Công an cơ sở phải tinh thông công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy và cứu nạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 7-10, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an TP Hà Nội đã chủ trì tổ chức tập huấn Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Công an cơ sở.
Thượng tá Lê Ngọc Thanh, phát biểu tại lớp khai mạc

Thượng tá Lê Ngọc Thanh, phát biểu tại lớp khai mạc

Ngày 8-6-2020, Bộ Công an có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy” năm 2020, thuộc Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016-2020. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Giám đốc CATP Hà Nội, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động tổ chức khai mạc 8 lớp tập huấn công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH với Công an cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thành phần tham gia lớp tập huấn về nâng cao nghiệp vụ công tác quản lý Nhà nước trong công tác PCCC và CNCH là cán bộ Công an các xã thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.

Qua tập huấn, các học viên được các chuyên gia, cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH phổ biến, trao đổi một số kiến thức, văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH.

Các học viên tham gia tập huấn công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH

Các học viên tham gia tập huấn công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thượng tá Lê Ngọc Thanh, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội nhấn mạnh: “Lực lượng Công an xã là nòng cốt trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên và trực tiếp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH trên địa bàn cấp xã quản lý. Việc Công an TP Hà Nội tổ chức tập huấn công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH cho Công an xã năm 2020 là hết sức cần thiết, kịp thời, thiết thực, hiệu quả, giải quyết những yêu cầu cấp bách mà thực tiễn công tác PCCC và CNCH đặt ra”.

Theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 300 vụ cháy, làm 6 người chết, 19 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 7,27 tỷ đồng; tập trung ở khu vực nội thành 174/300 vụ (58%) vào các loại hình như nhà dân đơn lẻ 165 vụ, kho, xưởng sản xuất 29 vụ, chung cư, nhà cao tầng 5 vụ. Nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống thiết bị điện vẫn chiếm tỉ lệ cao 186/300 vụ (62%), sơ xuất khi sử dụng lửa 18 vụ... và nhiều nguyên nhân khác.

Theo phân tích từ các vụ cháy, đa phàn đều có đặc điểm chung là không được phát hiện, khống chế và dập tắt ngay tại thời điểm ban đầu, khi đám cháy còn nhỏ, nhiệt lượng chưa lớn, chưa gây cháy lan; cấp ủy, chính quyền một số địa bàn cấp xã chưa thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH, chưa quan tâm đầu tư các trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (CNCH) ban đầu hoặc có trang cấp nhưng không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, CNCH.

Công tác nắm tình hình về PCCC và CNCH của lực lượng Công an cấp xã tại các cơ sở, khu dân cư trong phạm vi địa bàn được phân công phụ trách, đặc biệt là các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ đan xen trong khu dân cư, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh có nơi, có lúc còn chưa kịp thời; sự phối hợp trao đổi thông tin giữa lực lượng Công an cấp xã với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an cấp huyện vẫn chưa thực sự chặt chẽ, kịp thời.