Cưỡng ép con kết hôn để trừ nợ, phạm tội gì?

ANTD.VN - Hành vi ép con phải lấy chồng để trừ nợ, cha mẹ có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

Vợ chồng Nguyễn Quốc Hùng có vay nợ của Hoàng Quốc T. (41 tuổi) số tiền 500 triệu đồng để làm ăn. Tuy nhiên do làm ăn thua lỗ nên vợ chồng Nguyễn Quốc Hùng đã mất khả năng trả nợ. Khi bị Hoàng Quốc T. nhiều lần đòi lại số tiền đã cho vay, vợ chồng Nguyễn Quốc Hùng đã bắt con gái mình là Nguyễn Thị H. (18 tuổi) không được thi đại học và phải ở nhà lấy T. để trừ nợ số tiền đã nợ T. 

Vấn đề đặt ra là hành vi ép con phải lấy chồng để trừ nợ, vợ chồng Nguyễn Quốc Hùng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

Ý kiến bạn đọc

Vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình

Trong vụ việc này, vợ chồng Nguyễn Quốc Hùng vì có vay nợ với Hoàng Quốc T. mà đã ép buộc con gái của mình không được thi đại học để ở nhà lấy T. nhằm trừ số nợ đã vay. Tôi cho rằng hành vi ép buộc này của vợ chồng Hoàng Quốc T. đã vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Theo quy định tại khoản 9, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì “Cưỡng ép kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ”. Cưỡng ép kết hôn cũng là một trong những hành vi bị cấm được quy định tại khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và gia đình.

Nguyễn Hồng Hà (Hạ Long - Quảng Ninh)

Phạm tội cưỡng ép kết hôn

Kết hôn là việc lớn, trọng đại trong đời mỗi con người. Để đi đến hôn nhân cả người nam và nữ đều phải xuất phát từ việc tự nguyện trên cơ sở được pháp luật cho phép. Mọi hành vi ép buộc theo tôi đều là vi phạm pháp luật. Điều này đã được quy định rõ trong Điều 146, Bộ luật Hình sự quy định hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Do đó, theo tôi, hành vi của vợ chồng Nguyễn Quốc Hùng ép con gái mình kết hôn để trừ nợ phải bị xử lý về hình sự.

Hoàng Thái Sơn (Kim Sơn - Ninh Bình)

Bình luận của luật sư

Trong vụ việc này, để xác định hành vi ép con phải lấy chồng để trừ nợ của vợ chồng Nguyễn Quốc Hùng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, trước hết ta phải phân tích về tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ theo Điều 146, Bộ luật Hình sự. Tại Điều 146, Bộ luật Hình sự có quy định, hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ đến mức bị coi là tội phạm là trường hợp: “… cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác…”.

Chủ thể của tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và là người đã thành niên. Trong thực tế, chủ thể của tội này thông thường là người có uy quyền nhất định trong gia đình như bố, mẹ, người nuôi dưỡng hoặc uy quyền về công tác như thủ trưởng đối với nhân viên hoặc uy quyền về tín ngưỡng như cha cố với con chiên…

 Về khách thể: Hành vi phạm tội xâm phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ - một trong số những nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. Chính vì thế, hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân xâm phạm chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được pháp luật bảo vệ. Hành vi phạm tội đồng thời còn gây ra mâu thuẫn gia đình, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác (ví dụ như hành vi tự sát của nạn nhân).

Về mặt khách quan của tội phạm: Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ đòi hỏi người phạm tội phải có hành vi cưỡng ép người khác kết hôn hoặc hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Theo đó, cưỡng ép kết hôn là buộc người khác phải lấy người nào đó làm chồng hoặc vợ trái với sự tự nguyện của họ. Cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ là hành vi ngăn cản người khác không được kết hôn theo ý muốn của họ, trong khi họ có đủ điều kiện kết hôn theo luật định hoặc là hành vi ngăn cản người khác tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ hoặc bắt họ phải cắt đứt quan hệ đó. Hai loại hành vi này được thực hiện khi những người khác chưa thiết lập quan hệ hôn nhân.

  Theo quy định của pháp luật, việc cưỡng ép kết hôn hoặc ngăn cản hôn nhân tự nguyện tiến bộ chỉ coi là hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này khi được thực hiện bằng một trong những thủ đoạn mà Điều 146, Bộ luật Hình sự liệt kê. Cụ thể Theo hướng dẫn tại điểm 2, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25-9-2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV: “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật Hình sự thì:

Hành vi cưỡng ép kết hôn được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác.

+ Hành hạ, ngược đãi là đối xử tàn ác, tồi tệ đối với người khác gây đau khổ về thể xác hoặc tinh thần kéo dài, như: thường xuyên đánh đập (có thể không gây thương tích), giam hãm, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, nhiếc móc, làm nhục… nhằm mục đích cưỡng ép việc kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Cần lưu ý rằng, hành vi hành hạ, ngược đãi là thủ đoạn của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cho nên không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội hành hạ, ngược đãi quy định tại Điều 110 hoặc Điều 151, Bộ luật Hình sự.

+ Uy hiếp tinh thần là đe dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, tài sản hoặc lợi ích thiết thân của người bị đe doạ làm cho người đó có căn cứ để lo sợ thực sự mà phải chịu khuất phục như đe dọa sẽ đốt nhà, giết người thân, tiết lộ bí mật đời tư của người bị đe dọa, bố mẹ hoặc người thân trong gia đình đe dọa sẽ tự tử nếu hai bên nam nữ lấy nhau, con đe dọa là sẽ bỏ nhà hoặc tự tử nếu bố, mẹ lấy vợ, lấy chồng mới…

+ Yêu sách của cải là đòi hỏi của cải một cách quá đáng, không nhân nhượng và coi đó là một trong những điều kiện để được kết hôn nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện giữa đôi bên nam nữ.

+ Thủ đoạn khác có thể là buộc một bên hoặc cả hai bên đi xa nhằm chia rẽ họ; bắt cóc người không muốn lấy mình làm vợ hoặc làm chồng để buộc họ phải kết hôn trái ý muốn; một bên gia đình tiến hành dựng vợ, gả chồng cho người thân của mình với người khác trái với ý muốn của người đó nhằm chia rẽ người thân đó với người mà họ muốn tự nguyện kết hôn…

 Tuy nhiên, điều cần lưu ý là hành vi cưỡng ép người khác kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ (có một trong những thủ đoạn nói trên) chỉ coi là cấu thành tội khi chủ thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tiếp tục thực hiện việc cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ.

Ngoài ra cũng cần phân biệt những thủ đoạn của hành vi cưỡng ép hoặc cản trở nêu trên với trường hợp người do bị mắc lừa đã đồng ý kết hôn với người có lý lịch chính trị, lý lịch tư pháp xấu. Đây cũng là trường hợp vi phạm nguyên tắc tự nguyện kết hôn nhưng không bị coi là thủ đoạn cưỡng ép kết hôn vì không có yếu tố cưỡng ép. Trường hợp người có hành vi cản trở hôn nhân sai trái (vi phạm các điều kiện kết hôn do luật định) dù có kèm theo các thủ đoạn vũ lực cũng không coi là thủ đoạn cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ theo Điều 146, Bộ luật Hình sự mà chỉ có thể cấu thành tội khác như cố ý gây thương tích, tội làm nhục người khác…

Trong quy định của pháp luật về hình phạt, loại tội phạm này chỉ có một khung hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm, thể hiện quan điểm về mức hình phạt không cao của các nhà làm luật. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì việc xử lý các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình không những phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản của hình phạt và quyết định hình phạt, mà phải phù hợp với những đặc điểm của quan hệ gia đình và đạo đức xã hội, khi người phạm tội hầu hết là những bậc gia trưởng trong gia đình dòng họ, có công lao nhất định đối với việc sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục người bị cưỡng ép kết hôn hay cản trở hôn nhân, mặt khác, phải tính đến việc khôi phục những quan hệ tình cảm, những giá trị gia đình sau khi tội phạm thực hiện.

Như vậy, có thể thấy, hành vi cưỡng ép người khác kết hôn là một trong những hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội, phải chịu trách nhiệm hình sự. Cưỡng ép kết hôn có thể do một trong hai bên ép bên kia phải kết hôn với mình hoặc một trong hai bên nam, nữ, hoặc cả hai bị người khác ép phải kết hôn với nhau. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt giữa “ép buộc” và “thuyết phục”, có thể ban đầu cha mẹ hướng cho con đến một đối tượng kết hôn không hợp ý của con nhưng sau đó người con đã nghe theo sự khuyên nhủ, phân tích của cha mẹ mà đồng ý tiến tới hôn nhân thì đây không thể xem là hôn nhân ép buộc, không tự nguyên.

Còn đối với trường hợp bị ép buộc thì tức là về mặt ý chí họ không thể tự làm chủ, bị người khác điều khiển, áp đặt do họ bị lệ thuộc về một mặt gì đó. Trong vụ việc này, Nguyễn Thị H. đã bị vợ chồng Nguyễn Quốc Hùng ép ở nhà lấy Hoàng Quốc T. Do đó, H. có thể tố cáo hành vi của bố mẹ mình lên Tòa án về tội cưỡng ép kết hôn trái pháp luật, với mức phạt cảnh cáo, hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên, bố mẹ H. sẽ chỉ bị trách nhiệm hình sự nếu đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)