Lát cắt muôn màu của lực lượng An ninh Công an Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mỗi đơn vị nghiệp vụ của lực lượng An ninh Công an Hà Nội đều mang những màu sắc riêng, nhiệm vụ đặc thù riêng, những nỗi khó khăn vất vả cũng… rất riêng. Và họ chỉ khẳng định vị trí, vai trò của mình trong chính công tác nghiệp vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ CATP Hà Nội tri ân những người có công với cách mạng

Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ CATP Hà Nội tri ân những người có công với cách mạng

Những người tích lũy quá khứ

Khi bước chân vào kho quản lý của lực lượng hồ sơ an ninh, tôi không khỏi bất ngờ về những bộ hồ sơ được lưu trữ từ những năm tiếp quản Thủ đô 1954. Có khi, chính những con người viết nên các bút tích ấy đã về với tổ tiên, ông bà từ lâu. Gắn bó với lực lượng hồ sơ an ninh đã hơn 30 năm, Thượng tá Nguyễn Công Anh chia sẻ, khác với hồ sơ cảnh sát là những nội dung đã rõ ràng về hành vi phạm tội của một đối tượng nào đó, thì hồ sơ an ninh lại là những tài liệu ghi chép lại quá trình làm việc của một trinh sát an ninh. “Do tính chất công việc khác nhau, nếu lực lượng cảnh sát nhiệm vụ đấu tranh thì lực lượng an ninh mang tính chất phòng ngừa nhiều hơn.

Hồ sơ cảnh sát thể hiện nội dung một vụ án đã xảy ra còn hồ sơ an ninh lại là những ghi chép về cá nhân, hiện tượng, vấn đề, mối quan hệ sắp xảy ra. Hồ sơ an ninh có thể chỉ là tờ giấy viết vội, có những tài liệu chỉ vài ba dòng, nhưng lại liên quan đến sinh mệnh chính trị của cá nhân” - Thượng tá Nguyễn Công Anh chia sẻ. Và chính từ những bản “báo cáo” trên mẩu giấy viết vội ấy, kể từ khi lực lượng an ninh Công an Thủ đô trong đoàn quân về tiếp quản Thủ đô cho đến hôm nay đã ngăn chặn, phòng ngừa hàng trăm, hàng nghìn những vụ án liên quan đến lĩnh vực an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại hàng nghìn âm mưu của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động.

Theo chỉ huy Phòng Hồ sơ an ninh, nhiệm vụ tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP trong công tác lưu trữ bảo quản hồ sơ cũng như tra cứu là nhiệm vụ hết sức thầm lặng, không ai nhìn thấy khó khăn bởi ai cũng nghĩ rằng cán bộ hồ sơ không phải nắng mưa, chỉ làm việc tại văn phòng. Nhưng có ai biết họ cũng thâu đêm suốt sáng, đọc, thậm chí là “dịch tiếng Việt ra tiếng Việt” để rồi nghiên cứu, tổng hợp được kết quả tra cứu, phục vụ mục đích đơn vị yêu cầu.

“Nhiều khi chúng tôi nói là làm việc trong môi trường độc hại nhưng không ai tin. Nhưng phải tiếp xúc mỗi ngày với những bộ hồ sơ đã mòn dấu thời gian, mục nát, ố vàng, hầu như ai cũng nổi mẩn dị ứng. Ngày làm việc ở thời điểm chưa có dịch Covid-19 thì ai cũng phải đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi giấy từ những tập hồ sơ ấy. Cũng muốn số hóa hết chỗ tài liệu này để mỗi khi tra cứu anh em đỡ vất vả, nhưng khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị chưa cho phép làm hết điều đó” - Trung tá Đỗ Minh Chương, Phó Đội trưởng Đội Hồ sơ nghiệp vụ an ninh, Phòng Hồ sơ an ninh chia sẻ.

Không chỉ góp phần vào việc thẩm định, lựa chọn nhân sự vào bộ máy Nhà nước, bộ phận hồ sơ an ninh còn trả lại danh dự cho những đồng chí của ta trước đây hoạt động trong lòng địch. Câu chuyện về việc hồi sinh cuộc đời cho ông Trần Ngọc Giao (trú quán tại Nam Định), người từng có công trong chuyên án C30 đấu tranh với tổ chức phản động do Trần Minh Châu (tức Cập) cầm đầu vào năm 1955 là ký ức không thể nào quên. Ông Giao là người trực tiếp nhận hướng dẫn từ Phòng An ninh chính trị nội bộ CATP Hải Phòng tham gia vào tổ chức phản động này.

Trong phiên tòa xét xử các đối tượng, ông Giao cũng có mặt sau vành móng ngựa để làm một bị cáo. Sau đó, do trục trặc về hồ sơ, những người chỉ đạo ông thâm nhập tổ chức phản động đã lên đường vào Nam đánh Mỹ nên ông bị đưa đi cải tạo. Cả gia đình, con cái ông sau đó đã bị ảnh hưởng vì có cha là kẻ phản bội. Tiếp nhận đơn của ông Giao, nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Thiếu tướng Phạm Chuyên - nguyên Giám đốc CATP Hà Nội, một tổ công tác của Phòng Hồ sơ an ninh lật giở hơn 10.000 trang tài liệu ghi lại thông tin về chuyên án C30 từ 40 năm trước để rồi đi đến kết luận cuối cùng: Ông Giao không phải kẻ phản bội. Theo thông tin mà cán bộ chiến sỹ Phòng Hồ sơ an ninh chia sẻ, cháu nội ông Giao giờ đây đã trở thành một chiến sỹ công an đang công tác tại Công an tỉnh Hà Giang. Những chiến sỹ hồ sơ an ninh đã “hồi sinh” cho một con người như thế.

Phòng An ninh kinh tế và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP Hà Nội kiểm tra phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép tạm trú trong khu công nghiệp

Phòng An ninh kinh tế và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP Hà Nội kiểm tra phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép tạm trú trong khu công nghiệp

Người gác cửa nền kinh tế

Nhắc đến Phòng An ninh kinh tế, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc CATP Hà Nội tại Hội nghị triển khai công tác năm 2021 nhấn mạnh: “Phòng An ninh kinh tế của CATP Hà Nội từng là một thương hiệu mạnh của lực lượng an ninh kinh tế toàn quốc, đã từng giữ vai trò chủ công trong phối hợp với Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) đánh nhiều chuyên án lớn, gây tiếng vang”. Trong thế trận kinh tế hôm nay, dù còn nhiều khó khăn thì lực lượng an ninh tế vẫn góp một phần vào sự nghiệp gác cửa nền kinh tế, tạo đà phát triển cho Thủ đô và đất nước.

Một trong những dấu ấn đặc biệt của lực lượng An ninh kinh tế CATP Hà Nội trong nhiều năm qua là đã điều tra, làm rõ, khởi tố 2 vụ án liên quan đến thao túng giá chứng khoán - một loại tội phạm xuất hiện mới đây trong thời kinh tế thị trường. Thượng tá Phạm Thanh Hùng - Trưởng phòng An ninh kinh tế CATP Hà Nội cho hay, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định 4 tội danh liên quan tới lĩnh vực chứng khoán, nhưng hầu hết các vi phạm chỉ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt hành chính.

Với kinh nghiệm dày dạn và luôn theo dõi, bám sát hiệu lực của các bộ luật, Hà Nội là đơn vị duy nhất trong lực lượng công an toàn quốc đã khởi tố 2 vụ án hình sự, khởi tố bị can 2 đối tượng có hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Tại thời điểm tháng 12-2017, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) CATP Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Vân Giang (SN 1981, trú tại phố Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) - cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán ngân hàng Đông Á (DAS) chi nhánh Hà Nội, về tội “Thao túng giá chứng khoán”.

Tài liệu cơ quan công an thể hiện, Nguyễn Vân Giang đã chỉ đạo một số nhân viên tại Công ty DAS và nhân viên môi giới khác tại các công ty chứng khoán mở 70 tài khoản chứng khoán tại 24 công ty chứng khoán và đứng tên 40 cá nhân đều là người nhà, khách hàng, người quen của Giang. Cùng với đó, Giang là người trực tiếp sử dụng, nắm giữ và điều khiển việc mua đi, bán lại mã cổ phiếu, tạo thanh khoản, đẩy giá cổ phiếu. “Hành vi thao túng giá cổ phiếu của Giang gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chính sách, pháp luật Nhà nước về thị trường chứng khoán, gây thiệt hại và mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến sự công bằng, tính minh bạch công khai và an toàn thị trường giàu tiềm năng này và gây thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng với 9 nhà đầu tư tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Tây Ninh” - chỉ huy Phòng An ninh kinh tế nhìn nhận.

Thầm lặng người chiến sỹ hồ sơ an ninh bên những trang tài liệu lưu trữ hơn nửa thế kỷ

Thầm lặng người chiến sỹ hồ sơ an ninh bên những trang tài liệu lưu trữ hơn nửa thế kỷ

Mới đây nhất, đầu tháng 3-2019, Phòng An ninh kinh tế tiếp tục phối hợp với Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội khởi tố vụ án thứ 2, cũng liên quan đến tội danh thao túng giá chứng khoán. Đối tượng bị khởi tố trong vụ án này là Phạm Thị Hinh - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã chứng khoán KSA). Tài liệu Phòng An ninh kinh tế xác định, từ ngày 11-12-2015 đến 8-7-2016, hành vi thao túng giá cổ phiếu của Hinh và đồng phạm đã gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư tham gia giao dịch cổ phiếu KSA với tổng số tiền thiệt hại là hơn 8,1 tỷ đồng.

Những người hai lần… thầm lặng

Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ CATP Hà Nội luôn là đơn vị quan trọng trong việc phá các vụ án, chuyên án xảy ra trên địa bàn Thủ đô trên cả lĩnh vực an ninh và cảnh sát. Họ được ví von là “hai lần thầm lặng” bởi tính bí mật trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Khi khám phá thành công một vụ án, được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, độc giả chỉ biết cụm từ “bằng các biện pháp nghiệp vụ” mà chẳng thể hiểu các biện pháp ấy là gì.

Cũng chảng người dân nào biết những người lính an ninh đã phải miệt mài không quản ngày đêm, nắng mưa, sự nguy hiểm để bám sát đối tượng, nắm bắt, chắt lọc những tin tức, thu thập tài liệu một cách chính xác nhất, khách quan và có độ tin cậy cao nhất. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã giúp các chiến sỹ của lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ được hỗ trợ nhiều hơn, nhưng trong cuộc đấu trí với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của đối tượng, người lính phải luôn tỉnh táo để tận dụng khả năng phân tích, phán đoán cực kỳ nhanh nhạy và chính xác…

Do tính chất bí mật của công việc, không thể liệt kê hết nhiệm vụ của Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH, chỉ biết rằng để có được những thắng lợi trên mặt trận ấy là sự cố gắng không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ chiến sỹ. Thượng tá Nguyễn Hồng Thủy - Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ chia sẻ, sự hỗ trợ của lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ trong các chuyên án đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, CATP ghi nhận, khẳng định vai trò không thể thiếu của công tác này trong nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm. Mỗi chuyên án đi qua đều để lại niềm vui, nỗi buồn, nhưng rồi tất cả lại gạt sang một bên để sẵn sàng cho nhiệm vụ mới.

Nhớ lại vụ án Đồng Tâm, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ giám sát số đối tượng cầm đầu quá khích tại đây và phát hiện việc nhóm chống đối đã mua, tàng trữ trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ để chống trả lực lượng chức năng. “Đây là nguồn tin quan trọng làm cơ sở để Ban Giám đốc CATP đề ra kế hoạch giải quyết vụ việc, đảm bảo ANTT tại địa bàn” - Thượng tá Nguyễn Hồng Thủy chia sẻ.

Hay như vụ án truy bắt đối tượng Đỗ Văn Bình (trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội) đã từng giết nhiều người trên địa bàn Hà Nội và Vĩnh Phúc. Từ kết quả giám sát của Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, các chiến sỹ của Phòng Cảnh sát hình sự đã tiếp cận, bắt được đối tượng, thu giữ tang vật vụ án, kịp thời ngăn chặn đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi giết thêm người khác để trả thù.

Tháng 2-2021, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự đấu tranh với băng nhóm tội phạm có tổ chức, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, tổ chức đánh bạc trên địa bàn quận Long Biên. Qua phối hợp đã giúp các đơn vị bắt 8 đối tượng, thu giữ 3 khẩu súng cùng nhiều tang vật có liên quan. Chiến công xuất sắc ấy đã được Bộ trưởng Bộ Công an gửi thư khen. Còn nhiều những chiến công của lực lượng Kỹ thuật hình sự mà “lát cắt” nhỏ này không thể kể hết được, chỉ biết rằng những con người “hai lần thầm lặng” ấy vẫn đang ngày đêm hết mình vì công việc, góp phần vào thành công chung của Công an Thủ đô.