Chú trọng xử lý sau thanh tra

ANTĐ - Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến 30-6, đã có 24.931 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm trong cả nước là 40.523 doanh nghiệp.

Hơn 40.000 doanh nghiệp thành lập mới được xem là tín hiệu đáng mừng

Tín hiệu đáng mừng

Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Chi - Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tài chính tổ chức cuối tuần qua. Cụ thể, trong 24.931 doanh nghiệp giải thể có 202 doanh nghiệp nhà nước, 269 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, 24.460 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Trong khi đó, 40.523 doanh nghiệp thành lập mới bao gồm 249 doanh nghiệp nhà nước, 542 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và 39.732 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. 

“Như vậy, đến thời điểm 30-6, toàn quốc hiện có 457.343 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 39.700 doanh nghiệp, tương ứng tăng 9,5% so với cùng kỳ 2012 và tăng 4,9% so với thời điểm 31-12-2012. Trong số này, số doanh nghiệp nhà nước là 6.852; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 11.984; doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 438.507. Đây là những con số đáng mừng”, ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh. 

Trả lời câu hỏi xoay quanh các biện pháp triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, ông Nguyễn Đức Chi cho biết: “Tính đến hết tháng 6, Bộ Tài chính đã cơ bản triển khai thực hiện xong các giải pháp về tài chính - ngân sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Cụ thể, là ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện việc gia hạn từ 3-6 tháng, giảm một số khoản thu Ngân sách Nhà nước đối với doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ, tiền thuê đất….”.

Dự kiến số giảm thu Ngân sách Nhà nước do thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế năm 2013 khoảng 17.613 tỷ đồng. Trong đó thuế GTGT là 375 tỷ đồng, thuế TNDN khoảng 1.538 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon 700 tỷ đồng, tiền thuê đất và tiền sử dụng đất 15.000 tỷ đồng. “Việc ban hành các chính sách này là kịp thời, có tác dụng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

Khó lường hết khó khăn

Bên cạnh việc hụt thu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nói trên, kết quả thực hiện Ngân sách Nhà nước các tháng đầu năm cho thấy tình hình rất khó khăn, nếu không có sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thì khả năng giảm thu năm 2013 là khá lớn. 

Trả lời câu hỏi, số thu Ngân sách Nhà nước không đạt có phải do việc lập dự toán không lường hết khó khăn của sản xuất kinh doanh? Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh giải thích: “Với chức năng của mình, ngành Tài chính luôn nỗ lực, cố gắng, với tinh thần bám vào pháp luật, bám vào thực tiễn sản xuất kinh doanh để hàng năm đưa ra dự toán thu chi tích cực nhất, sát thực tiễn nhất. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc xây dựng dự toán thường được tiến hành từ tháng 7 năm trước và lẽ dĩ nhiên, từ những nguyên nhân nội tại cũng như những tác động bên ngoài, tình hình năm sau khi được nhìn nhận tại thời điểm này không thể tuyệt đối chính xác 100% được”. 

Về giải pháp tăng cường thu và chống thất thu Ngân sách Nhà nước trong thời gian tới, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong đó, chú trọng thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về thuế, chống thất thu thuế và gian lận thương mại, công tác quản lý, thanh quyết toán các khoản chi. Chú trọng công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kết quả xử lý của từng cấp, từng đơn vị, các quỹ tài chính.

Tăng học phí, viện phí để cải thiện chất lượng

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh trước câu hỏi viện phí, học phí tới đây theo lộ trình sẽ coi là giá dịch vụ và tính bằng giá thị trường có phù hợp khi người dân còn khó khăn.

“Về viện phí, sau hơn 17 năm mới điều chỉnh. Giá trong khung điều chỉnh này đều là những dịch vụ cơ bản, trước đây còn một số loại giá 1.000-2.000 đồng, nay không phù hợp và cần phải thay đổi”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh phân tích. Bộ Tài chính đã tính toán kỹ và hết sức thận trọng trong việc điều chỉnh mức viện phí và theo lộ trình, cũng phải đến 2020 mới sát với giá thị trường. Với người nghèo, người thuộc diện chính sách, Nhà nước đã có chính sách bảo hiểm y tế (người nghèo hỗ trợ 100%, người cận nghèo 70%).

Về học phí, trong quá trình tăng, Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục kiên trì chính sách đóng góp cho các cơ sở giáo dục một nguồn nhất định để hỗ trợ cho các đối tượng học sinh, sinh viên nghèo, đối tượng chính sách để đảm bảo chất lượng học tập.