Nhận tội giết người thay con, mẹ phạm tội gì?

ANTD.VN - Do có mâu thuẫn từ trước, sáng 25-9, ông Nguyễn Văn M. đã tới quán cà phê của chị gái gây sự rồi đập phá bàn ghế nên bị công an xử phạt hành chính. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Chiều cùng ngày, Hồ Tấn H. về nhà thấy cha đứng khóc ngoài ngõ, kể rằng bị người cậu - tức ông M. đánh, sau đó bà ngoại của H. cũng kể rằng người cậu đập phá đồ đạc và đánh cha mẹ H. Tức giận, H. đã nhờ mẹ gọi điện thoại cho ông M. tới nói chuyện, đồng thời thủ sẵn một con dao với ý định sẽ dọa cậu.

Thế nhưng khi người cậu tới, H. lại nổi nóng dùng tuýp sắt trong quán của mẹ đập vào xe máy của cậu. Bị người cậu đánh lại, H. dùng dao đâm liên tiếp 3 nhát khiến nạn nhân tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, thương con, mẹ của H. đã cơ quan chức năng tới đầu thú, tự nhận mình là người gây ra án mạng bằng hai nhát dao. Tuy nhiên, lời khai này lại không khớp với kết quả khám nghiệm tử thi cùng các chứng cứ khác. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã nhanh chóng phát hiện ra hung thủ đích thực là H.

Vấn đề đặt ra là với hành vi của mình, mẹ Hồ Tấn H. đã phạm tội gì và sẽ bị xử lý thế nào?

Ý kiến bạn đọc

Che giấu tội phạm

Trong vụ việc này người mẹ của Hồ Tấn H. đã có việc làm che giấu việc giết người của con mình bằng cách nhận tội thay cho con. Mặc dù biết rõ hành vi phạm tội của con mình và cũng nhận thức được rằng chắc chắn con mình sẽ bị xử lý theo pháp luật nhưng vì thương con nên người mẹ này đã đến cơ quan chức năng đầu thú, tự nhận mình là người gây tội với mong muốn con mình sẽ thoát khỏi trách nhiệm hình sự. Hành động này của người mẹ đã  phạm vào tội che giấu tội phạm theo Điều 313, Bộ luật Hình sự và có thể khiến cho cơ quan chức năng bỏ lọt người lọt tội.

Nguyễn Thanh Hà (Quảng Trạch - Quảng Bình)

Khai báo gian dối

Mẹ của Hồ Tấn H. đã phạm tội khai báo gian dối theo Điều 307, Bộ luật Hình sự. Theo đó, với việc đầu thú tại cơ quan chức năng, người mẹ này đã cung cấp những tin tức bịa đặt, không đúng về sự việc phạm tội, về nhân thân người phạm tội hoặc các tình tiết về vụ án với cơ quan chức năng; cung cấp các tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật với mục đích để nhằm giúp cho con mình thoát tội. 

Trần Văn Hà (Đống Đa - Hà Nội)

Không tố giác tội phạm

Mặc dù biết rõ con mình đã phạm tội giết người nhưng mẹ của Hồ Tấn H. thay vì trình báo với cơ quan chức năng đã tự nhận tội thay cho con mình. Tôi cho rằng, hành vi này đã phạm vào tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 314, Bộ luật Hình sự. Điều luật này quy định: Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng. Tội giết người được coi là tội đặc biệt nghiêm trọng, do vậy theo tôi hành vi không tố giác của người mẹ sẽ bị xử lý hình sự. 

Đoàn Thế Thanh  (Văn Giang - Hưng Yên)

Bình luận của luật sư

Trong thực tế, nhận tội thay người khác được đặt trong nhiều tình huống khác nhau, người nhận tội thay người khác có thể là vì lý do tình cảm, hay vấn đề đạo đức, vấn đề kinh tế hoặc vì nhiều lý do khác. Có thể thấy, hành vi tự nhận mình là người phạm tội thay cho người khác đã xâm phạm khách thể là các hoạt động tư pháp quy định tại Chương XXII - Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Tại Điều 292, Bộ luật Hình sự có nêu khái niệm: Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Như vậy có thể khẳng định, hành vi nhận tội thay người khác là vi phạm pháp luật hình sự. 

Về ý kiến cho rằng hành vi nhận tội thay của mẹ Hồ Tấn H. phạm tội khai báo gian dối theo Điều 307, Bộ luật Hình sự, chúng tôi nhận thấy, tội khai báo gian dối chỉ áp dụng đối với người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập lấy lời khai nhưng lại khai báo không đúng những gì mình biết…

Tội này không nhất thiết phải biết người phạm tội là ai mà chỉ cần khai báo không đúng những gì mình biết trong vụ án. Còn đối với hành vi nhận tội thay thì nhất thiết phải biết thủ phạm nhưng vì lý do nào đó mà đã không khai báo ra thủ phạm, đồng thời tác động che giấu đi tội phạm. Do đó, mẹ của Hồ Tấn H. không phạm tội khai báo gian dối.

Đối với ý kiến về việc hành vi của mẹ Hồ Tấn H. đã phạm tội không tố giác tội phạm, có thể thấy, hành vi không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 314, Bộ luật Hình sự, về lý luận gọi là “không hành động”, tức là người phạm tội không làm một việc mà họ có nghĩa vụ phải làm và có thể làm được.

Cụ thể hơn là họ không trình báo với cơ quan có thẩm quyền về việc tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà mình biết rõ. Việc “không hành động” này đã vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 25, Bộ luật Tố tụng hình sự: “Các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức”.

Trong vụ việc này, mẹ của Hồ Tấn H. đã tới đầu thú tại cơ quan công an, tự nhận mình là người gây ra án mạng, như vậy mẹ của Hồ Tấn H. không thuộc trường hợp “không hành động” và không thuộc trường hợp phạm tội không tố giác tội phạm.

 Căn cứ nội dung trong vụ việc này có thể thấy việc mẹ Hồ Tấn H. tới cơ quan chức năng đầu thú để nhận tội thay cho con mình có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm theo Điều 313, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của pháp luật, hành vi che giấu tội phạm có thể được thực hiện dưới một trong các hình thức sau:

+ Thứ nhất, che giấu người phạm tội: Che giấu người phạm tội là biết rõ một người đã thực hiện một tội phạm nhưng đã chứa chấp, nuôi giấu trong nhà mình, tìm địa điểm cho người phạm tội ẩn náu để không bị bắt, giúp đỡ người phạm tội bỏ trốn, giúp người phạm tội thay hình đổi dạng để tránh sự truy tìm, phát hiện của mọi người hoặc có những hành vi khác che giấu người phạm tội.

+ Thứ hai, che giấu các dấu vết của tội phạm: Một tội phạm xảy ra bao giờ cũng để lại các dấu vết, các dấu vết mà tội phạm để lại có ý nghĩa rất quan trọng cho việc chứng minh tội phạm, từ dấu vết mà cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra thủ phạm. Thông thường, người thực hiện hành vi phạm tội tự mình xóa các dấu vết, nhưng cũng nhiều trường hợp người phạm tội do không kịp xóa các dấu vết nên sau khi phạm tội đã nhờ người khác hoặc tuy không được nhờ nhưng người khác tự mình xóa các dấu vết của tội phạm nhằm che giấu hành vi phạm tội của người đã thực hiện tội phạm đó.

+ Thứ ba, che giấu tang vật của tội phạm: Tang vật của vụ án là công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm. Che giấu tang vật là hành vi cất giấu, hủy hoại hoặc làm biến dạng công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm.

+ Thứ tư, hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội: Cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội là không muốn cho tội phạm bị phát hiện, xử lý theo pháp luật. Hành vi cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội rất đa dạng như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn từ chối cung cấp các tài liệu, sổ sách, giấy tờ có liên quan đến tội phạm; từ chối cung cấp địa chỉ, nơi ở của người phạm tội đang ẩn náu mà mình biết rõ; dùng quyền hành để dụ dỗ, mua chuộc, cưỡng ép người khác không khai báo, không cung cấp tài liệu cho cơ quan tiến hành tố tụng…

Trong vụ việc này, rõ ràng hành vi nhận tội thay của mẹ Hồ Tấn H. đã góp phần che giấu, giúp thủ phạm không bị phát hiện khiến cơ quan tố tụng lạc hướng. Nói cách khác, việc làm này đã cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội của cơ quan chức năng… Tuy nhiên, hậu quả của hành vi che giấu tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Tội phạm hoàn thành từ khi người phạm tội đã thực hiện hành vi che giấu tội phạm, không phụ thuộc vào kết quả của việc che giấu đó có đạt kết quả hay không. Như đã phân tích ở trên, điều này phù hợp với hình thức thứ tư của hành vi che giấu tội phạm. Do vậy, có cơ sở để khẳng định hành vi của mẹ Hồ Tấn H. đã phạm tội che giấu tội phạm theo Điều 313, Bộ luật Hình sự. 

Mặc dù hành vi nhận tội thay của mẹ Hồ Tấn H. có dấu hiệu khách quan của việc xâm phạm hoạt động tư pháp nhưng có thể thấy đây là hành vi mang tính bột phát, thiếu hiểu biết đầy đủ về pháp luật. Ở góc độ tình cảm ruột thịt, vì quá thương con mà người mẹ này đã có hành vi tới cơ quan công an đầu thú, mong được chịu tội thay và gánh đỡ cho con sự trừng phạt của pháp luật.

Như vậy, trong vụ việc này mục đích của người mẹ đã thể hiện rõ ràng là vì tình cảm, còn mục đích có phải cố ý xâm phạm hoạt động của các cơ quan tố tụng hay không còn cần phải được cơ quan điều tra làm rõ bằng việc lấy lời khai bằng văn bản. Vì vậy, mặc dù hành vi đủ yếu tố cấu thành tội che giấu tội phạm nhưng theo chúng tôi cơ quan tố tụng có thể xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người mẹ.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)