Siết game máy tính, “nhảy” sang điện thoại

ANTĐ - Có ngày, chủ nhân các thuê bao điện thoại nhận được 4-5 tin nhắn từ số thuê bao lạ hoặc từ địa chỉ một trang web mời chào tải game. Có người nhìn nhận đây là xu hướng phát triển mới, trong khi có ý kiến cho rằng, đây là hành động “lách luật” của các công ty sản xuất, kinh doanh game khi game trên máy tính bị quản chặt.

Xu hướng mới của người ham mê game online

Mạnh Tân - nhân viên một công ty chuyên sản xuất game dành cho điện thoại di động, cũng là một game thủ cho biết, trò chơi ứng dụng cho điện thoại di động đang ngày càng phát triển. Các nhà sản xuất đã cho ra đời nhiều game, thích hợp với nhiều loại hệ điều hành của điện thoại như: KJava, Symbian, Android, iOS... song nhiều nhất vẫn là các trò chơi dành cho smartphone. “Game online trên điện thoại ngày càng có xu hướng giống với game online ứng dụng cho máy tính, bởi vì điện thoại di động cũng hướng đến việc trở thành máy tính thu nhỏ” -  anh Tân cho biết.

Chính vì sự tương đồng giữa 2 loại thiết bị này mà vị trí, hoạt động của người chơi game trên điện thoại cũng giống như người chơi game trên máy tính. Khánh - một game thủ cho hay: “Nếu người chơi game trên máy tính phải chịu chi phí mạng và chi phí game thì người chơi trên điện thoại di động cũng vậy, phải trả chi phí 3G và chi phí game”. Theo Khánh, người chơi nào có khả năng tài chính đáp ứng chơi trên máy tính thì đều có thể sử dụng được trên điện thoại. Tính cơ động, linh hoạt là ưu điểm của việc chơi trên phương tiện này. Tuy nhiên, màn hình nhỏ và âm thanh thiếu sinh động lại là nhược điểm so với chơi game trên máy tính. 

Theo phản ánh của nhiều chủ thuê bao, thời gian gần đây, họ dồn dập nhận được quảng cáo mời chào tải game cho điện thoại di động. Khi thì “mời tải game miễn phí cho mobile”; khi lại “tặng bạn game người lớn trên 18 tuổi: http://vstore.mobil/yourls/ game 18”... Chỉ cần thao tác đăng ký đơn giản, khách hàng sẽ tải được game về máy điện thoại. Các phiên bản mới của các trò chơi khách hàng đã tải cũng liên tục được giới thiệu. Hiện nay, game ứng dụng cho điện thoại di động một phần có xuất xứ trong nước, một phần do các công ty kinh doanh game nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều game ngoại cũng đã quen thuộc với người chơi Việt Nam như: Tam quốc, Võ lâm… Đánh giá của các game thủ cho thấy, game “made in Việt Nam” hiện tại vẫn chưa có sức hấp dẫn hơn so với game nhập khẩu. Khẳng định nội dung game trên điện thoại di động không có gì “nhạy cảm” song những người chơi và khách hàng của các mạng di động đều biết, đó chỉ là lời biện minh. Thực tế cho thấy, game gợi dục, sexy được mời chào với tần suất dày hơn cho các thuê bao, bởi nó vừa đáp ứng sự tò mò của một số khách hàng, vừa mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp.

 

Chỉ mới xuất hiện từ năm 2008 nhưng đến nay, game trên điện thoại di động đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Đây không chỉ là sự phát triển mang tính tất yếu song hành với sự ra đời của những chiếc điện thoại ngày càng hiện đại, thông minh, nhiều ứng dụng, mà còn là hướng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khi game trên máy tính bị siết chặt quản lý. Mạnh Tân cho biết: “Thị trường game cho điện thoại di động còn rất mở vì nó không bị đóng cứng như game trên máy tính với quá nhiều tên tuổi lớn”. 

Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường này vẫn hoạt động khá tự do, chưa có sự quản lý của cơ quan nhà nước. Dường như, người cung cấp và người chơi có nhu cầu tự tìm gặp nhau qua những dòng quảng cáo ngắn gọn. Lãnh đạo một công ty sản xuất game không tiết lộ mối quan hệ, làm thế nào để tin nhắn quảng cáo game trên điện thoại di động vẫn xuất hiện một cách trái phép tới hàng loạt chủ thuê bao di động, nhưng người dùng đều có thể dự đoán, cả nhà mạng, doanh nghiệp cung cấp nội dung và doanh nghiệp game đều được hưởng lợi từ cách quảng cáo này.