Thang máy và hiểm họa khi sử dụng do thiếu kỹ năng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, tại các tòa nhà cao tầng, chung cư đã liên tiếp xảy ra sự cố liên quan đến thang máy khi đang vận hành, trong đó có vụ người mắc kẹt dẫn đến hậu quả thương tâm do người dùng thiếu kỹ năng, kiến thức sử dụng thang máy...
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cứu nạn vụ mắc kẹt thang máy tại một tòa nhà trên địa bàn huyện Đông Anh

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cứu nạn vụ mắc kẹt thang máy tại một tòa nhà trên địa bàn huyện Đông Anh

Thang máy bị mắc kẹt hoặc sự cố liên quan trong nhiều trường hợp có thể làm cho người ở phía bên trong bị va đập, dẫn đến chấn thương hoặc hoảng loạn. Vậy, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra thì cần làm gì, khi gặp phải sự cố trong thang máy?

Cảnh báo mắc kẹt

Vụ tai nạn thang máy xảy ra vào ngày khoảng 23h ngày 19-10, tại tòa nhà cao tầng trên phố Kim Mã, quận Ba Đình đã khiến chị N.H.A (SN 2000), trú tại phố Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa bị tử vong. Trước đó, khi nạn nhân cùng chị N.Q.N (SN 1998), ở phường Kim Mã, quận Ba Đình bấm thang máy từ tầng 8 xuống tầng 1 của tòa nhà, khi thang máy di chuyển tới tầng 7 đã xảy ra sự cố, khiến hai người bị mắc kẹt bên trong.

Lúc này, 2 cô gái đã gọi cứu hộ thang máy và được bảo vệ tòa nhà hỗ trợ mở cửa thang máy. Tuy nhiên, trong lúc chị N.H.A trèo từ tầng 7 ra ngoài, đã bất ngờ bị rơi xuống hố thang. Nạn nhân sau đó được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu, nhưng đã tử vong. Sau khi nhận được thông tin, Công an quận Ba Đình đã có mặt khám nghiệm hiện trường phục vụ công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Trước đó, khoảng 17h10 ngày 4-6, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai nhận được thông tin từ Trung tâm 114 có vụ mắc kẹt trong thang máy tại một hộ gia đình ở số 16, lô 4, Đền Lừ 2, phường Hoàng Văn Thụ.

Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai đã nhanh chóng điều động phương tiện và CBCS đến làm nhiệm vụ, tiếp cận hiện trường đúng lúc người gặp nạn đang hoảng loạn.

Sau khi xác định 4 người đang mắc kẹt trong thang máy, tổ công tác đã động viên, chấn an họ bình tĩnh để lực lượng cứu nạn xử lý. Sau thời gian ngắn tiếp cận, lực lượng chức năng đã dùng thiết bị banh cửa thang máy, đưa 4 người ra ngoài an toàn. Tổ cứu nạn đã hướng dẫn chủ nhà cẩn trọng khi sử dụng thang máy và hướng dẫn cách để sử dụng thang máy an toàn.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai cứu nạn vụ 4 người mắc kẹt trong thang máy

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai cứu nạn vụ 4 người mắc kẹt trong thang máy

Theo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, sự cố thang máy trong thời gian qua xảy ra liên tục, đặc biệt là ở những khu nhà cao tầng và chung cư cao tầng đã đưa vào hoạt động được khoảng 6 đến 10 năm. Nói thế cũng không có nghĩa các nhà cao tầng mới xây lại không xảy ra sự cố thang máy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn, sự cố thang do kỹ thuật lắp đặt, kỹ năng sử dụng cũng như chất lượng thang…

Phân tích về những sự cố thang máy xảy ra trong thời gian gần đây, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, chuyên gia về cứu nạn, cứu hộ trong lĩnh vực này cho biết: “ Mắc kẹt trong thang máy là trường hợp khi thang máy đang di chuyển thì bị mất điện đột ngột, hoặc sự cố kỹ thuật dẫn đến thang máy bị dừng lại giữa các tầng nhà, cửa thang máy bị kẹt không thể mở. Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, do hệ thống truyền tải bị hỏng dẫn đến thang máy bị rơi tự do, trượt xuống với tốc độ nhanh làm cho người trong thang máy bị va đập, dẫn đến chấn thương, thậm chí tử vong”.

Khuyến cáo phòng ngừa rủi ro

Để giảm thiểu thương vong từ sự cố thang máy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã có nhiều chuyên đề tuyên truyền chuyên sâu về biện pháp an toàn khi sử dụng. Ngay sau khi xảy ra sự cố tai nạn thang máy tại quận Ba Đình, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng sử dụng và thoát nạn khi đi thang máy. Theo đó, CBCS phụ trách địa bàn đã đến từng khu chung cư cao tầng hướng dẫn, tuyên truyền người dân cách sử dụng an toàn và Ban quản lý, đội bảo vệ cách cứu nạn hiệu quả, đúng kỹ thuật tránh gây thương vong.

Theo chuyên gia cứu nạn, cứu hộ CATP Hà Nội cho biết, để giảm thiểu tác động hoặc thương vong do sự cố thang máy, người dân cần thực hiện các nguyên tắc sau:

Trong trường hợp, khi bấm nút mở cửa nhưng thang không mở thì cần bình tĩnh bấm các nút khẩn cấp khác (các nút khẩn cấp có hình cái chuông hoặc hình ống nghe điện thoại) để báo động cho bên ngoài đến hỗ trợ. Người trong thang cần suy nghĩ để có phương án xử lý tối ưu, nên hạ thấp trọng tâm bằng cách ngồi xuống hoặc hơi khuỵu gối, nắm chắc tay vịn, đặc biệt khi thang có hiện tượng trôi nhanh, rung lắc, nhằm đề phòng bị chấn thương khi thang va đập.

Hầu hết trong không gian hẹp, hệ thống quạt thông gió có thể ngừng hoạt động, nếu như mọi người càng la hét và hoạt động mạnh sẽ nhanh chóng làm không khí trở nên ngột ngạt, khó thở vì khi đó lượng ôxy trong khu vực thang sẽ giảm nhanh, điều đó khiến trẻ nhỏ, người già hoặc những người có bệnh lý về tim mạch, huyết áp rất dễ ngất xỉu và nguy hiểm đến tính mạng.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình tổ chức cứu nạn sự cố thang máy tại vụ tai nạn ở tòa nhà trên phố Kim Mã

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình tổ chức cứu nạn sự cố thang máy tại vụ tai nạn ở tòa nhà trên phố Kim Mã

Cần tận dụng vật cứng có thể chèn được cửa tạo khe thoáng để bổ sung không khí vào thang trong quá trình đợi người bên ngoài đến cứu, để ngăn ngừa tình trạng ngột ngạt, khó thở do thiếu không khí. Nếu thang máy có sóng điện thoại thì nhanh chóng gọi theo số đường dây nóng (hotline) ghi trên thang máy để thông báo cho bộ phận kỹ thuật kịp thời đến hỗ trợ. Hoặc có thể gọi cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 đến và sử dụng các phương tiện đặc chủng để tổ chức cứu nạn.

Khi thang máy ở trạng thái ổn định, thử bấm nút mở cửa, nếu cửa thang mở thì mọi người có thể lần lượt thoát ra ngoài. Tuy nhiên, trước khi bước ra ngoài cần phải quan sát cẩn thận, tránh trường hợp thang dừng lại ở vị trí không khớp với mặt sàn của các tầng, nếu mọi người bước ra ngoài không chú ý dẫn đến bước hụt và tụt xuống giếng thang gây nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt cần phải hết sức bình tĩnh người bị mắc kẹt không nên đập mạnh hoặc đạp vào thành hoặc cửa tạo dao động thiết bị có thể làm thang bị trượt, đứt cáp tời dẫn đến thang rơi tự do.

Đặc biệt, trong thời gian chờ đợi sự trợ giúp từ bên ngoài, mọi người không nên tìm cách mở cửa trên nóc thang và thoát nạn qua đó. Bởi làm như vậy rất dễ bị trượt, ngã dẫn đến những chấn thương hoặc bị rơi xuống giếng thang gây nguy hiểm đến tính mạng.