Từ những câu chuyện nhỏ

ANTĐ - Biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa sự sống trên toàn cầu. Hai mẩu chuyện nhỏ dưới đây như một lời gửi gắm, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của  con người. 

Chuyện đời cây mắm

Sự nghiệp văn chương của cố nhà văn Bình Nguyên Lộc luôn gắn bó với quê hương, với môi trường. Có lần, khi ông kể chuyện về cây mắm, đứa cháu của cố nhà văn hỏi:

- Cây mắm là cây gì vậy ông, sao con chưa nghe nói đến bao giờ?

- Vì cây mắm không dùng được vào việc gì hết, đến làm củi, châm lửa cũng không được. 

- Vậy sao cây đó lại  nhiều vậy ông? 

- Bờ biển mỗi năm được phù sa bồi đắp thêm hàng nghìn thước. Phù sa mềm nhũn và sẽ không bao giờ trở thành đất thịt để trồng trọt nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một mai kia, cây mắm sẽ ngã rạp, cây tràm sẽ nối ngôi mắm. Rồi sau tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được. Đời cây mắm tuy vô ích nhưng không uổng đâu.

Vậy đấy, cần phải có cây mắm, cây tràm, các loài cây khác mới tiếp nối sinh sôi nảy nở, để trái đất ngày càng dày thêm màu xanh, môi trường thêm trong lành. Con người cũng vậy, dù bất cứ ai, làm bất cứ việc gì, cũng có thể là một thứ cây mắm, cây tràm để đất đai trở nên màu mỡ, giúp cho Trái đất mãi màu xanh.

Chuyện về khu rừng đẹp nhất nước Pháp

Một ông lão người Pháp, sau khi vợ qua đời đã mang đứa con trai duy nhất đến một vùng đất khô cằn nhất của miền Trung nước Pháp để lập nghiệp. Vùng đất khô cằn nơi ông đặt chân đến chỉ vỏn vẹn 5 ngôi làng nhỏ với rất ít dân cư sống trong những căn nhà cũ kỹ, vì nhiều người đã bỏ lên những thành phố lớn tìm công ăn việc làm. 

Ông lão trên 60 tuổi đưa mắt nhìn khung cảnh xung quanh rồi nghĩ, nếu khu vực này không có cây cối, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, cả vùng sẽ biến thành hoang mạc. Và ông biết mình sẽ phải làm gì. Sau khi ổn định chỗ ở, ông bắt tay vào kế hoạch đã định. Ông đi nhặt hạt dẻ, chọn những hạt tốt đem ngâm nước. Chọn lúc mặt trời vừa lên, ông đi khắp xung quanh, tay cầm một thanh sắt nhọn chọc xuống đất, mỗi lỗ ông bỏ vào một hạt dẻ. Ngày này qua ngày khác, trong liên tiếp ba năm, ông lão đã trồng được một trăm nghìn cây dẻ con. Ông hy vọng rằng sẽ có khoảng một phần mười số cây này sống sót, ông cũng mong rằng, ông sẽ sống thêm vài năm nữa để trồng thêm được nhiều cây. 

Ông đã qua đời năm 1947, hưởng thọ 89 tuổi. Từ những hạt dẻ ông đã cặm cụi moi từng lỗ bỏ vào, ngày nay nước Pháp đã có một trong những khu rừng đẹp nhất thế giới. Trong ba khóm rừng, mỗi khóm dài 11 cây số, rộng 3 cây số, những cây dẻ xanh tươi cao lớn để giữ nước mưa, làm cho cây cối xung quanh được xanh tươi. Khu đồi khô cằn ngày xưa thành một vùng cư dân trù phú có dòng suối bao quanh, chim chóc trở lại, sức sống ngày một vững bền.