Xét xử phúc thẩm “đại án” xảy ra tại Agribank Nam Hà Nội

"Đánh tráo" pháp nhân để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng

ANTD.VN - Ngày 19-12, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm “đại án” kinh tế xảy ra tại Chi nhánh Nam Hà Nội, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank Nam Hà Nội). Hàng nghìn tỷ đồng ở ngân hàng này bị thất thoát một lần nữa bước đầu được làm rõ. 

Theo đó, trong ngày xét xử thứ hai, HĐXX phúc thẩm đã tập trung đấu tranh để làm rõ về tư cách pháp nhân, vốn điều lệ và sự liên quan của các thành viên HĐQT trong Công ty CP Lifepro Việt Nam và Công ty CP Vietmade, đều do bị án Lê Minh Hiếu giữ quyền quản lý, điều hành cao nhất.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 10-2010, Công ty CP Lifepro Việt Nam ký 2 hợp đồng liên kết với Công ty Enzo Việt (do 5 đối tượng người nước ngoài làm chủ) để nhập khẩu nguyên liệu may mặc cho dự án Dệt - nhuộm – may ở Ninh Bình. Mục đích duy nhất trong việc ký kết hợp đồng liên kết không gì khác là để Công ty CP Lifepro Việt Nam sử dụng pháp nhân của mình vay vốn ngân hàng.

Bị án Lê Minh Hiếu - người được xác định là tiếp tay cho nhóm đối tượng

người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của Agribank

Và thực tế là trên cơ sở của 2 hợp đồng liên kết, Agribank Nam Hà Nội đã nhanh chóng giải ngân hơn 9,3 triệu Euro và hơn 6 triệu USD cho Công ty CP Lifepro Việt Nam. Tuy nhiên ngay sau đó, phần lớn số tiền vay của Agribank Nam Hà Nội đã bị các đối tượng người nước ngoài chiếm đoạt hết.

Cũng bằng việc ký hợp đồng liên kết kinh tế với Công ty Enzo Việt nhằm vay vốn, Công ty Vietmade do Lê Minh Hiếu làm Chủ tịch HĐQT đã vay được gần 3 triệu Euro từ Agribank Nam Hà Nội.

Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (9-2012), dư nợ và tổng tài sản của các doanh nghiệp vay vốn là gần 3.500 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các khoản, thu hồi tiền gốc và xử lý tài sản đảm bảo, hiện các công ty của Hiếu còn nợ Agribank hơn 2.400 tỷ đồng.

Theo bản án sơ thẩm, 5 đối tượng người nước ngoài sử dụng các pháp nhân do Lê Minh Hiếu quản lý để vay vốn là Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada), Yang Yong (quốc tịch Trung Quốc), Boubker El Fehdi (quốc tịch Canada), Driss Bouchama (quốc tịch Canada) và Manuela Polga (quốc tịch Italy). Sau đó, các đối tượng này dùng tư cách Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng, rồi “đào tẩu”.

Nhóm đối tượng người nước ngoài nêu trên đã thông qua việc xin chuyển đổi pháp nhân và Dự án Dệt - nhuộm – may của Công ty Enzo Việt thành Dự án Luxfashion của Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam để lập hồ sơ vay vốn mua máy móc, thiết bị và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang quốc tế. Nhưng việc chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang là không có thật.

Hai công ty do Lê Minh Hiếu làm quản lý bị cấp sơ thẩm xác định là đã giúp sức cho nhóm đối tượng người nước ngoài lừa đảo chiếm chiếm đoạt tiền của Agribank. Bởi thực tế, hai công ty của Hiếu chỉ hoạt động nhỏ lẻ, buôn bán các sản phẩm gia công. Ngoài ra, vốn điều lệ của hai công ty không “hoành tráng” như hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Kết quả thẩm vấn tại phiên tòa phúc thẩm cho thấy, Công ty CP Lifepro Việt Nam đăng ký vốn điều lệ là 200 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ có 1 tỷ đồng với 4 thành viên góp vốn. Tương tự, tính đến thời điểm xảy ra vụ án (2010-2011), Công ty Vietmade cũng chỉ đăng ký vốn điều lệ là 1,8 tỷ đồng với 4 thành viên trong HĐQT.

Tiền và tài sản không đáng kể, song các công ty của Hiếu vẫn ký các hợp đồng kinh tế với Công ty Enzo Việt (sau đổi tên thành Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam) để vay vốn Agribank. Theo lời khai của Hiếu, hồ sơ vay vốn làm đúng thủ tục ngân hàng. Song, chữ ký của các thành viên công ty trong hồ sơ vay vốn, đối tượng nhớ không rõ là có phải của họ hay không.