Gần 80% lao động có việc làm chưa được đào tạo từ "sơ cấp nghề"

ANTD.VN - So với quý IV-2017, số người thất nghiệp trong quý I-2018 đã giảm 4,6 nghìn người và so với cùng kỳ năm trước, giảm 35,4 nghìn người. 

Đào tạo nghề cho lao động phải gắn với nhu cầu của xã hội

Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý I-2018, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I-2018 ước tính là 54 triệu người, giảm 66,1 nghìn người so với quý trước và tăng 622,3 nghìn người so với cùng kỳ năm 2017.

Số người thất nghiệp trong quý I-2018 là 1,1 triệu người, giảm 4,6 nghìn người so với quý trước và giảm 35,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. 

Tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn quốc quý I-2018 ước là 2,01%, giảm 0,01 điểm phần trăm so với quý trước, giảm 0,09 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. 

Tuy vậy, tỷ lệ thanh niên (độ tuổi từ 15 đến 24) thất nghiệp chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng 49,4% tổng số người thất nghiệp. Đáng chú ý, lao động có việc làm đã qua đào tạo từ trình độ "Sơ cấp nghề" trở lên trong quý I ước tính là 11,6 triệu người, mới chỉ chiếm 21,5% số lao động có việc làm trong cả nước.

Từ giữa năm 2017 đến nay, tỷ lệ người thất nghiệp có xu hướng giảm dần qua các quý. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển biến chậm, chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội. 

Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ là lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong lợi thế so sánh với các nước tương quan, gần đây, lao động giá rẻ không còn là điểm mạnh của Việt Nam nữa.

Đặc biệt, khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn như CPTPP thì lao động trình độ cao mới có cơ hội có việc làm và số còn lại đứng trước nguy cơ thất nghiệp. 

Nhiều nước đang cạnh tranh gay gắt với Việt Nam về khía cạnh này, như: Bangladesh, Ấn Độ... Muốn thu hút FDI, Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo tay nghề, trình độ cao hơn cho lao động. Song trên thực tế, hoạt động này còn chuyển biến chậm.

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 23-10-2017 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động;

Thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung, nhất là cho sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm sang những lĩnh vực thiếu lao động, đào tạo cho công nghệ thông tin, du lịch; Nghiên cứu, có giải pháp tạo việc làm cho lao động nữ 35 tuổi trở lên mất việc làm.