Đề nghị bác hầu hết kháng cáo trong "đại án" Agribank

ANTD.VN - Ngày 22-12, phiên xử phúc thẩm vụ “đại án” xảy ra tại Chi nhánh Nam Hà Nội, thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank Nam Hà Nội) đã khép lại phần thẩm vấn.

Theo đó, kết thúc phần thẩm vấn và chuyển sang phần tranh luận, đại diện VKS Cấp cao tại Hà Nội khẳng định, tất cả các bị cáo trong vụ án đều có đơn chống án về tội danh, hình phạt và trách nhiệm dân sự, trong đó có 6 bị cáo kêu oan. Tuy nhiên, sau 5 ngày thẩm vấn, ngoài Lê Minh Hiếu (Chủ tịch HĐQT hai công ty CP Lifepro Việt Nam) rút đơn kháng cáo thì một số bị cáo trong vụ án đã thay đổi nội dung kháng cáo.

Đại diện VKS cho rằng, bản án sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Tân - cựu Tổng giám đốc Agribank tổng cộng 22 năm là có căn cứ và đúng pháp luật. Bởi VKS Cấp cao nhận thấy, bị cáo Tân đã có hành vi cho để Agribank Nam Hà Nội giải ngân cho công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam vay vốn trái quy định.

Bị cáo Phạm Thanh Tân - cựu Tổng giám đốc Agribank

Ngoài ra, bị cáo này còn thiếu trách nhiệm trong việc giải ngân, khiến Agribank Nam Hà Nội bị các đối tượng người nước ngoài chiếm đoạt tiền. Theo VKS, việc bị cáo Tân đề nghị đưa hai tội danh về một là không có căn cứ. Từ đó, đại diện VKS đề nghị cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Tân.

“VKS xác định, việc cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Tân về tội “Lợi dụng chức vụ quyền, hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Mức hình phạt 13 năm tù và 9 năm tù, tương ứng với từng tội danh của bị cáo là phù hợp” – đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại phiên tòa nhận định.

Với cấp dưới của bị cáo Tân là Phạm Thị Bích Lương – cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội, theo VKS, bị cáo là Giám đốc Agribank Nam Hà Nội, chịu trách nhiệm theo quyền hạn được phân công, cho vay và không cho vay. Và thực tế bị cáo đã chỉ đạo thẩm định, cho Liên doanh Lifepro vay 150 triệu USD, cho hai công ty của Lê Minh Hiếu vay hơn 80 triệu USD không đúng quy định.

Thực hiện việc giải ngân, bị cáo Lương đều bỏ qua các bước theo Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tiếp đến, bị cáo không chỉ đạo kiểm tra sau cho vay. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo cho rằng hành vi của mình chỉ là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời thay đổi từ kháng cáo toàn bộ bản án sang xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và miễn giảm dân sự.

Dù vậy, VKS thấy rằng việc làm của bị cáo Lương đã gây thiệt hại cho Agribank, hơn 2.000 tỷ đồng. Án sơ thẩm quy kết bị cáo về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” là có căn cứ, đúng pháp luật nên cần đề nghị HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo này cũng như bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với tội “Lợi dụng chức vụ quyền, hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đối với bị cáo Trương Thị Út - cựu Phó phòng tín dụng Agribank Nam Hà Nội, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với  lý do phạm tội do áp lực từ cấp trên và sau khi vụ án xảy ra đã tích cực giúp cơ quan điều tra nhanh chóng kết thúc vụ án. Tuy nhiên theo đại diện VKS, cấp sơ thẩm đã xem xét tất cả các tình tiết này và xử phạt dưới khung (7 năm tù) nên không chấp nhận kháng cáo.

Trong số 17 bị cáo chống án, VKS chỉ đề nghị cấp phúc thẩm xem xét và chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho hai trường hợp Nguyễn Thị Nguyệt Thanh - cựu Trưởng phòng Thanh toán quốc tế Agribank Nam Hà Nội và Nguyễn Hữu Thanh - cựu Phó phòng Thanh toán quốc tế Agribank Nam Hà Nội.

Về kháng cáo của nguyên đơn dân sự Agribank, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội cũng đề nghị HĐXX phúc thẩm TAND cùng cấp bác bỏ phần lớn các nội dung liên quan… Hiện, phiên xét xử phúc thẩm Phạm Thị Bích Lương – cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội cùng các bị cáo liên quan đang ở phần tranh luận của các luật sư.