“Loạn” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

ANTĐ - Đến hẹn lại lên, cuối năm, vỉa hè, lòng đường lại được lấn chiếm tối đa để kinh doanh, để trông giữ xe bất chấp lệnh cấm. Người dân Thủ đô đang hy vọng, chiếc gậy thần của cơ quan chức năng có dẹp được “loạn” vỉa hè.

Người đi bộ đi vào đâu?

Bùng phát lấn chiếm vỉa hè

Từ năm 2008, UBND TP Hà Nội đã có chủ trương cấm kinh doanh, buôn bán hàng rong trên một số tuyến phố. Cụ thể, có 63 tuyến phố cấm bán hàng rong và 56 tuyến phố cấm để xe trên vỉa hè. Song, đến thời điểm này, lệnh cấm đó dường như không còn hiệu lực. Thêm vào đó, nhiều tuyến phố đã bị người dân sử dụng triệt để kinh doanh, gây tắc nghẽn giao thông. Càng về cuối năm, nhu cầu đi lại giao thương, buôn bán của người dân tăng cao, khiến đường phố lúc nào cũng trong tình trạng chật cứng. Cũng bởi vậy, chỉ một thay đổi nhỏ trên đường phố có thể dẫn đến tắc nghẽn cục bộ cả tuyến phố dài.

Vỉa hè trên tuyến Chùa Bộc - Thái Hà từ 19h tối, người đi bộ không còn chỗ để đi bởi các điểm bán quần áo, giày dép lấn chiếm. Cả tuyến phố dài đông đúc, nhộn nhịp như một khu chợ. Trong khi đó, phương tiện lưu thông trên đường thì nhích từng tí một do việc kinh doanh vỉa hè gây ra.

Hay dọc phố Đê La Thành, tuyến phố vốn đã nổi tiếng về độ chật hẹp và đông đúc, thường xuyên tắc nghẽn kéo dài, giờ đây càng trầm trọng hơn bởi tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm nơi để xe, buôn bán. Dọc hai bên phố, khoảng 20h tối, các loại sản phẩm máy móc, khóa xe, khóa nhà, đồ điện tử… được bày bán tràn lan. Rồi, khu vực một số nhà hàng, quán karaoke quy hoạch luôn cả vỉa hè để làm nơi đỗ xe khiến tuyến phố này thường xuyên rơi vào tắc nghẽn. Anh Đông, sinh sống ở khu vực Cầu Giấy cho biết, anh thường xuyên đi làm về trên tuyến phố Đê La Thành, càng ngày, con phố này càng tắc nghẽn nghiêm trọng, kéo dài, từ lúc tan tầm cho đến tối. Bởi, từ 20h thì các nhà hàng, quán karaoke gây lộn xộn, dọc hai bên bỗng dưng lại thành chợ vỉa hè. Trung bình, đi từ cơ quan ở Đại Cồ Việt về đến nhà ở Cầu Giấy mà mất cả tiếng đồng hồ.

Đánh trống bỏ dùi

Hay trên phố Hàng Lược, dù là phố cấm đỗ xe nhưng ô tô đỗ hàng dài trên đường giữa ban ngày, khiến cho tuyến đường vốn đã chật hẹp nay càng hẹp hơn gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Không chỉ dừng đỗ xe dưới vỉa hè, tuyến phố này còn bị người dân chiếm dụng để xe máy, thậm chí trước trạm tin phường Hàng Mã cũng bị xe máy đỗ kín, khiến người đi bộ buộc lòng phải đi xuống lòng đường. Tại phố Hàng Bông, Lương Văn Can, Hàng Lược… cũng tương tự. Đáng nói, những vi phạm trên diễn ra cả ngày lẫn đêm nhưng lại không bị xử lý hay dẹp bỏ?

Trước tình trạng đỗ xe lộn xộn, bát nháo, UBND TP đã chỉ đạo các ngành và chính quyền các quận sắp xếp các điểm trông giữ ô tô công cộng trên địa bàn. Theo đó, không cấp phép các điểm đỗ xe ô tô trên hai tuyến đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố gồm: Nội Bài - Phạm Văn Ðồng - Phạm Hùng - Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã - Nguyễn Thái Học - Hai Bà Trưng và tuyến Nội Bài - Âu Cơ - Yên Phụ - đường Thanh Niên. Ðồng thời, không cấp phép với các điểm đỗ, bãi đỗ xe tại các tuyến phố có lòng đường nhỏ hơn 6,5m, tại trục giao thông chính, các đường vành đai, tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông lớn; các điểm đỗ, bãi đỗ xe gây ùn tắc giao thông thường xuyên hoặc nằm cạnh các ngã ba, ngã tư.

Ngoài ra, TP giao Sở GTVT xây dựng lộ trình xóa các điểm đỗ tạm thời trên hè, đường. Đồng thời tổ chức sắp xếp các điểm đỗ xe ô tô tại địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng, Tây Hồ. UBND các quận có nhiệm vụ tăng cường giám sát quản lý trật tự hè, đường trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết không để tình trạng lấn chiếm hè, đường kinh doanh buôn bán. Song, theo nhận định từ nhiều người, để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là do chính quyền địa phương còn lơ là hoặc có nơi còn xử lý kiểu phạt cho tồn tại. Chủ trương, biện pháp dẹp loạn vỉa hè, trả lại hè phố thông thoáng đã có, song, người dân không khỏi nghi ngờ, liệu các ngành, các địa phương có dẹp được “loạn” hay chỉ là đánh trống bỏ dùi.