Sự đổi thay diệu kỳ

ANTĐ - Thật ngỡ ngàng, sau hơn 3 năm trở lại mảnh đất vùng cao thuộc 3 xã Yên Trung, Tiến Xuân và Yên Bình của huyện Thạch Thất. Khó có thể hình dung, sự đổi thay lớn đến nhường ấy. Đời sống bà con được nâng lên, chất lượng cuộc sống ngày một khấm khá hơn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp đời sống khấm khá hơn. Ảnh minh họa.

Điện, đường phủ kín thôn bản

Tôi trở lại 3 xã vùng cao của huyện Thạch Thất sau hơn 3 năm hợp nhất vào một ngày cuối năm, khi cái se lạnh của mùa đông miền Bắc đã ập đến từng thôn, xóm. Lác đác, vài cây mai đã kịp bung sắc trắng muốt. Không còn đường đất gồ ghề sống trâu, không còn cảnh học sinh co ro trong giá rét ùa ra từ những ngôi trường tạm, xập xệ. Ba xã vùng cao đã thay đổi đến chóng mặt. Con đường tỉnh lộ 446 chạy dọc từ Vai Réo (Quốc Oai), qua 3 xã và nối với Bãi Nai (Kỳ Sơn - Hòa Bình) thẳng tít tắp. Khi giao thông đã được thuận lợi, thì kinh tế sẽ theo đó dần phát triển.

Ông Nguyễn Doãn Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, 3 xã vùng cao Yên Trung, Yên Bình và Tiến Xuân có tỷ lệ người dân tộc Mường chiếm đến 85%. Sau hợp nhất về Thủ đô, huyện Thạch Thất cùng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của đồng bào dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần nơi đây đã có chuyển biến rõ nét.

Tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng. Hầu hết các hộ đều đã sắm các tiện nghi nghe nhìn, đi lại.

 Ông Hoàn bật mí, chỉ sau 3 tháng hợp nhất, toàn bộ 3 xã đã có điện lưới. Trong đó, điện, đường, trường trạm được đặc biệt quan tâm, với mức đầu tư trong vòng hơn 3 năm gần 400 tỷ đồng. Đến nay, toàn bộ học sinh đã có phòng học kiên cố, không còn cảnh học tạm, học nhờ, các cấp tiểu học đang phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia. Tổng mức đầu tư giáo dục trên địa bàn 3 xã trong hơn 3 năm qua đã đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống giao thông liên thôn, liên xã, liên huyện được đầu tư bài bản, tạo sự thông thương cho bà con.


Giữ gìn nét văn hóa Mường

Không chỉ được quan tâm về đời sống vật chất, mà đời sống văn hóa, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường được gìn giữ và phát huy. Từ năm 2009, huyện Thạch  Thất đã đầu tư cho 3 xã, mỗi xã 2 bộ cồng chiêng để sử dụng vào những dịp lễ tết. Anh Quách Văn Hiền - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Thạch Thất cho biết, riêng xã Tiến Xuân, đồng bào còn lưu giữ được gần 10 bộ cồng chiêng, và đặc biệt, trên địa bàn xã còn có bà Bùi Thị Thìn chuyên dạy và nghiên cứu về môn này. Cồng chiêng được đồng bào Mường sử dụng vào những dịp lễ hội, dịp tết.

 Đặc sắc nhất vào những dịp tết, ông Hoàng Phương cho biết, người Mường đón tết bắt buộc phải có thịt lợn. “Tùy theo trọng lượng con lợn, mà từ 2-3 nhà chung nhau. Lợn được mổ vào ngày 28 hoặc 29 tết. Ngoài ra, giò nạc, bánh chưng, bánh ống, bánh chéo khoeo là những thứ không thể thiếu vào mỗi dịp tết”, ông Phương nói. Những hoạt động vui xuân của bà con nơi đây cũng vẫn giữ được những nét riêng, những trò chơi dân gian đặc sắc.

Theo ông Phương, năm nào, địa phương cũng tổ chức lễ hội vui xuân cho bà con trong hai ngày 4 và mùng 5 tết. Những trò chơi dân gian như bắn nỏ, đẩy gậy, ném còn luôn thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân trên địa bàn 7 thôn của xã. Dù, đời sống còn khó khăn, nhưng, tinh thần thể thao của người dân Yên Trung không thua kém bất kỳ xã, phường nào. Mỗi thôn đều có sân bóng và có đội bóng chuyền nam, nữ. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, các đội lại có dịp thử sức, đua tài làm nên những nét đặc sắc nơi đây. Phụ nữ Mường vẫn mặc trang phục truyền thống mà người dân nơi đây gọi nôm na là “quần 1 ống, áo 1 gang”. Rất dễ để bắt gặp một phong tục của người Mường còn giữ nguyên trong sinh hoạt hàng ngày, đó là những đôi đũa dùng để ăn cơm dài đến 30cm. Người Mường quan niệm, đôi đũa, khi đặt ngang, hai bên đầu đũa phải chạm được vào cả 2 tai.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch huyện Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn không giấu được niềm vui khi đời sống của bà con 3 xã vùng cao khấm khá lên từng ngày.  Ông Hoàn cho biết: “Kể từ khi sáp nhập, 3 xã nhận được sự quan tâm rất nhiều từ các tổ chức Trung ương và TP, trong đó, có báo An ninh Thủ đô, nhiều năm qua đã dành sự ưu ái cho bà con. Thăm hỏi, tặng quà, động viên bà con sản xuất”.

Tạm biệt 3 Yên Xuân, Yên Bình, Tiến Xuân, xe chúng tôi lại lăn bánh trên con đường nhựa xa tít, đồi núi, xóm làng dần khuất nơi cuối con đường. Một ngày cũ dần khép lại, ngày mới sẽ đến, nơi vùng cao xa nhất của huyện Thạch Thất sẽ đón những ngày mới bằng diện mạo mới. Hơn 3 năm, quãng thời gian không quá ngắn, không quá dài nhưng cũng đủ để đánh thức tiềm năng, sức mạnh của đất và người nơi đây.