Thăm cột mốc Không số cực Tây Apa Chải

ANTĐ - Lời bài hát giao duyên mộc mạc của người Mông như thúc giục chúng tôi lên đường đến với miền cực Tây xa xôi của Tổ quốc. Xuất phát từ Hà Nội, đoàn chúng tôi vượt qua hơn 500km qua Hoà Bình, Sơn La, qua đèo Pha Đin đẹp hùng vĩ và nổi tiếng với những dốc cua nguy hiểm chết người để đến Điện Biên. 

“…Hát, không hát lời nặng.

Hát, chẳng hát lời đau.

Hát không để người già ghét.

Hát không để người trẻ nhiếc.

Đã hát thì hát đến nơi.

Ta lấy được mình, ta quý mình như bóng chiều hôm

Ta lấy được mình, ta yêu mình như bóng chiều tà.

Tình yêu đôi ta đẹp đẽ thay.…”

Sau khi nghỉ đêm tại Điện Biên, sớm hôm sau chúng tôi tiếp tục hành trình khoảng 280km theo quốc lộ 12 lần lượt qua Mường Chà - Chà Cang - Mường Nhé rồi đến xã Apa Chải thuộc huyện Mường Nhé. Quãng đường tuy không xa nhưng nhiều đoạn đang được thi công, những con ngầm qua suối chảy xiết lổng chổng đá hộc và cuội tròn to, chưa kể đến những con đèo ngoằn ngoèo và cả những con dốc dài với độ nghiêng chỉ có ở “cung đường độc” này càng làm cho đường đi thêm phần xa xôi cách trở.  

Chúng tôi đến được bản Tá Miếu, một bản của người dân tộc Hà Nhì nằm ngay dưới chân núi Apa Chải và cũng là bản dân xa nhất về phía tây Tổ quốc vào chập tối, liên hệ với đồn Biên phòng để được dừng chân và xin hướng dẫn lên thăm cột mốc Không số duy nhất trên đường biên giới Việt Nam. 5h sáng, tiếng kẻng nhà binh thúc các chiến sỹ trong đồn dậy tập thể dục, cũng là lúc chúng tôi dậy chuẩn bị đồ ăn nước uống cho một ngày dài hành quân chinh phục Mốc.

Đoạn đường đến cột mốc Không số hoàn toàn chỉ có đường rừng, đường mòn hoặc thậm chí là không có cả đường mòn. Tuy nhiên, nhờ các chiến sĩ biên phòng dẫn đường, chặng đường hành quân hơn 8km đi bộ, leo núi dốc, xuyên qua các vạt núi cỏ gianh cao quá đầu người và những cánh rừng già trở nên đẹp lãng mạn bởi quang cảnh hùng vĩ bao la hiện ra trước mắt và pha thêm chút mạo hiểm phiêu lưu. Thú vị là ở chỗ, ở nhiều điểm trên tuyến đường này ta có thể đi một chân trên quê hương, còn chân kia đã đi trên phần lãnh thổ nước láng giềng. Trong đoàn chúng tôi hầu hết mọi người đã từng chinh phục Phanxipăng - nóc nhà Đông Dương, nhưng khi đến đây vẫn thấy như không thể vượt qua bởi chặng đường lên Mốc dường như dài bất tận và cao cao đến tận trời.

Ở độ cao 1.400m chúng tôi mới thoát khỏi những triền dốc và tạm nghỉ để bắt đầu vào chặng xuyên rừng. Đây là chặng nghỉ ngơi thực sự duy nhất trong suốt hành trình bởi anh bộ đội biên phòng dẫn đường mặc dù đã rất nhiều lần lên Mốc nhưng vẫn ngại vì khi quay về phải xuyên rừng vào ban đêm sẽ rất dễ lạc đường. Cột mốc ở độ cao 1.864m là điểm cực tại kinh độ:102 độ 09’00”Đ - vĩ độ: 22 độ 23’53”B, nằm trên đỉnh núi Khoang La San - xã Apa Chải - huyện Mường Nhé - tỉnh Điện Biên là nơi xác định ranh giới ba nước là Việt Nam - Lào - Trung Quốc, được các bên thống nhất cắm mốc vào ngày 27/6/2005. Cột mốc đẹp nhất Đông Dương này được làm bằng đá granit, nằm trên bệ đá cắm giữa một hình lục giác, ngoài cùng là khối vuông mỗi cạnh dài 5m. Cột mốc hình lăng trụ, cao 2m tính từ chân đế ba cạnh, có ba mặt được viết bằng chữ quốc ngữ và khắc quốc huy của từng nước (mặt nào quay về hướng nào thì thuộc chủ quyền lãnh thổ nước đó) và là cột mốc duy nhất không đánh số trên khắp chiều dài biên giới nước ta.