Đoạn trường vinh hoa: Cảm động, chân thực và đầy day dứt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Đoạn trường vinh hoa" là bộ phim tài liệu hiện thực đang gây chú ý từ giới chuyên môn và những khán giả may mắn được thưởng thức qua các buổi chiếu tại Hà Nội, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh trước khi phát trên sóng VTV1 dự kiến ngày 11-11 tới.
Cảnh trong phim “Đoạn trường vinh hoa”

Cảnh trong phim “Đoạn trường vinh hoa”

“Đoạn trường vinh hoa” do Ban Sản xuất các chương trình giải trí VTV sản xuất, nằm trong khuôn khổ Dự án VTV đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam, được Quỹ FAMLAB (phim, nhạc và lưu trữ) thuộc dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh tài trợ. Tác phẩm gợi nhớ đến bộ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, phim phóng sự “Ngôi nhà buổi chiều” hay phim điện ảnh “Lô tô” (2017 - NSƯT Hữu Châu đóng vai chính) đều có đề tài về các gánh hát hội chợ. Bộ phim công chiếu tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) ngày 18 và 19-10, tại Ơ kìa Hà Nội (24-10), tại Đình thần Giai Xuân (Cần Thơ, 28-10), tại TP.HCM (ngày 1 và 2-11), tại rạp BHD Star The Garden (Hà Nội, ngày 6-11).

Đạo diễn Lê Mỹ Cường sinh năm 1989, tốt nghiệp ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội và ĐH Ngoại thương Hà Nội. Lê Mỹ Cường từng có các phim tài liệu ngắn “Ốc đảo gió”, “Bạn đồng hành”, “Nhà đối diện”... Hiện anh là nhà làm phim tài liệu tự do kiêm biên tập viên truyền hình.

“Đoạn trường vinh hoa” đi theo hành trình của một gánh tuồng cổ mà khán giả hiếm khi được chứng kiến. Những nghệ sĩ xuất thân từ nông dân lưu diễn nay đây mai đó, tự trang điểm, tự luyện tuồng, biểu diễn ở nhiều địa phương phục vụ đông đảo khán giả vùng sâu, vùng xa từ trẻ nhỏ đến người già. Cuộc sống đời thường sau bức màn nhung và ánh đèn màu sân khấu của họ khá cơ cực, mệt nhọc, nhưng cũng chứa đầy tiếng cười vui buồn, hào sảng và chan chứa tình tương trợ lẫn nhau. Qua những hình ảnh, câu chuyện được phản ánh hết sức chân thực, đầy xúc cảm, đoàn làm phim “mong muốn chia sẻ thông điệp về môn nghệ thuật truyền thống đang dần mai một đến với nhiều đối tượng trong xã hội”.

An ninh Thủ đô Cuối tuần có dịp trò chuyện với đạo diễn Lê Mỹ Cường về tác phẩm "Đoạn trường vinh hoa" mà nhóm của anh thực hiện trong hơn 1 năm - từ lần khảo sát bối cảnh đầu tiên tháng (3-2019) cho đến khi có bản phim hoàn thiện cuối cùng vào tháng 8-2020.

- Phóng viên: Một trong những điều cốt lõi của “Đoạn trường vinh hoa” chinh phục được người xem chính là yếu tố tự nhiên. Anh đã thực hiện bộ phim như thế nào để có được sự tự nhiên này?

- Đạo diễn Lê Mỹ Cường: Làm thế nào để kể được câu chuyện phim mà mình mong muốn, làm thế nào để bắt chụp được những khoảnh khắc tự nhiên thì đó là cái “duyên” (tất nhiên vẫn là trong những sự tính toán nhất định của người làm). Nếu cái “duyên” chưa tới thì bạn sẽ có nguy cơ “ra về trắng tay”. Đối với những người theo đuổi và thực hiện dự án, cái quý giá của việc làm phim tài liệu thực tế như thế này là có thể đồng hành trong đời sống của nhân vật một cách tự nhiên, biến bản thân mình từ một người xa lạ trở thành một phần trong thế giới vốn kín đáo và bí mật vô cùng của họ.

Một khó khăn để chúng tôi quay phim một cách tự nhiên như câu hỏi trên là - mặc dù không khó để thuyết phục đoàn hát cho ghi hình làm phim, nhưng để các nghệ sĩ dốc hết tâm can chứ không phải “diễn cho vui lòng” thì không phải chuyện đến trong ngày một, ngày hai. Có lẽ sự chân thành và cầu thị đã giúp chúng tôi bỏ sang một bên những định kiến của bản thân, để hiểu và trân trọng những nhân vật của mình, và sau cùng là có thể kể lại câu chuyện về cuộc đời của họ gần nhất với cách mà họ đã sống.

Đạo diễn Lê Mỹ Cường (ngồi giữa hàng đầu) cùng các nghệ sĩ, các bạn trẻ trong nhóm tổ chức buổi chiếu phim tại Cần Thơ ngày 28-10

Đạo diễn Lê Mỹ Cường (ngồi giữa hàng đầu) cùng các nghệ sĩ, các bạn trẻ trong nhóm tổ chức buổi chiếu phim tại Cần Thơ ngày 28-10

- Bộ phim khi hoàn thành và công chiếu có nhiều chi tiết cảm động. Hẳn trong quá trình làm phim, anh và quay phim cũng có nhiều kỷ niệm không quên?

- Đó là khoảnh khắc mà cô Ba (nghệ sĩ Phương Ánh) ôm hôn chúng tôi trong một lần vãn chầu và bảo: “Hai thằng này về sẽ nhớ phết”. Hay lúc cô bắt đầu sai chúng tôi làm đủ thứ trong đoàn như treo cái đèn, tháo cái cọng dây, thậm chí cả buộc tóc hộ cô thì chúng tôi hiểu đã bắt đầu thực sự được mọi người trong đoàn chấp nhận. Hay ví dụ như sau 4 tháng theo chân gánh hát, chị Hai (nghệ sĩ Phương Anh) - một trong những nhân vật chính của phim - mới cho phép chúng tôi ghi lại những thước hình đầu tiên. Ngày chia tay, một thành viên khác của đoàn mới tiết lộ với chúng tôi rằng, chị Hai từ trước tới giờ chẳng bao giờ chịu ghi hình, trả lời báo chí. Lấy làm lạ, xong bà bầu gánh hát (cô Ba Phương Ánh) cũng nói với chúng tôi rằng, cô từng nghĩ sẽ từ chối chúng tôi quay phim về gánh hát. Cô không muốn trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại về đam mê hay cuộc đời của những “nghệ sĩ bình dân”. Để có được những kỷ niệm đẹp như vậy trong mối quan hệ với các nhân vật, chúng tôi nghĩ đó cũng là cả một đoạn trường sau bao lần trải nghiệm cảnh nằm "chiếu đình, võng chợ”, bị muỗi đốt sưng người của anh em trong đoàn.

- Thế còn những thuận lợi của anh trong quá trình làm phim “Đoạn trường vinh hoa”?

- Nói về thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án này thì phải kể tới những người bạn đồng hành của tôi. Thực sự chưa bao giờ tôi thấm thía hơn vai trò và ý nghĩa của những người đồng hành có chung niềm tin và mục đích với mình như trong dự án này. Tôi nghĩ bất kỳ bộ phim nào cũng là thành quả của một tập thể, không chỉ có chung tình yêu với điện ảnh mà còn là sự san sẻ, cảm thông và hỗ trợ nhau. Người đầu tiên mà tôi muốn nhắc tới chắc chắn là bạn đồng hành của mình trong dự án - Thanh Nguyễn. Đây là người đã tin tưởng và chấp nhận đồng hành cùng tôi trong một địa hạt khá mới với anh. Xuất phát điểm là một nhiếp ảnh, một người làm thiết kế sáng tạo nên Thanh Nguyễn có lợi thế về ý tứ bố cục khuôn hình, chụp những khoảnh khắc, bù đắp vào việc chưa có nhiều kỹ năng cũng như kinh nghiệm trong việc làm phim tài liệu nói chung và với thể loại tài liệu hiện thực nói riêng.

Giai đoạn đầu cùng đồng hành, chúng tôi khá “khủng hoảng” khi người này không hiểu điều người kia muốn và ngược lại. Có những buổi quay mà xem "nháp" phim xong không ai nói với ai điều gì, cảm giác "toang" thật rồi. Thế nhưng, cuối cùng thì cả 2 không bỏ cuộc, đi đến cuối chặng đường và làm tốt nhất trong khả năng có thể. Đây thực sự là một điều mà tôi sẽ rất nhớ vì nó có nhiều sự liều lĩnh và quyết liệt trong đó. Tôi cũng muốn nhắc đến những người anh, người chị là những nhà làm phim tài liệu đã cố vấn rất nhiều cho tôi trong dự án này như nhà làm phim Nguyễn Thị Thắm (đạo diễn phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”), nhà làm phim Trần Phương Thảo (phim “Finding Phong”), anh Swan, chị Hảo Hảo… Họ là những người đã hỗ trợ tôi, giúp tôi củng cố tinh thần những lúc gần như mất phương hướng trước một hiện trường ngồn ngộn nhân vật, chất liệu, hay lúc phải nhìn ra được những tầng lớp ý nghĩa ẩn sâu đâu đó, những mạch truyện ngầm.

- Anh có dự định gửi phim tham dự các liên hoan phim trong nước và quốc tế?

- Nhóm dự án rất hy vọng có thể gửi bộ phim đi một số liên hoan phim trong nước và khu vực. Nhưng hiện tại thì mọi thứ mới nằm trong kế hoạch nên tôi xin phép chưa chia sẻ nhiều về điều này.

* “Tôi chua xót và cay mắt không hẳn vì những biến cố xảy ra trong phim “Đoạn trường vinh hoa”, mà có khi chính là vì được chứng kiến trên phim một đời sống “xa lạ” với mình quá! Tôi xem phim như thể người nước ngoài đang xem một đất nước nào đó và tự hỏi: “Sao lạ lẫm thế này?”. Văn hoá truyền thống, màu sắc bản địa là những cái có thể xa lạ với chúng ta đến thế sao, không chua xót sao được…”.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

* “Những giá trị chân thực của phim tài liệu trực tiếp luôn là sự thật được ống kính máy quay ghi lại (tự khán giả mặc định thế, không bao giờ phải giải thích là “nó thật đấy”). Tâm thế xem dạng phim tài liệu này vì thế đã khác với các thể loại phim khác rồi. Chuyện phim thuyết phục, là vì nó luôn thật”.

Chuyên viên Hoàng Thu Thủy (thiết kế âm thanh/hòa âm cho phim “Đoạn trường vinh hoa”)

* “Sau tất cả, chúng ta sẽ quay lại với cuộc sống, đối mặt với những khắc nghiệt trên hành trình của mỗi chúng ta. Ai sẽ gặp đoạn trường? Ai sẽ có vinh hoa? Nhưng điều quan trọng là hãy giữ trong tim một khao khát mãnh liệt, sống hết mình, thì dù hành trình đó có lắm đoạn trường rồi cũng sẽ có lúc gặp vinh hoa”.

Khán giả Nguyễn Chí Hiếu (Xưởng thiết kế Lathe, Hà Nội)