Chọn con đường hẹp, ít người đi

ANTĐ - Sinh năm 1977 tại Nam Định. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2001. Đoàn Xuân Tặng đã có 2 triển lãm cá nhân và trên 10 triển lãm nhóm và nhiều giải thưởng lớn như: NOKIA Châu Á Thái Bình Dương; Playground of Your  imagination... Tại Hà Nội, anh vừa ra mắt triển lãm tranh “Đất và Người” với một phong cách hoàn toàn mới. Triển lãm  đã nhận những nhận xét tốt từ phía các nhà chuyên môn cũng như khán giả. Họa sĩ Đoàn Xuân Tặng đã chia sẻ với phóng viên An ninh Thủ đô về phong cách mới của mình.

Anh có thể chia sẻ vì sao có sự thay đổi phong cách vẽ của mình trong lần triển lãm này?

- Lần triển lãm “Đất & Người” có nhiều sự thay đổi. Về đề tài thì không thay đổi vẫn là vùng cao, con người vùng cao còn. Nhưng sự thay đổi đó khổ tranh là những bức tranh khổ lớn, và màu sắc là những gam màu đơn giản, trầm ấm.

- Vùng cao luôn là một đề tài cho nhiều thể loại nghệ thuật, đối với mỹ thuật thì nó cũng đã trở nên quen thuộc. Anh làm thế nào để có thể thoát ra khỏi được những điều quen thuộc ấy mà vẫn chinh phục được khán giả xem tranh với sự cuốn hút  rất đỗi giản dị?

- Vùng cao luôn là đề tài cuốn hút lãng mạn, lẩn khuất và đầy bí ẩn, nó luôn tạo cho tôi sự tò mò và khám phá. Thế còn mỗi người có một cách đi riêng. Riêng tôi luôn ý thức rằng phải chọn cho mình một cách đi khác, một con đường khác với công việc của mình nó không bị quen thuộc, không bị nhàm chán. Quan trọng là mình phải thay đổi cách đặt vấn đề, cách thể hiện nó, thay đổi tư duy bằng ngôn ngữ, bằng màu sắc thì mới hay được.

- Anh có thể kể vài kỷ niệm trong những lần anh lên vùng cao để đi tìm thực tế cho những bức vẽ của mình?

- Đó là kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là chuyến đi gần đây vào tháng 5 gì đó, thời tiết mưa nhiều và lạnh. Tôi vào nhà một em bé ở Yên Minh, Hà Giang, căn nhà nhỏ lẩn khuất dưới chân núi, ngôi nhà trống huếch, không đồ đạc, không một tài sản giá trị, chỉ có ánh mắt của đứa trẻ, trong sáng, hồn nhiên, ngây thơ và những nỗi buồn lẩn khuất, em nói là bố em mới mất vì bị lũ cuốn trôi. Nhà có 4 mẹ con nheo nhóc không đủ ăn đủ mặc, em đi học mà cũng không có tiền mua sách vở, tôi thấy thực sự cảm động. Tôi và anh bạn đã chở em đi để mua đồ ăn, quần áo và cả sách vở nữa….lúc đó đối với tôi cuộc sống đầy ý nghĩa.

- Tranh của anh hình như có một vẻ đẹp ảo mờ, lãng mạn, tình tứ. Vậy, với anh, những gam màu trầm ấm và những nét mờ nhòe trong tranh có thể được lý giải bởi những cảm xúc và thông điệp như thế nào?

- Vâng, chị nói đúng, đối với tôi cái đề tài chỉ là cái cớ, cái chính là mình hiểu nó, cảm nhận sâu sắc nó để mình nói tiếng nói riêng của mình. Vâng, những gam màu cũng là ý tưởng trong từng bức tranh, hiệu quả gam màu cũng nói lên cái không khí của vùng cao và cũng tạo nên bản sắc riêng của họ. Còn những vệt chảy mờ nhoè trong tranh tôi như muốn nói lên cái cũ kỹ thời gian, đó là những vệt chảy của tâm hồn của cảnh vật như đang tan biến dần, mất dần vào cái không gian vô định cái bản sắc vốn có qua thời gian chịu sự tác động của văn hoá giao thoa vùng miền tây đông du nhập. Tôi không biết cuộc sống của họ tiếp theo là gì? Và tôi muốn lý giải nó qua hình ảnh những bức họa của tôi!

- Là một họa sĩ trẻ, anh đã chọn cho mình một đường đi khó, nghiêm túc chứ không đi theo những xu hướng thời thượng để có thể bán tranh một cách nhanh chóng. Anh có rằng, mình sẽ gặp phải những khó khăn?

- Mỗi một hoạ sĩ đều chọn cho mình một con đường riêng, song con đường nào cũng có rào cản còn tôi đang chọn cho mình con đường hẹp, ít người đi. Tôi biết có lẽ còn đầy khó khăn chăng? Tôi cứ chọn liều con đường đó biết đâu lại trở thành con đường dài, thênh thang cho mình đi thì sao… tôi nghĩ vậy. Dù thế nào thì tôi cũng không thay đổi, nếu có thay đổi.

- Sau triển lãm này, anh có về lại vùng cao nữa không?

- Tôi lại sẽ đi vùng cao để chiêm nghiệm được nhiều hơn, sâu sắc hơn cho cảm xúc mới về họ. Một vài năm tới tôi lại làm một triển lãm cá nhân bằng cái nhìn nhận khác của tôi về vùng cao.

- Xin cảm ơn họa sĩ Đoàn Xuân Tặng!!

Chọn con đường hẹp, ít người đi  ảnh 4

Bộ tranh này thực sự đã khẳng định cái nội lực của Đoàn Xuân Tặng. Anh vẽ như một nhu cầu, bất chấp mọi hoàn cảnh và theo đuổi một đề tài đến cùng. Anh không phải là họa sĩ xu thế, anh là họa sĩ chuyên nghiệp. Cái đề tài dân tộc thiểu số của anh rất khác biệt. Nó đang được đào dần đến lớp “ruột”, tức là cái bên trong, đằng sau cái “vỏ” màu mè kia. Cứ đào tiếp, càng đào càng thấy ít đi, ít đi cái “vật” mà thấy dần cái “ tâm”. Cái váy thổ cẩm còn đếm được bao nhiêu màu song cái tâm thì có mấy màu?  Trong cái thời thế đầy cám dỗ với hình và sắc,  anh vẽ để mưu cầu điều gì? Theo cảm nhận của tôi, anh đang mưu cầu điều giản dị. Cuộc sống càng giản dị, chúng ta càng hạnh phúc và điều đó thật đáng quý biết bao.

Họa sĩ Phạm Bình Chương