Có một Hà Nội thâm trầm và quyến rũ trong tranh của Phạm Bình Chương

ANTD.VN -Gần hai mươi năm qua kể từ lần " Xuống phố " đầu tiên, họa sĩ Phạm Bình Chương vẫn chỉ vẽ về những góc phố Hà Nội thưa vắng người qua, những góc phố có thể đã bị lãng quên bởi những cao ốc sáng choang mọc cận kề, nhưng đó lại là góc ký ức không thể không nguôi nhớ của biết bao thế hệ người Hà Nội. 

Ngày Tết

17 bức tranh phố, mới được Phạm Bình Chương sáng tác đã ra mắt người yêu hội họa trong một triển lãm mang tên “Xuống phố 3”. Triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và kéo dài đến đầu tháng 12.

Tác giả đã lý giải tên gọi của triển lãm, rằng “xuống phố” để thấy những hình hài xưa cũ của Hà Nội vẫn rất quyến rũ và hấp dẫn. Nó như muốn tự dấu mình, im lặng mà vẫn âm vang, muốn xa lạ mà lại rất thân thuộc, muốn bị lãng quên mà vẫn hiện diện thật sâu đậm. Mỗi góc phố có một đời sống, cho đến bây giờ anh vẫn chỉ bắt gặp ở những con phố cũ của Hà Nội.

Hiệu sách cũ

Rồi khi đã “phải lòng” một góc phố, anh sẽ diễn đạt nó, không phải bằng những lý thuyết chủ quan nghèo nàn của mình, mà bằng chính những "hình hài phố " đã hiển hiện ngay trong mắt anh, mỗi lần mỗi khác và rồi Hà Nội của Phạm Bình Chương, theo năm tháng cũng mang hình hài khác.

PV: Trong số rất nhiều những người yêu tranh của Phạm Bình Chương, đã có ai hỏi anh rằng, tại sao anh lại chỉ vẽ Hà Nội không?

+Họa sĩ Phạm Bình Chương: Rất nhiều người đã hỏi tôi câu đó, nói chung đó là một câu hỏi khiến tôi cảm thấy bối rối khi trả lời. Việc tôi chỉ vẽ về Hà Nội kiểu như là khi tôi yêu một cô gái dù cô ấy có điều này điều kia, không được hoàn hảo cho lắm, những người xung quanh tôi đều ngăn trở, nhưng mà tôi cứ một lòng say mê. Trong trường hợp này chỉ có thể giải thích được như vậy mới rõ ngọn nguồn.

Không chỉ có mình tôi, đối với những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, những góc phố ấy đã thẩm thấu, đã ăn vào nếp nghĩ chẳng biết từ bao giờ. Để rồi, khi mình rời xa Hà Nội, đến sống ở một phương trời khác, mình cứ nhớ về những hình ảnh đó. Và ở một thành phố xa xôi, đôi khi ta ngẩn người khi bất chợt gặp một góc phố quen, quen đến thân thuộc…

Tôi vốn là người trầm tính, không thích ồn ào. Không gian của Hà Nội hợp với tính cách và con người tôi. Trong nghệ thuật, tình yêu và sự say mê quyết định được rất nhiều thứ….

Ngõ vắng

PV: Có một đoạn dài, tôi thấy anh và gia đình chuyển vào Sài Gòn sống, những năm tháng ở phương Nam đó, anh có ý định tìm cho mình một hướng đi mới mẻ?

+Có chứ. Lúc đó tôi có nhiều ý định khám phá thành phố này. Tôi đã nhiều lần tự hỏi mình, hay là vẽ Sài Gòn luôn đi, Hà Nội thì quen thuộc quá rồi. Và tôi đã vẽ, nhưng thú thật không làm sao mà vẽ được. Không phải Sài Gòn không có những rêu phong chuyện cũ, không phải Sài Gòn không có kiến trúc cổ, nắng thì chan hòa suốt ngày. Nhưng đúng là tôi thấy cái hòa sắc của thành phố này không giống Hà Nội. Ánh sáng Hà Nội nó hay lắm, không quá trực  tiếp, không “đập” thẳng vào cảnh vật, mà thường qua cây, qua phản chiếu hay là gì đó…Hà Nội nhỏ, cây nhiều, ánh nắng len lỏi, gam mầu có nhiều dáng vẻ khác.

Lối về

PV: Nói thế, có nghĩa, Phạm Bình Chương đã xác định cho mình một đề tài để cả đời theo đuổi là Hà Nội?

+Cả đời theo đuổi thì hơi quá. Tuy nhiên, ít nhất cho tới thời điểm này là như vậy, tôi cũng muốn có những góc nhìn mới hơn, thậm chí hiện đại, nhưng như kiểu lý trí mình muốn mà trái tim lại có những lý lẽ riêng.

Chuyện hè phố

PV: Theo dõi chặng đường nghệ thuật của anh đã được một thời gian dài, tôi thấy rất rõ sự chủ định “vẽ” riêng cho mình một con đường đi của anh. Nhưng đi mãi một lối, có mòn?

+Tôi cũng lo về điều đó mà, ai cũng muốn đổi mới, tuy nhiên khi lý trí mình muốn mà tình cảm thì lại không muốn thì không thể làm được. Nghệ thuật đương nhiên cần cảm xúc. Có 2 vấn đề được đặt ra khi ai đó có ý định mở một lối đi mới. Tức là, đổi mới để làm gì? Để nổi tiếng hơn hay có thêm công chúng? Thứ nữa là, đổi mới là vì đã chán cái này rồi phải chuyển sang cái kia. Tôi đang ở trạng thái chưa chán và tôi cũng không quan tâm tới yếu tố đầu tiên. Tôi không cần nổi tiếng!

Tâm tình

PV: Anh vẫn còn trẻ mà tại sao lại cứ chọn những thứ cũ kỹ, những ngôi nhà cũ, những góc phố rêu phủ buồn buồn?

+Tôi không thấy cái gì cũ cả, tôi chỉ thấy nó cho tôi cảm xúc để vẽ nên một bức tranh. Tôi cũng không phải người hoài cổ!

PV: Nếu một ngày Hà Nội không còn cổ kính, anh có vẽ một Hà Nội hiện đại không?

+Tất cả họa sĩ khi biết về tương lai thì họ ko còn là họa sĩ mà có thể họ đã trở thành một doanh nhân rồi chăng. Nghệ sĩ không nhìn về tương lai, khi cảm xúc còn là còn vẽ. Nhưng đúng là mai một nhiều rồi đó, có những nơi tôi vẽ xong, quay lại không còn dấu xưa nữa.

Cửa sổ nhà bên

PV: Vậy thì tại sao Phạm Bình Chương không “gom” hết những cổ kính đó giữ riêng cho mình khi chưa quá muộn?

+Tôi không phải là một nhiếp ảnh gia, càng không phải là một nhà bảo tồn. cũng lại không có ý định “vơ vét” “đóng gói” hình ảnh cả Hà Nội để làm tài sản cho mình, tôi không thể tham thế được. Tôi chỉ vẽ nếu gặp “duyên” và tôi chỉ tiếc khi mình đã đến đó, đã rung động mà lại không vẽ để nó mất đi.