thành phố.
Ông Trần Quốc Anh-Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi-Hà Đông: Tích điểm từ kết quả 5 năm học tiểu học
Trường Lê Lợi từ trước đến nay không thi mà chỉ xét tuyển, mặc dù cũng phải chịu áp lực tuyển sinh khá lớn. Trước đây trường Lê Lợi là trường chuyên của thị xã Hà Đông cũ, thực hiện chủ trương bỏ loại hình trường chuyên lớp chọn bậc THCS, trường Lê Lợi được coi là trường chất lượng cao của quận Hà Đông. Để xét tuyển, trường chúng tôi dựa vào kết quả học tập 5 năm của học sinh để tích điểm. Với học sinh vào lớp 6 năm nay, các em vẫn có kết quả từ lớp 1 đến lớp 4 như cũ, chỉ có lớp 5 thì đánh giá khác, trường sẽ bổ sung sau. Bên cạnh đó, học sinh còn được cộng điểm từ các cuộc thi giải toán qua Internet, tiếng Anh qua Internet, Olympic tiếng Anh... Tất cả điểm được tích cho mỗi học sinh đều được công khai minh bạch để phụ huynh so sánh, đối chiếu.
Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy: Đang xây dựng phương thức quy đổi điểm xét tuyển
4 năm học trước, trường chúng tôi đều tổ chức thi tuyển vì chỉ tiêu có hạn, trong khi nhu cầu được vào học quá đông. Năm học 2014-2015, số hồ sơ nộp vào trường là hơn 2.000, trong khi chỉ tiêu là 240 học sinh. Ngay từ khi có chỉ thị của Bộ GD-ĐT, trường chúng tôi xác định sẽ xét tuyển trên nguyên tắc đảm bảo công bằng, khách quan, minh bạch. Chúng tôi dựa trên thành tích các em đạt được ở các cuộc thi và xét trên học bạ quy đổi ra điểm. Trường sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu. Việc quy đổi điểm như thế nào thì chúng tôi vẫn đang trong quá trình xây dựng để trình lãnh đạo phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, trường sẽ công khai cách tính điểm cũng như phạm vi tuyển sinh của trường.