Thuê người chặt tay, chân để đòi bảo hiểm có bị xử lý?

ANTD.VN - Khoảng 0h5 ngày 5-5, Công an quận Bắc Từ Liêm nhận được tin báo của người dân về vụ tai nạn giao thông đường sắt tại khu gian Hà Đông - Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Thuê người chặt tay, chân để đòi bảo hiểm có bị xử lý? ảnh 1

Nội dung vụ việc:

Nạn nhân là chị Lý Thị N. (SN 1986, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội), được đưa đến Bệnh viện 19-8 trong tình trạng cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái, bàn tay và bàn chân đã bị đứt rời và được nối lại sau đó. Sau nhiều ngày điều trị, chị N. xin chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Tại đây, chị N. phải tháo bỏ phần bị đứt rời do vết thương đã hoại tử.

Theo trình bày của chị N., nguyên nhân bắt nguồn từ chuyện gia đình nên chị đi lang thang và bị tàu hút vào, dẫn đến bị tai nạn và được anh Doãn Văn D. (SN 1995, ở huyện Phúc Thọ) đi ngang qua giúp đỡ. Quá trình điều tra vụ việc, cơ quan điều tra phát hiện có nhiều điểm nghi vấn, đã điều tra và xác định chị N. và anh D. có quen biết nhau.

Sau nhiều lần làm việc với cơ quan điều tra chị N. thừa nhận đã thuê D. chặt tay, chân của mình để có thể được thanh toán số tiền 3,5 tỷ đồng từ bảo hiểm nhân thọ đã mua. 

Câu hỏi đặt ra là Lý Thị N. và Doãn Văn D. có bị xử lý hình sự không, nếu có thì theo tội danh nào?

 Bình luận của luật sư 

Hành vi của Lý Thị N. chưa cấu thành tội phạm

Theo quy định của pháp luật trục lợi bảo hiểm có những hình thái riêng thể hiện ở 5 hành vi chủ yếu.

Thứ nhất, mua bảo hiểm khi tổn thất đã xảy ra.

Thứ hai là thay đổi hiện trạng, hiện trường để hợp thức hóa thời gian, địa điểm, nguyên nhân, mức độ thiệt hại từ phạm vi không được bảo hiểm thành phạm vi thuộc trách nhiệm doanh nghiệp bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm như: Tử vong do bệnh tật khai báo thành tử vong do tai nạn để đòi bồi thường…

Thứ ba, không có tổn thất nhưng khai báo tổn thất để được bồi thường.

Thứ tư là khai tăng hoặc làm lớn thiệt hại để đòi bồi thường.

Thứ năm là tự hủy hoại tài sản, thân thể để được bồi thường. Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 cũng đã đưa một số hành vi trục lợi, gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm vào BLHS, thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, mục Các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Cụ thể: Điều 213 - Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; Điều 214 - Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Điều 215 - Tội gian lận bảo hiểm y tế. Điều 216 - Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. 

Trong vụ việc này, Lý Thị N. đã tự gây thiệt hại sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm. Hành vi của Lý Thị N. đã có dấu hiệu của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm quy định tại điều 213 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: … d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác”.

Tuy nhiên, vì BLHS 2015 chưa có hiệu lực thi hành, nên không thể áp dụng điều luật này để xử lý. Do đó cần áp dụng Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi 2009 đang có hiệu lực hiện nay. Cụ thể hành vi của Lý Thị N. đã có dấu hiệu của việc dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Theo Khoản 4, Khoản 5 Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Lý Thị N. đã có hành vi thuê người khác hủy hoại sức khỏe của mình để trục lợi bảo hiểm. Tuy nhiên, trong vụ việc này do cơ quan công an phát hiện kịp thời và làm rõ nên Lý Thị N. đã không đạt được mục đích trục lợi số tiền bảo hiểm nhân thọ, do đó hậu quả chiếm đoạt tài sản (trục lợi bảo hiểm) chưa xảy ra. Theo quy định của pháp luật, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có hậu quả chiếm đoạt đã xảy ra mới có thể xử lý.

Còn nếu như tài sản chưa chiếm đoạt được thì chưa cấu thành tội phạm. Nếu phía công ty bảo hiểm thanh toán khoản bảo hiểm thì từ thời điểm nhận được tiền, hành vi của Lý Thị N. mới bị coi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì Lý Thị N. chưa thực hiện được việc trục lợi nên chưa cấu thành tội phạm theo quy định và sẽ không bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 BLHS hiện hành.

Một số ý kiến cho rằng có thể xử phạt hành chính đối với N. về hành vi “Báo tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và một số lĩnh vực khác, tuy nhiên, theo tôi, việc báo tin là do Doãn Văn D. thực hiện nên không thể xử phạt đối với N. về hành vi báo tin giả được.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)

Không có căn cứ khởi tố nếu không có đơn yêu cầu

Doãn Văn D. là người được Lý Thị N. thuê để chặt tay chân của mình nhằm mục đích có thể được thanh toán số tiền 3,5 tỷ đồng từ bảo hiểm nhân thọ đã mua. Trên cơ sở nội dung của vụ việc, tùy từng trường hợp Doãn Văn D. có thể sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự ở 2 tội danh sau: Nếu có sự bàn bạc thống nhất trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản (bàn bạc về việc chặt tay chân, giả bị tai nạn để được nhận bảo hiểm và được trả thù lao từ việc chặt tay chân ấy) thì có thể bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm.

Nếu Doãn Văn D. chỉ đơn thuần được thuê, nhờ chặt tay, chân của Lý Thị N., sau đó đi báo công an về việc tai nạn, không có bàn bạc về thỏa thuận ăn chia lừa đảo thì có thể bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. 

Trong trường hợp thứ nhất, việc Lý Thị N. thuê người chặt tay, chân mình nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm đã thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nếu Doãn Văn D. biết rõ động cơ, mục đích của việc này là nhằm trục lợi bảo hiểm nhưng vẫn làm theo thì có thể cũng bị xác định phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm. Tuy nhiên, vì Lý Thị N. chưa thực hiện được việc trục lợi nên sẽ không bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 BLHS hiện hành. Do đó D. cũng không bị xử lý về tội này với vai trò đồng phạm. 

Trong trường hợp thứ hai, có thể thấy, dù Doãn Văn D. được Lý Thị N. nhờ hay thuê để chặt tay, chân mình thì hành vi của D. vẫn là cố ý gây thương tích. Đây là lỗi cố ý trực tiếp. Doãn Văn D, buộc phải nhận thức được hành vi dùng dao tác động vào chân tay người khác là trái pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng D. lại phải theo quy định pháp luật. Nếu Cơ quan CSĐT - Công an quận Bắc Từ Liêm khởi tố Doãn Văn D. về hành vi “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo điều 104 Bộ luật Hình sự thì đây thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nghĩa là Lý Thị N. hoặc người đại diện hợp pháp phải có đơn yêu cầu khởi tố Doãn Văn D. Khi có đơn, Lý Thị N. phải đi giám định để các cơ quan chuyên môn xác định tỉ lệ thương tật theo quy định của pháp luật. Sau khi giám định thì tỉ lệ thương tật của Lý Thị N. sẽ là căn cứ để xử lý đối tượng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này, do Lý Thị N. và gia đình không có đơn yêu cầu điều tra nên Cơ quan CSĐT không có căn cứ khởi tố điều tra đối với Doãn Văn D. về hành vi chặt chân tay chị N. 

Đối với Lý Thị N. có thể thấy trên phương diện pháp lý, Lý Thị N. là “đồng phạm” với người gây thương tích cho chính mình với vai trò là người tổ chức. Tuy nhiên, hành vi gây thương tích cho chính mình hoặc thuê người khác gây thương tích cho chính mình không phải là tội phạm nên Lý Thị N. không thể là đồng phạm với người có hành vi gây thương tích. Do vậy, Lý Thị N. không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Luật Sư Phạm Quốc Anh (Văn phòng Luật sư Quốc Thái)