Rất khó xử lý hình sự người giao ô tô cho cô giáo gây tai nạn

ANTD.VN - Những ngày gần đây, dư luận xã hội đang rất quan tâm tới vụ cô giáo trường tiểu học lùi xe ô tô gây tai nạn, khiến một học sinh tử vong và một em bị thương.

Rất khó xử lý hình sự người giao ô tô cho cô giáo gây tai nạn ảnh 1Xe ô tô gây ra vụ tai nạn tại trường Tiểu học Vân Hồ, thuộc bản Bó Nhàng 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La, vào ngày 19-4

Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Vân Hồ, thuộc bản Bó Nhàng 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La, vào ngày 19-4 vừa qua. Vụ tai nạn đã làm em Sồng A Ninh tử vong và em Trần Tuấn Anh bị gãy tay, chân. Hiện em Trần Tuấn Anh đang được điều trị tại bệnh viện. Cả hai em đều là học sinh lớp 1 của trường Tiểu học Vân Hồ.

Người điều khiển xe ô tô gây ra vụ tai nạn được xác định là nữ giáo viên Nguyễn Thị Hương (SN 1979), trú tại Tiểu khu cơ quan, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Lùi xe ô tô trong khuôn viên sân trường, do không làm chủ được tốc độ và tay lái nên Hương để phần đuôi xe ô tô đâm vào 2 học sinh. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, ngồi bên ghế phụ của xe ô tô có thầy giáo Vì Văn Dương (SN 1976, cùng trú tại thị trấn Nông trường Mộc Châu), giáo viên trường Tiểu học Vân Hồ. Chiếc ô tô này là của thầy Dương. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, thầy Dương đã nhận mình là người lái xe thay cho cô Hương. Tuy nhiên, sau đó lực lượng chức năng xác định Nguyễn Thị Hương mới là người cầm lái và gây ra tai nạn.

Rất khó xử lý hình sự người giao ô tô cho cô giáo gây tai nạn ảnh 2Luật sư Giang Hồng Thanh 

Cô giáo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với Báo ANTĐ, luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng VPLS Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, cô giáo lái xe trong trường va vào học sinh, khiến một em bị tử vong và một em bị thương có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 128 hoặc tội “Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”, theo Điều 295 - BLHS năm 2015, tùy thuộc vào diễn biến sự việc và các tình tiết khách quan mà CQĐT chắc chắn sẽ làm rõ.

Cũng cần phải giải thích thêm rằng, mặc dù cô giáo này không có giấy phép lái xe, điều khiển ô tô và gây hậu quả nghiêm trọng, song do di chuyển trong khu vực trường học nên sẽ không bị xử lý về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo Điều 260-BLHS năm 2015. Thay vào đó, các cơ quan tố tụng sẽ chỉ xử lý cô giáo gây tai nạn về một trong các hành vi như đã nêu trên. 

Sở dĩ như vậy là vì Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28-8-2013 đã quy định khá rõ ràng đối với trường hợp này. Cụ thể, Điều 3 của Thông tư quy định về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202-BLHS năm 1999, sửa đổi 2009) được hiểu là hành vi đó không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ (tức là tham gia giao thông trên đường bộ) và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản...

Còn đối với trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm khác tương ứng nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm đó. 

Đó chính là các tội “Vô ý làm chết người”; tội “Cố ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” hoặc tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở những nơi đông người”. Cũng theo luật sư Giang Hồng Thanh, nếu bị kết tội “Vô ý làm chết người”, cô giáo trong vụ án sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Còn nếu bị kết tội “Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người” thì hình phạt dành cho cô giáo cũng ngang bằng hoặc có thể nhẹ hơn là bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng.

Khác biệt ở địa điểm xảy ra tai nạn

Về người đã giao xe ô tô cho cô giáo, luật sư Giang Hồng Thanh nêu quan điểm, giả sử cô giáo điều khiển phương tiện ở ngoài đường giao thông và gây tai nạn thì thầy giáo giao xe sẽ bị xử lý hình sự về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, theo Điều 264-BLHS năm 2015. Nhưng như đã nêu trên, tai nạn xảy ra là ở trong khuôn viên trường học nên nếu cô giáo bị xử lý về tội “Vô ý làm chết người” thì thầy giáo sẽ không bị xử lý hình sự.

Ngoài ra còn có thông tin về việc ban đầu thầy giáo nhận trách nhiệm thay cho cô giáo, nghĩa là thầy giáo này nhận rằng chính mình lái xe gây tai nạn. Hành vi này là việc che giấu hành vi vi phạm pháp luật của người khác. Tuy nhiên, BLHS lại không quy định về việc che giấu tội phạm đối với tội “Vô ý làm chết người” và tội “Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”.

Vì thế cũng không thể xử lý hình sự đối với thầy giáo về hành vi che giấu tội phạm... Trưởng VPLS Giang Thanh cũng cho rằng, về dân sự cả thầy giáo và cô giáo sẽ phải liên đới bồi thường toàn bộ chi phí hợp lý mà gia đình các em học sinh đã phải chi trả và có thể phải chi trả trong tương lai.