Người Hàn Quốc cố từ bỏ tính "tham công tiếc việc" vì bóng đen tự tử

ANTD.VN - Trong khi Nhật Bản nổi tiếng với khái niệm “chết vì làm việc quá sức” thì dữ liệu thống kê cho thấy, người Hàn Quốc còn làm việc nhiều giờ hơn cả người Nhật Bản. Cảnh sát Hàn Quốc cho biết, trong số 14.000 vụ tự tử mỗi năm thì áp lực công việc là nguyên nhân của 500 vụ.

Người Hàn Quốc cố từ bỏ tính "tham công tiếc việc" vì bóng đen tự tử ảnh 1Một tòa nhà văn phòng ở Seoul sáng trưng khi nhân viên các công ty làm việc về đêm

Lee Han-bit là nhà sản xuất bộ phim truyền hình có tên gọi “Uống một mình”, phản ánh thực trạng những người trẻ trong mỗi kỳ thi công chức lại tìm đến rượu để giảm áp lực. Nhưng nhiều tuần làm việc mà không nghỉ ngơi, đồng thời yêu cầu nhân viên làm việc 20 tiếng mỗi ngày, ông Lee cũng không chịu nổi áp lực, tự kết liễu đời mình khi dự án chỉ còn vài ngày là hoàn thành. Bức thư tuyệt mệnh của nhà sản xuất Lee Han-bit có đoạn viết: “Tôi cũng chỉ là người lao động, lại làm quản lý ép nhân viên cấp dưới”. Thông điệp đó lan khắp Hàn Quốc, một đất nước từ lâu người dân đã làm việc quá vất vả.

Hạn chế chỉ 52 giờ làm việc mỗi tuần

Các tai nạn lao động, bao gồm cả vụ tự sát của nhà sản xuất truyền hình Lee Han-bit giống như một hồi chuông mới cảnh tỉnh rằng Hàn Quốc cần sớm thay đổi văn hóa nơi làm việc của mình. Năm ngoái, khi một công chức nhà nước là một phụ nữ mới sinh qua đời ngay tại văn phòng của mình vào sáng chủ nhật, Tổng thống Moon Jae-in, khi đó vẫn là ứng cử viên Tổng thống viết Facebook: “Chúng ta không thể là một xã hội làm việc quá sức nữa trước khi mọi việc quá muộn”.

Theo đó, ông Moon Jae-in muốn các công ty thuê thêm người làm. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông cam kết tạo 500.000 việc làm mới bằng cách thực thi một tuần làm việc 52 giờ. “Thói quen kéo dài ngày công lao động là thủ phạm dẫn đến năng suất lao động thấp của Hàn Quốc”, Tổng thống Hàn Quốc nhắc lại trong tháng 7-2018 khi quy định về giới hạn giờ làm việc trong tuần có hiệu lực.

Theo luật mới có hiệu lực từ tháng 7-2018, người lao động sẽ không làm việc quá 52 giờ một tuần. Chính phủ khuyến khích các công ty cho nhân viên về nhà vào buổi đêm và không phải làm việc vào cuối tuần. Thông điệp “Xã hội đang rạn nứt vì làm việc quá sức” của Bộ Lao động đặc biệt nhắm tới những người trẻ, những người không cùng chung quan niệm làm việc bằng mọi giá như thế hệ cha mẹ của họ.

Cân bằng giữa cuộc sống và công việc

Thông điệp đó được giới trẻ hưởng ứng bởi họ muốn được thưởng thức thời gian nghỉ ngơi thay vì chỉ biết làm việc như các thế hệ trước. Khi có quy định khuyến khích 1 tuần làm việc 5 ngày vào năm 2004, nhiều người Hàn Quốc trước đó không biết nghỉ thứ bảy là gì. Trong quá khứ, đức tính chăm chỉ, chịu khó của người Hàn Quốc đã giúp thúc đẩy đất nước vượt lên từ đống tro tàn của chiến tranh trở thành một cường quốc kinh tế, với các thương hiệu như Samsung và Hyundai nổi tiếng thế giới. Nhưng ngay từ đầu thập niên 1970, đã xuất hiện các trường hợp tự thiêu vì áp lực làm việc quá vất vả.

Woo Su-jin, một nhà thiết kế đồ họa 26 tuổi cho biết, công ty truyền thông của cô hiện giờ cho phép cô đến muộn hơn vào buổi sáng nếu phải làm muộn vào đêm hôm trước. Trước đây, các cuộc họp thảo luận về dự án có thể kéo dài từ 7h tối đến 1h sáng nhưng hiện giờ đã kết thúc sớm hơn. “Các đồng nghiệp của tôi và tôi đều cho rằng thà về nhà sớm còn hơn là cứ làm việc kéo dài, kể cả khi chúng tôi được trả tiền làm thêm giờ”, Woo Su-jin nói.

Sau khi có chính sách mới, Bộ Lao động cho biết, hơn 700 trong số 3.672 công ty lớn của Hàn Quốc và các tổ chức khu vực công đã thuê nhân viên mới hoặc có kế hoạch làm như vậy. Cũng có nơi hạn chế làm thêm giờ thường xuyên. Bắt đầu từ tháng 5-2018, chính quyền thành phố Seoul đã bắt đầu thực thi quy định bắt buộc các văn phòng, công sở tắt đèn và máy tính từ 19h tối thứ sáu.

Tại công ty bảo hiểm nơi ông Park Jung-min, 46 tuổi làm việc, mọi hoạt động, máy tính sẽ tự động tắt lúc 18h. Công việc nào cần phải làm thêm giờ cũng cần báo trước lý do. “Tôi cho rằng tuần làm việc 52 tiếng như thế này mới tốt cho sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc mà người Hàn Quốc mong muốn”.

Mặc dù phải 2 năm nữa quy định về số giờ làm việc tối đa mới có hiệu lực với các công ty vừa và nhỏ, nhiều người cho rằng quãng thời gian đó quá dài và thói quen làm việc như hiện tại là quá “vô nhân đạo”.