Trung Quốc tự tin tên lửa CJ-10 “ăn đứt” Nirbhay của Ấn Độ

ANTĐ -  Sau khi Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa hành trình cận thanh Nirbhay, có khả năng mang theo cả đầu đạn hạt nhân vào hôm 17-10, tờ Sina Military Network có trụ sở tại Bắc Kinh đã nhận định rằng Nirbhay vẫn còn thua xa tên lửa hành trình CJ-10 của Trung Quốc.

Theo tạp chí Kanwa Defense Review đã từng tiết lộ, tên lửa Nirbhay có tầm bắn từ 700 đến 1.000 km. Trong khi đó, như tên lửa Tomahawk của Mỹ, CJ-10 của Trung Quốc có thể tấn công mục tiêu trong bán kính 2.500 km. Ngoài ra, được thiết kế để trở thành tên lửa tốc độ siêu thanh, tốc độ của CJ-10 cũng nhanh hơn nhiều so với Nirbhay.

                                        Tên lửa CJ-10 trên bệ phóng lưu động

Một điểm cộng khác của CJ-10 chính là ở giá thành sản xuất của nó rẻ hơn nhiều so với tên lửa của những nước khác. Giá cho một tên lửa CJ-10 được ước lượng vào khoảng 175.000 USD. Với giá thành không quá cao, tờ Sina Military Network cho rằng tên lửa này hoàn toàn có thể xuất khẩu số lượng lớn sang những nước đồng minh và đối tác an ninh lớn của Trung Quốc. 

Tên lửa CJ-10 có khả năng để tìm, nhận dạng, xác định vị trí của mục tiêu vô cùng chính xác. Nó có thể được dùng để để tấn công các tàu chiến hoặc tiêu diệt mục tiêu trên đất liền.

                           Tên lửa Nirbhay trong lần phóng thử gần đây nhất

Cả Nirbhay và CJ-10 đều có thể phóng từ bệ phóng lưu động, tàu khu trục hoặc thậm chí là các máy bay chiến đấu hay máy bay ném bom.

Ấn Độ đang tập trung vào phát triển nhiều loại tên lửa với tầm bắn khác nhau. Nhờ sự giúp đỡ từ Nga, Ấn Độ đã bắt đầu phát triển tên lửa siêu thanh BrahMos từ năm 2005. Tuy nhiên, tầm bắn của tên lửa này không thể vượt quá 300 km, trong khi tên lửa tấn công Babur của Pakistan cũng đã có tầm bắn từ 700 đến 1.000 km.

Avinash Chander, trưởng phòng kĩ thuật phụ trách nghiên cứu và chế tạo các tên lửa đạn đạo thuộc dòng Agni của Ấn Độ cho biết, nước này đang cố gắng tự phát triển những mẫu tên lửa của riêng mình và sẽ ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu tên lửa từ các nước khác vào năm 2022.