Ai hướng dẫn, giám sát các hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa?

ANTĐ - Theo đúng các quy định pháp luật hiện hành, Luật Doanh nghiệp là bộ luật quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Như vậy mọi hoạt động của Công ty CP Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim) phải tuân thủ các quy định của luật này. Mọi hoạt động của doanh nghiệp cũng phải tuân thủ Điều lệ doanh nghiệp.

Nội dung vụ án

Công ty Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình là Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa 100% năm 2007 và trở thành Công ty CP Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim). Sau khi được cổ phần hóa, năm 2008 thành phần các cổ đông gồm có: Công ty CP Thanh niên sở hữu 85,14% cổ phần, 38 cổ đông nhỏ, chủ yếu là cán bộ, công nhân viên của công ty giữ 14,86% cổ phần còn lại. Đáng chú ý, do sở hữu phần lớn cổ phần của Tamexim, vì vậy trong nhiều năm qua, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty CP Thanh niên cũng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và TGĐ Tamexim. Do cơ cấu lãnh đạo doanh nghiệp như vậy trong năm 2009 và 2010 mặc dù không thông qua Đại hội cổ đông và không được sự đồng ý của các cổ đông là cán bộ công nhân viên công ty, lãnh đạo Tamexim đã có hàng loạt hành vi chuyển dịch tài sản từ Tamexim sang Công ty CP Thanh niên.

Cụ thể: Tháng 12-2008  ký các hợp đồng về việc Tamexim dùng tài sản bảo lãnh cho Công ty CP Thanh niên vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam 400 tỷ đồng. Ngày 30-6-2009 dùng ngân quỹ của Tamexim cho Công ty CP Thanh niên vay 20 tỷ đồng. Ngày 24-6-2009 ký bán cho Công ty CP Nam Tiến (là DN do Công ty CP Thanh niên nắm cổ phần) khống chế diện tích 6.500m2 các căn hộ khu chung cư 33 Trương Công Định (Q. Tân Bình, TP.HCM) với giá 97,5 tỷ đồng, thấp hơn giá thị trường. Ngày 16-9-2009 ký góp vốn 8,15 triệu USD với các DN khác đầu tư xây dựng Công trình tại Lạc Long Quân (Q.Tân Bình, TP.HCM)… Đáng tiếc, trong các năm từ 2009 đến nay, 38 cổ đông nhỏ không được họp Đại hội cổ đông, không được báo cáo tài chính cũng như hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí không biết thành phần của HĐQT Tamexim ra sao. Và điều đáng nói là ngay khi Tòa án nhân dân TP.HCM thụ lý vụ án kinh tế do khiếu tố của 38 cổ đông nhỏ, mất hơn 1 năm Tòa án cũng không thể tìm được lãnh đạo của Tamexim.

Vấn đề đặt ra là qua các vụ việc trên, cần xem xét, lãnh đạo Tamexim đã có hành vi vi phạm pháp luật như thế nào? Trách nhiệm quản lý các DNNN sau CPH ra sao? Ai chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát và quản lý các hoạt động của DNNN sau CPH?

Ý kiến bạn đọc 

Nếu mua cổ phần các DNNN mà không được quyết định về tài sản và hoạt động kinh doanh, tôi sẽ không mua

Cái khó khi tham gia cổ phần hóa DNNN là mua xong, dẫu có mua được đa số cổ phần, những nhà đầu tư lớn cũng không được quyền tự quyết định về tài sản của doanh nghiệp đã cổ phần. Quyền lợi của người mua đa số cổ phần chính là quyền quyết định về tài sản. Tôi thấy việc nhà đầu tư khống chế xử lý tài sản và hoạt động kinh doanh của Tamexim là có thể hiểu được.

Trần Phúc Lộc (Q. Tân Bình,TP Hồ Chí Minh)


Các DNNN sau CPH phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp

Theo đúng quy định pháp luật về hoạt động sản xuất kinh doanh, các DNNN sau CPH hoạt động theo sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Như vậy, các hoạt động của công ty cổ phần hoạt động theo các quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của công ty đã được Đại hội cổ đông thông qua. Mọi vi phạm Luật Doanh nghiệp sẽ bị nghiêm trị trước pháp luật, những vi phạm Điều lệ công ty sẽ được xử lý trước tòa án và phải chấp nhận các quyết định xử lý của tòa án. Trong trường hợp này, các cổ đông nhỏ phát hiện được các hoạt động của lãnh đạo doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công ty và cá nhân các cổ đông sau khi kiến nghị với lãnh đạo doanh nghiệp không được đáp ứng, khiếu tố ra tòa án là hợp lý. Tòa án sẽ có những phán quyết theo đúng quy định pháp luật. Như vậy, có thể nói, người giám sát các hoạt động của DNNH sau CPH là các cổ đông cùng các cơ chế doanh nghiệp, ví dụ Ban kiểm soát của doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý Nhà nước gồm sở công thương và các cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động đúng các quy định pháp luật. Các cơ quan trọng tài kinh tế và tòa án là nơi giải quyết các tranh chấp. 

Phạm Văn Ngũ (Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh)


Có dấu hiệu vi phạm Luật Doanh nghiệp

Theo các quy định của Luật Doanh nghiệp, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc các công ty cổ phần không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác. Việc Tổng giám đốc của Tamexim đồng thời là Tổng giám đốc của Công ty CP Thanh niên là sai quy định pháp luật. Chính vi phạm này đã dẫn đến một vi phạm khác là thực hiện các giao dịch trái phép với cổ đông chiếm cổ phần khống chế doanh nghiệp. Trong trường hợp này, Công ty CP Thanh niên chiếm 85,14% cổ phần Tamexim là cổ phần khống chế, vì vậy, mọi giao dịch của Tamexim với Công ty CP Thanh niên phải được Đại hội cổ đông chấp thuận. Những giao dịch dùng tài sản của Tamexim bảo lãnh cho Công ty CP Thanh niên vay tới 400 tỷ đồng bắt buộc phải được Đại hội cổ đông chấp thuận. Tổng Giám đốc Tamexim tự lấy tài sản của Tamexim cho chính mình vay là không đúng với các quy định pháp luật. Những giao dịch này sẽ bị vô hiệu nếu tòa án xét xử nghiêm minh.

Nguyễn Văn Bắc (Cục công tác phía nam, Bộ Công thương)


Các giao dịch của công ty cổ phần lớn hơn 50% giá trị tài sản phải được ĐHCĐ chấp thuận

Theo các quy định của Luật Doanh nghiệp, mọi giao dịch bán hoặc đầu tư có giá trị lớn hơn 50% tài sản doanh nghiệp được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội cổ đông. Trong vụ việc này, theo chúng tôi được biết, tài sản của Tamexim năm 2007 là 154,67 tỷ đồng, năm 2008 còn có 102 tỷ đồng. Trong khi đó giao dịch bảo lãnh cho Công ty CP Thanh niên là 400 tỷ đồng, bán tài sản cho Công ty CP Nam Tiến giá trị 97,5 tỷ đồng, đầu tư tại Lạc Long Quân với giá trị 8,15 triệu USD đều lớn hơn 50% thậm chí lên đến 400% giá trị tài sản có mà không thông qua đại hội cổ đông là vi phạm pháp luật, cần vô hiệu các giao dịch này. Mặt khác, việc không họp Đại hội Cổ đông thường niên, không công bố báo cáo tài chính và hoạt động của công ty cho các cổ đông là vi phạm điều lệ hoạt động của doanh nghiệp. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm can thiệp. 

Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Bình luận của luật sư

Theo đúng các quy định pháp luật hiện hành, Luật Doanh nghiệp là bộ luật quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Như vậy mọi hoạt động của Công ty CP Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim) phải tuân thủ các quy định của luật này. Mọi hoạt động của doanh nghiệp cũng phải tuân thủ Điều lệ doanh nghiệp. 

Các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và chịu sự giám sát của pháp luật và các cô đông, chủ sở hữu doanh nghiệp. 

Trong vụ việc cụ thể này, xét đúng tinh thần các văn bản pháp luật, chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu của những vi phạm điều lệ hoạt động doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp.

Việc không tổ chức Đại hội cổ đông thường niên vi phạm chính điều lệ của Tamexim ( Điều 1.12 Điều lệ Công ty Tamexim 7-2007 và điều 13.1 Điều lệ Tamexim 4-2011) Việc không công bố báo cáo tài chính và các hoạt động doanh nghiệp cho các cổ đông là vi phạm điều 79.2c Luật Doanh nghiệp: Các cổ đông được quyền xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát.

Theo điều 116.2 Luật Doanh Nghiệp quy định: Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác. Như vậy, việc Tổng Giám đốc Tamexim đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh niên là vi phạm quy định pháp luật.

Những giao dịch của Tamexim với Công ty CP Thanh niên theo điều 120 Luật Doanh nghiệp: Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây: a) Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 35% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ; b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận nếu được Điều lệ doanh nghiệp quy định. Những giao dịch này có dấu hiệu chuyển dịch tài sản trái phép gây thất thoát tài sản của Tamexim. Các hợp đồng này chưa hề được đưa ra báo cáo tại Đại hội cổ đông, thậm chí ngay cả khi đã thực hiện cũng không thông báo với cổ đông là vi phạm các nghĩa vụ với cổ đông. 

Điều 96.d Luật Doanh nghiệp quy định: Đại hội cổ đông có quyền: Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty. Rất đáng tiếc khi hàng loạt các hoạt động đầu tư, bán tài sản tại Tamexim đã vi phạm điều này. 

Để xử lý những sai phạm trong hoạt động của Tamexim, để có thể rút ra bài học cần thiết trong quản lý giám sát các DNNN sau cổ phần hóa, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần sớm tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động của Tamexim, xử lý các vi phạm và quan trọng hơn cần bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, những nhân tố cần có trong các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sắp tới. Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)