Phòng ngừa là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy

ANTD.VN - Ngày 24-6, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Kết luận thanh tra của Đoàn thanh tra Bộ Công an, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật phòng cháy, chữa cháy đối với UBND thành phố Hà Nội.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thực hiện Quyết định số 1232/QĐ-BCA-X05 ngày 21-2-2020 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đối với UBND TP Hà Nội và các cơ quan, đơn vị trực thuộc gồm: Văn phòng UBND TP Hà Nội, Công an TP, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Sở Xây dựng TP Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Nội, UBND các quận: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên và UBND huyện Thanh Trì.

Chủ động công tác PCCC

Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 2-3 đến 15-5 kết thúc. Sau thời gian thanh tra, kiểm tra, đoàn Thanh tra đã tập hợp được nhiều văn bản, tài liệu, kiến nghị liên quan đến công tác chấp hành pháp luật về công tác PCCC của các đơn vị nói trên.

Báo cáo tại Hội nghị, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, các lực lượng CATP đã chủ động tăng cường, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện công tác PCCC.

Từ năm 2017 đến năm 2019 và Quý I/2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 2.283 vụ cháy, trong đó có 1.500 vụ nguyên nhân do sự cố điện (chiếm 65,7%), 387 vụ nguyên nhân do sơ xuất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (chiếm 17%), 9 vụ do đốt (chiếm 0,4%), 112 vụ do tại nạn, sự cố máy móc.

Từ năm 2019 đến nay, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an đã tham mưu Bộ Công an và Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 trong đó có đề cập chi tiết, cụ thể việc chấp hành các quy định về PCCC cũng như các biện pháp xử lý đối với nhà chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho tàng, thu mua phế liệu... không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC & CNCH.

Cùng với đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành văn bản quy định về việc xử lý đối với nhà chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho tàng... không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, sau khi nghe kết luận các nội dung đã được Đoàn thanh tra công bố, các đơn vị đã bày tỏ sự nhất trí đối với bản dự thảo kết luận của đoàn Thanh tra, đồng thời tiếp thu các ý kiến đánh giá về các mặt còn tồn tại, hạn chế để kịp thời khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả việc chấp hành các quy định về công tác PCCC.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác PCCC

Từ các ý kiến đưa ra của đoàn công tác, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu: “Thời gian qua, tình hình cháy, nổ có diễn biến hết sức phức tạp. Công tác PCCC là nhiệm vụ hết sức quan trọng, trên hết. Do đó các đơn vị phải chủ động, nghiêm túc tự ý thức khắc phục những tồn tại để hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Những tồn tại về công tác PCCC, thành phố sẽ có văn bản kiến nghị cụ thể đối với các cơ sở tồn tại về an toàn PCCC, đồng thời yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn để các cơ sở tiếp tục hoàn thiện, khắc phục những tồn tại do đoàn công tác chỉ ra”.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: “Các đơn vị cần quan tâm hơn nữa đến công tác PCCC, đặc biệt chú trọng đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, vấn đề quy hoạch các hạng mục, công trình". Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC cùng với việc đổi mới, đa dạng công tác tuyên truyền, cần tăng cường hơn nữa kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót của các cơ sở đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong công tác PCCC”.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội báo cáo tại Hội nghị

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành nêu rõ, trên cơ sở thanh tra, kiểm tra, để phát huy những việc đã làm tốt, đồng thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót, sai phạm, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để đề xuất chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có), nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC.

Tại Hội nghị, đoàn Thanh tra cũng giải đáp các thắc mắc, kiến nghị, đề xuất và tập hợp các ý kiến của các đại biểu dự họp để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Kết luận Thanh tra, sớm trình lãnh đạo Bộ Công an ký Kết luận Thanh tra theo quy định. Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thâm quyền giải quyết của Bộ Công an, đoàn Thanh tra tập hợp chung cùng kết quả thanh tra chuyên đề này đối với các đơn vị, địa phương khác, để có kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn về công tác PCCC - CNCH phù hợp với thực tiễn cuộc sống.