Gợi ý trả lời cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” (11)

ANTĐ - Hiến pháp năm 2013 đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước và sự cam kết của nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.

Câu 5 (tiếp theo)

Những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân? Điểm mới nào bạn tâm đắc nhất? Vì sao?

Trả lời (tiếp):

10. Lao động và việc làm là một trong những quyền trọng tâm của hệ thống quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Chương II Hiến pháp năm 2013 đã thay thế những quy định dài dòng, mang tính hô hào, “khẩu hiệu” về lao động, việc làm trong Điều 55, 56 Hiến pháp năm 1992, thay vào đó là những quy định thực chất hơn, rõ ràng hơn, đặc biệt là bám sát các điều khoản liên quan trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966.

Công dân được quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc

Cụ thể, theo Điều 35 Hiến pháp năm 2013 thì quyền về lao động, việc làm bao gồm: quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động…

Những quy định mới và rõ ràng này trong Hiến pháp năm 2013 có giá trị xã hội to lớn bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong điều kiện phân công lại lao động xã hội, tái cấu trúc nền kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới đang diễn ra sôi động trên đất nước ta.

11. Chương II Hiến pháp năm 2013 khắc phục được một số điểm của Hiến pháp năm 1992 đã bị không ít nhà nghiên cứu phê phán là nặng về quy định các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa mà xem nhẹ quy định các quyền chính trị, dân sự. Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung mới rất nhiều quyền dân sự, chính trị theo yêu cầu của Luật nhân quyền quốc tế như: Quyền sống, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị lao động cưỡng bức, quyền không bị tra tấn, đánh đập, xúc phạm nhân phẩm, quyền xác định dân tộc, quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, quyền tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp, quyền về môi trường…

Có thể nói 36 điều của Chương II Hiến pháp năm 2013 đã bao quát khá đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa trong Bộ luật nhân quyền quốc tế.

12. Chương II Hiến pháp khẳng định, quy định rõ hơn và làm sâu sắc hơn quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước (Điều 28), biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29).

Có thể nói, trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp quan trọng, vì một mặt bảo đảm quyền của Nhân dân với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước, mặt khác bảo đảm cho những quyết định về các vấn đề hệ trọng của đất nước được thông qua một cách dân chủ hơn, cẩn trọng hơn, chính đáng hơn. Quy định này cũng thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta, thể hiện quyền công dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

13. Chương II Hiến pháp năm 2013 đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước và sự cam kết của nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Điều 14 Hiến pháp năm 2013 là sự cam kết vững chắc về vai trò của Hiến pháp và pháp luật bảo đảm quyền con người.

Điều 24 xác định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Điều 26 xác định: “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò…”. Điều 28 xác định: “Nhà nước tao điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội”. Điều 36: “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”. Điều 37: “Trẻ em, thanh niên, người cao tuổi được nhà nước chăm sóc, tạo điều kiện, bảo trợ”… Không ít các cam kết như vậy không chỉ thể hiện ở Chương II mà đã được thể hiện cả ở Chương I và các Chương sau của Hiến pháp năm 2013.

Cùng với những nội dung mới trong Chương II, các quy định mới bổ sung hoặc được sửa đổi trong Hiến pháp năm 2013 về cải cách hành chính quốc gia để bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã tạo lập khuôn khổ mới cho việc quản trị quốc gia; cụ thể như Điều 55 và Điều 112 bổ sung quy định về phân quyền giữa Trung ương và địa phương theo mô hình phát triển, cho phép chính quyền địa phương có ngân sách riêng; Điều 117 và Điều 118 thiết lập hai cơ quan hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước; Điều 9 làm rõ hơn vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, giám sát và phản biện xã hội của nhân dân…

Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên nhắc đến cụm từ “cơ chế bảo vệ Hiến pháp” và xác định Nhân dân là một trong các chủ thể bảo vệ Hiến pháp. Điều 119 xác định cơ chế bảo vệ Hiến pháp sẽ “…do Luật định” mở ra một khả năng mới sẽ có một đạo luật riêng về bảo vệ Hiến pháp trên cơ sở nguyên tắc đã được hiến định, là tiền đề để bảo vệ quyền con người ở cấp cao nhất, bảo hiến chính là bảo vệ các quyền hiến định.

Thông qua Hiến pháp, nhân dân trao quyền cho cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước và nhân dân cũng có trách nhiệm bảo vệ bản Hiến pháp khỏi sự vi phạm của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Hiến pháp cũng đã dành 1 chương riêng (Chương X) về Hội đồng bầu cử quốc gia mà bản thân nó cũng đã là cơ chế bảo hiến, thực hiện quyền con người, quyền công dân.

Với Hiến pháp năm 2013 thì trung thành với Tổ quốc và Nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân phải trở thành trách nhiệm, nghĩa vụ và sứ mệnh của lãnh đạo đất nước, phải có cam kết rõ rang để thực hiện trách nhiệm này. Khoản 7 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra một quy định mới chưa từng có trong tiền lệ sinh hoạt chính trị pháp quyền ở nước ta. Theo đó, “sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”.

Hiến pháp năm 2013 khắc phục đáng kể cách diễn đạt thể hiện tư tưởng ban phát quyền cho con người, cho công dân bằng cách thay đổi cách diễn đạt và văn phong pháp lý. Nhiều cụm từ “nhà nước bảo đảm”, “nhà nước tạo điều kiện”, “nhà nước khuyến khích”… đã được thay bằng “ mọi người có quyền”, “công dân có quyền”… Hiến pháp năm 2013 cũng lược bỏ một khối lượng đáng kể các cụm từ “theo quy định của pháp luật”, “theo quy định của luật”… Điều này thể hiện tư duy tiến bộ trong việc thừa nhận khả năng áp dụng trực tiếp các quy phạm Hiến pháp, đồng thời ghi nhận sự ràng buộc trách nhiệm của nhà nước đối với việc bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm pháp lý này đã được xác định rõ ràng trong Luật nhân quyền quốc tế.

Để bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân trong quan hệ với chủ quyền quốc gia thì đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt coi trọng đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Từ Đại hội IX, X, XI của Đảng, đại đoàn kết dân tộc được coi là động lực của phát triển.

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định và thể hiện rõ hơn tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Điều 5 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Điều 18 Hiến pháp năm 2013 khẳng định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dưng quê hương đất nước.

Với Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân đã được hiến định, cũng lần đầu tiên Hiến pháp hiến định vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là một bước tiến mới của tiến trình thực hiện dân chủ, là cơ hội để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận và nhân dân phát huy vai trò của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình phát triển của đất nước, vì các quyền và tự do cơ bản của con người Việt Nam. Tuy nhiên những quy định này của Hiến pháp năm 2013 cũng đòi hỏi Mặt trận phải đổi mới hơn nữa phương thức hoạt động để có thể hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Điều 10 Hiến pháp năm 2013 quy định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam đã được ghi nhận từ Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992. Điều 10 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức đại diện người lao động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay ở nước ta.

Trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, việc khẳng định và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn có ý nghĩa to lớn. Một mặt, bảo vệ quyền và lợi ích  của người lao động, mặt khác tạo cơ chế để Công đoàn tham gia chủ động và tích cực vào các quan hệ lao động, đặc biệt là quan hệ ba bên Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động, đáp ứng những yêu cầu bảo vệ người lao động trong nền kinh tế thị trường và trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Các quy định của Hiến pháp năm 2013 cho thấy, không chỉ thông qua nhà nước do mình xây dựng nên mà thông qua Mặt trận, Công đoàn, Đoàn thanh niên, các hiệp hội, đoàn thể và tổ chức nghề nghiệp, nhân dân có thể phát huy chủ quyền nhân dân, đồng thời trực tiếp ứng cử và bầu cử, trực tiếp quyết định qua trưng cầu ý dân và các hình thức dân chủ trực tiếp khác để thực hiện quyền lực của mình.

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân không chỉ thể hiện tại Chương II mà còn được thể hiện trong các chế định về chế độ chính trị, các chế định về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường; bảo vệ tổ quốc; Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; Chính quyền địa phương; Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.

Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa, sửa đổi và bổ sung rất nhiều nội dung mới để phù hợp và thể chế hóa những định hướng, mục tiêu trong Cương lĩnh năm 2011 và các văn kiện khác của Đại hội Đảng lần thứ XI với yêu cầu: “...bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế”.

(Còn nữa)