Từ cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông: Hun đúc ý chí tự cường dân tộc

ANTĐ - Xây dựng hình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên sân khấu cải lương, vừa tạo ra niềm hứng thú vừa là thử thách đối với đạo diễn Triệu Trung Kiên. Cuộc đời của một vị vua anh minh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam sẽ được vị đạo diễn trẻ tái hiện với những cảnh diễn mang tính ước lệ và sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Triệu Trung Kiên về vở diễn này.

Từ cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông: Hun đúc ý chí tự cường dân tộc  ảnh 1
Tái hiện hình ảnh Phật hoàng

- PV: Dựng vở về cuộc đời nhân vật có tầm vóc lịch sử và vai trò lớn lao như vua Trần Nhân Tông, ê kíp thực hiện mong muốn truyền đến người xem điều gì, thưa đạo diễn?

Từ cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông: Hun đúc ý chí tự cường dân tộc  ảnh 2

- Đạo diễn Triệu Trung Kiên: Thật khó để có thể kể hết tầm vóc và công lao của Đức vua Trần Nhân Tông đối với non sông gấm vóc Việt. Thế nhưng, tôi và các nghệ sỹ của Đoàn 1 - Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn muốn kể lại với người xem về những gì được nghe về ngài qua vở cải lương “Vua Phật”. Dẫu biết rằng, những điều khắc họa trong tác phẩm về đức vua còn quá nhỏ bé so với công lao và đức hạnh ngài đã để lại cho hậu thế. Chúng tôi quyết tâm dàn dựng vở với mong muốn sẽ góp phần hun đúc ý chí độc lập tự cường của người dân Việt, động viên mỗi người hăng say lao động, góp phần xây dựng Tổ quốc vững mạnh, trường tồn xứng đáng với công đức của tiền nhân. 

- Nhận được sự giúp đỡ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên chắc đạo diễn sẽ lái vở diễn đi theo màu sắc tôn giáo nhiều hơn?

- “Vua Phật” là một bức tranh lịch sử tái hiện cuộc đời vua Trần Nhân Tông từ khi ông là một thái tử, vua, thái thượng hoàng, cho đến khi xuất gia và nhập niết bàn. Chính vì thế, hình ảnh đức vua không chỉ có bình diện Phật giáo, người khai sáng Thiền phái Trúc Lâm còn tồn tại đến ngày nay mà sẽ là tổng hợp của nhiều phương diện. Đó là vị vua anh minh, một nhà lãnh đạo tài ba, một nhà chính trị kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn, một bậc tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm. Yếu tố Phật giáo sẽ được xây dựng trong vở như một thành tố xây dựng nên hình ảnh của vua Trần Nhân Tông. 

Một nhân vật có tầm vóc lịch sử

- Với từng ấy phương diện về vua Trần Nhân Tông được xây dựng trong tác phẩm có thời lượng hơn 2 tiếng đồng hồ, đạo diễn có quá tham vọng?

- Các nghệ sỹ của Nhà hát Cải lương Việt Nam chỉ có tham vọng chuyển tải những nét tiêu biểu và cốt lõi nhất về vua Trần Nhân Tông. Những điều tôi và các nghệ sỹ dựng về ngài chỉ là những điều được nghe, được đọc lại và rất nhỏ bé so với công lao của đức vua đối với đất nước. Chúng tôi không hy vọng “Vua Phật” sẽ là một “pho sách” liệt kê hệ thống tư tưởng Phật giáo, công hạnh của vua Trần Trân Tông. 

- Đạo diễn có thể tiết lộ cảnh diễn nào sẽ hứa hẹn người xem đến với “Vua Phật”?

- Cảnh vua Trần Nhân Tông ngồi đàm đạo với người thầy của mình - Tuệ Trung Thượng Sỹ trong một am thiền là một màn làm tôi rất trăn trở. Hành động của nhân vật không nhiều nhưng buộc diễn viên phải thể hiện được vua Trần Nhân Tông đã giác ngộ đạo như thế nào, chiều sâu tư tưởng của đạo Thiền. Cảnh diễn có động trong tĩnh, có tĩnh trong động rất khó để xử lý nghệ thuật nhưng lại là một cảnh diễn hay, hấp dẫn khán giả.

- Đã có kinh nghiệm dựng vở lịch sử nhưng lần này có thể coi là thử thách hay niềm hứng thú với anh?

- Được dựng vở về vua Trần Nhân Tông, tôi nghĩ không phải ai cũng có cơ hội này. Một nhân vật có tầm vóc lịch sử như vậy, làm thế nào để tái hiện đúng theo cứ liệu lịch sử lại vừa đảm bảo tính nghệ thuật sẽ không hề dễ dàng với đạo diễn trẻ. Tôi cho đó là thử thách để tôi trưởng thành và mạnh dạn hơn với nhiều cách xử lý nghệ thuật. Đồng thời, việc dựng vở về vua Trần Nhân Tông còn là động lực để tôi khẳng định bản thân trên con đường chinh phục những thử thách. Nếu thành công, khán giả sẽ đón nhận vở diễn rất hồ hởi. Nhưng nếu thật bại, tôi sẽ… không để điều này xảy ra (cười). 

- Xin cảm ơn đạo diễn và chúc anh thành công!

Vở cải lương “Vua Phật”, tác giả Bùi Hữu Dược, đạo diễn Triệu Trung Kiên sẽ ra mắt vào cuối tháng 9-2015. Vở diễn được dàn dựng nhân kỷ niệm 707 năm Ngày vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn và được biểu diễn vào ngày giỗ Đức Phật Hoàng, sau đó sẽ được tổ chức biểu diễn tại các Trung tâm văn hóa Phật giáo, các đình chùa trên cả nước.