Xóa mù chữ nhờ kính 1 đôla

ANTĐ - Sau những ngày tháng gắn bó với người dân nghèo, Martin Aufmuth đến từ Erlangen (Đức) nhận thấy, nhiều người trong số họ không thể đến trường, không thể làm việc chỉ vì thiếu một cặp kính. Mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, Martin Aufmuth đã tự tay làm ra những chiếc kính với giá 1 đôla, có thiết kế đơn giản, nhẹ nhưng khá linh hoạt, chắc chắn.

“Kính 1 đôla” giúp người nghèo bị suy giảm thị lực có thể sinh hoạt, học tập 
và làm việc bình thường

Đơn giản, chắc chắn, an toàn và thời trang

Kính 1 đôla của Aufmuth được hoàn thiện sau nhiều tháng thử nghiệm và đôi lần thất bại. Theo đánh giá của các nhà thiết kế, bác sĩ nhãn khoa, người sử dụng thì bên cạnh sự nổi bật về giá cả hợp lý, kính 1 đôla còn được đánh giá cao ở thiết kế đơn giản, nhẹ nhưng khá linh hoạt, chắc chắn.

Phần gọng kính được làm bằng thép không gỉ, không gây dị ứng, có đường kính 1mm - được uốn bằng tay. Điều này hạn chế tình trạng hỏng gọng kính trong trường hợp người sử dụng mở hai càng của gọng kính quá mạnh hoặc quá rộng và quan trọng là có thể đặt cặp kính ở bất cứ bề mặt nào. Phần gọng kính được liên kết với khung vành mắt kính và phần gọng thép rất chắc chắn, khó gây ra các biến dạng, khó làm mắt kính rơi ra trong các hoạt động mạnh hoặc va đập. 

Tròng kính được làm bằng hợp chất polycarbonate nhẹ, dẻo, bền, chịu được va đập, chống trầy xước và đặc biệt chống tia cực tím ở mức 100%. Ngoài ra, phần tiếp xúc giữa gọng và tròng kính có xâu hai hạt thủy tinh sáng bóng, cùng màu, đó có thể là màu vàng, vàng da cam, màu hồng, màu đỏ, màu xanh nước biển, xanh lá cây… Theo giải thích của Aufmuth, điểm khác biệt độc đáo ấy tạo nên vẻ thời trang cho người đeo.

Cho những đôi mắt luôn sáng

Dự án Kính 1 đôla của Aufmuth được ra mắt lần đầu tiên tại Bệnh viện Kasana ở Uganda vào tháng 4-2012. Đây chính là nơi Aufmuth phối hợp với các bác sĩ trong bệnh viện thí điểm một loại kính đeo đơn giản có sử dụng máy uốn trong công đoạn tạo khung, chèn ống kính, đặc biệt người đeo luôn cảm thấy thoải mái, phù hợp.

Trong vòng hai tuần, họ đã thử nghiệm và cung cấp 500 cặp kính cho trẻ em và người lớn ở Uganda. Vài tháng sau, Aufmuth hợp tác với 6 người bạn đại học cũ, thành lập một tổ chức phi lợi nhuận được gọi là Dự án Kính 1 đôla. Hàng ngày, những thành viên của dự án mang theo một vài thiết bị cần thiết được đựng trong một hộp gỗ nhỏ, nỗ lực đạp xe từ ngôi làng này sang làng khác khắp vùng ở các nước Bolivia, Burkina Faso, Ethiopia, Kenya, Rwanda, Tanzania và Uganda. Họ kiểm tra thị lực của từng người, rồi trong vòng 30 phút, những ai mắt kém sẽ được nhận cặp kính 1 đôla phù hợp với thị lực và độ tuổi.

Tính đến nay, khoảng 150 triệu người dân bị suy giảm thị lực hiện đang sinh sống tại những khu vực nghèo khó trên khắp thế giới, đã có những chiếc kính với giá chỉ 1 đôla. Đây là giải pháp vô cùng hữu ích giúp họ có thể sinh sống, học tập và làm việc bình thường. 

Trên trang web chính thức của dự án www.onedollarglasses.org, Aufmuth mời các đơn vị, tổ chức, cá nhân có điều kiện, giàu lòng nhân ái mua loại kính 1 đôla, với mục đích làm từ thiện giúp những người có thị lực kém ở các nước đang phát triển. Đồng thời, Aufmuth cũng hy vọng dự án của anh được nhân rộng trên toàn thế giới. Theo anh, một cơ sở sản xuất kính 1 đôla khoảng 3-4 người mỗi năm có thể sản xuất khoảng 30.000 cặp kính, vậy với 100 cơ sở sản xuất thì có đến 3 triệu người được sở hữu cặp kính 1 đôla.