Từ 1/7: Hàng loạt quy định mới liên quan đến cán bộ, công chức có hiệu lực thi hành

ANTD.VN -Không còn công chức là lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, chỉ còn 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời, kéo dài thời hạn tối đa của hợp đồng làm việc xác định thời hạn với viên chức lên 60 tháng...cùng hàng loạt các quy định mới liên quan đến cán bộ, công chức có hiệu lực thi hành từ 1/7.

Chỉ còn 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời

 Theo quy định hiện hành, người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập được xem là công chức. Song theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, từ 1/7 khái niệm công chức không còn đối tượng công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của ĐCS Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Cũng theo Luật trên, từ 1/7 chỉ còn 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời, đó là viên chức được tuyển dụng trước 1/7/2020; Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Hàng loạt quy định mới liên quan cán bộ, công chức có hiện lực từ 1/7 (ảnh minh họa)

Trước đây, theo quy định của Luật viên chức 2010 thì sau khi viên chức đã thực hiện xong hợp đồng xác định thời hạn và tiếp tục ký hợp đồng sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn (thường gọi là biên chế suốt đời).

Về thời hạn tối đa của hợp đồng làm việc xác định thời hạn với viên chức, theo quy định hiện hành, hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12-36 tháng.

Còn theo Luật Viên chức sửa đổi, từ 1/7, hợp đồng làm việc xác định thời hạn có là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12-60 tháng.

Nới lỏng điều kiện xem xét viên chức nghỉ hưu

Ngoài ra, cũng theo luật mới, các trường hợp tốt nghiệp đại học loại xuất sắc có thể được xét tuyển vào công chức. Trong khi theo quy định hiện hành, chỉ người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008 cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì mới được tuyển dụng thông qua xét tuyển.

Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 còn bổ sung thêm 1 loại ngạch công chức, ngạch này do Chính phủ quy định, đồng thời luật hóa quy định về tiếp nhận công chức không qua thi tuyển, xét tuyển

Cụ thể, từ 1/7 Luật quy định hình thức tiếp nhận không thông qua thi tuyển, xét tuyển đối với viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; Cán bộ, công chức cấp xã; Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;

Đặc biệt, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 nới lỏng điều kiện xem xét viên chức nghỉ hưu, loại bỏ nội dung “không giải quyết nghỉ hưu” ra khỏi điều luật.

Khi viên chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo vẫn có thể được bổ nhiệm lại nhưng không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng (hiện nay quy định “không bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng”). 

Một trong những điểm mới quan trọng nữa tại Luật mới là công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức ở nơi làm việc. Cũng từ 1/7, một trong những nội dung đánh giá công chức đó là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.