Cảnh báo cháy, nổ tại các nơi thờ tự

ANTD.VN - Nếu vụ cháy xảy ra tại chùa Tĩnh Lâu (Tây Hồ, Hà Nội) bùng phát vào ban đêm thì vụ cháy tại chùa Thanh Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) lại xảy ra vào ban ngày. Điều đó có nghĩa là hỏa hoạn xảy ra không theo quy luật nào… 

Chùa Tĩnh Lâu (Tây Hồ, Hà Nội) bị cháy năm 2016

Hỏa hoạn rình rập

Cả hai vụ cháy khi lực lượng Cảnh sát PCCC& CNCH có mặt thì ngọn lửa đã bao trùm, thiêu rụi  hàng trăm mét vuông diện tích công trình mang kiến trúc độc đáo này. Và lúc ấy, việc cứu những tài sản, cổ vật trong ngọn lửa ngùn ngụt là bất khả thi. Thiệt hại về tài sản vật chất đối với 2 ngôi chùa Tĩnh Lâu và Thanh Sơn lên đến hàng tỷ đồng, nhưng những thiệt hại về giá trị văn hóa, kiến trúc lịch sử đã bị mất đi thì khó mà định lượng bằng tiền.

Thượng tá Nguyễn Xuân Tuấn - Phó trưởng CAQ Tây Hồ cho biết: “Qua công tác điều tra cơ bản trên địa bàn quận, nhiều cơ sở di tích đã tồn tại từ rất lâu nhưng trang thiết bị PCCC đều thiếu và chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Trong khi đó, người quản lý, trông coi các di tích lại chưa được tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH. Hiểm họa luôn tiềm ẩn, rình rập, đặc biệt là khi ý thức người dân chưa cao. Du khách đến lễ đình chùa vẫn có thói quen đốt hương, nến, vàng mã và chỉ cần sơ suất một chút là gây hỏa hoạn”.

Qua rà soát, kiểm tra các di tích, đình chùa, nơi thờ tự trên địa bàn Hà Nội, lực lượng Cảnh sát PCCC& CNCH thống kê có tới trên 1.000 điểm nằm trong diện phải quản lý về an toàn PCCC theo quy định hiện hành. Tức là, các di tích này ngoài trang bị đầy đủ thiết bị PCCC còn phải thẩm duyệt nghiệm thu PCCC các hạng mục theo quy định. Riêng khu vực phía Tây của Thủ đô có gần 100 nơi thờ tự, trong đó có nhiều điểm danh thắng nổi tiếng như: phủ Tây Hồ, đền Trấn Quốc, đền Quán Thánh, chùa Thiên Niên, Tảo Sách … là những nơi đón hàng triệu du khách vãn cảnh mỗi năm.

Tuy nhiên công tác PCCC ở những nơi này hầu như chưa bao giờ được được quan tâm đúng mức. Ở Phủ Tây Hồ, hay những nơi thờ tự khác mặc dù đã có biển cấm ghi rõ “Không thắp hương tại đây” hoặc “cấm hút thuốc, vứt tàn thuốc ra nơi công cộng” nhưng không phải ai cũng có ý thức chấp hành. Nhiều người dân đi lễ vào lúc đông đúc, không chen chân để vào nơi cắm hương được còn tự ý gài ở đâu đó bên góc ban thờ.

Cẩn trọng không thừa

Sư thầy Thích Đàm Nhung, trụ trì chùa Vân Hồ, Hà Nội chia sẻ: “Vào dịp Tết Nguyên Đán hoặc ngày rằm, mùng 1, thường khách đến chùa rất đông. Để đề phòng cháy nổ, nhà chùa phải bố trí người thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn phật tử thực hiện việc hành lễ đúng theo trình tự. Đặc biệt, chùa khuyến cáo người dân không nên thắp thêm hương bởi nhà chùa đã có hương vòng và hạn chế đốt vàng mã. Việc đặt bày đồ lễ cũng đơn giản, gọn gàng, không để quá nhiều trên ban để tránh hỏa hoạn”.

Thiếu tá Phạm Thế Vĩnh - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (CAQ Tây Hồ)  cảnh báo: “Ngoài nguồn lửa trần như đốt hương, thắp nến, đốt vàng mã, một yếu tố khác dễ dẫn đến cháy nổ là phần lớn hệ thống điện ở các nơi thờ tự hiện nay chưa an toàn. Thậm chí nhiều nơi còn tự ý câu, nối dây điện rất ẩu, dễ dẫn đến quá tải, chập cháy. Một số chùa có hệ thống điện xuống cấp, cũ kỹ chưa được thay mới. Những bất cập này rất dễ dẫn đến sự cố hỏa hoạn và khi xảy cháy thì nguy cơ đám cháy lan rộng là rất lớn”.

Đánh giá về công tác phòng ngừa cháy nổ ở các nơi thờ tự trên địa bàn Hà Nội hiện nay, đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - CATP Hà Nội cho biết: “Hiện trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ tại các nơi thờ tự. Gần đây, một số đình, chùa sau khi tu sửa đã có lắp đặt thiết bị PCCC, tuy nhiên do kết cấu các công trình này phần lớn làm bằng gỗ nên việc nâng cao ý thức, chủ động phòng cháy ngay tại cơ sở là điều quan trọng nhất. Nhằm hạn chế cháy, nổ và những thiệt hại khác, trước mắt lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đang phối hợp với các cơ quan chức năng tổng rà soát, đánh giá, phân loại nguy cơ cháy ở từng di tích, đình, chùa, nơi thờ tự… để có kế hoạch phòng ngừa cháy nổ hiệu quả về lâu dài. Hiện nhiệm vụ tuyên truyền cho các cơ sở nói trên đang được lực lượng PCCC cơ sở hướng dẫn vào các buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần”.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về PCCC; nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, chỉ dẫn của người có trách nhiệm tại các nơi thờ tự; không tự ý đốt vàng mã, mang chất dễ cháy vào các đình, chùa… để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.