Kịch bản "hoàn hảo" của người phụ nữ trục lợi bảo hiểm hụt

ANTD.VN - Phải đến bản khai thứ ba, Lý Thị N. (SN 1986) trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, mới thừa nhận hành vi thuê người chặt tay, chân của chính mình để được thanh toán quyền lợi của 3 gói bảo hiểm mà N. đã mua trước đó.

Kịch bản "hoàn hảo" của người phụ nữ trục lợi bảo hiểm hụt ảnh 1Lý Thị N. viết tường trình tại cơ quan công an

2 tháng mua 3 gói bảo hiểm

Để chuẩn bị cho kế hoạch, từ tháng 1-2016, N. đã mua 2 hợp đồng bảo hiểm của Công ty bảo hiểm P., 1 hợp đồng trị giá 10 triệu đồng/năm, 1 hợp đồng trị giá 20 triệu đồng/năm. Sau đó khoảng 1 tháng, N. tiếp tục mua 1 hợp đồng bảo hiểm khác của Công ty B. Theo nội dung bản hợp đồng với công ty B., nếu N. bị thương tật vĩnh viễn khi bị mất 1 tay hoặc 1 chân, sẽ được đền bù khoảng 1 tỷ đồng, còn với 1 trong 2 hợp đồng bảo hiểm của Công ty P., N. sẽ được đền bù khoảng 1,9 tỷ đồng. Tổng cả 3 hợp đồng bảo hiểm, nếu xác định bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông gây ra, N. có thể nhận tổng số tiền khoảng 3,5 tỷ đồng.

Với cả 3 hợp đồng bảo hiểm, N. mới đóng 1 tháng với tổng số tiền khoảng 13 triệu đồng và đến ngày 4-5, sau khi nhận được sự đồng ý của Doãn Văn D. (SN 1995), là một người quen của N., 2 người đã thực hiện kế hoạch chặt tay, chân N. tại khu vực đường tàu trên địa bàn phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Để đảm bảo việc tự thương của mình không bị người khác phát hiện, N. đã theo dõi lịch chạy tàu về khu vực ga Phú Diễn và chọn thời điểm lúc nửa đêm, tại khu vực dân cư thưa thớt nhưng gần trụ sở CAQ Bắc Từ Liêm để tiện việc trình báo và... cấp cứu. Ngoài ra, N. còn nghiên cứu rất kỹ các điều kiện, nắm rõ thông tin thương tật ở vị trí nào trên tay, chân thì mới được nhận quyền lợi bảo hiểm và chỉ rõ cho Doãn Văn D. chặt vào đó. 

Sự việc đúng như N. dự định, lúc 23h45 ngày 5-5 khi đoàn tàu từ hướng Xuân Phương đi về ga Phú Diễn chỉ còn cách địa điểm N. lựa chọn khoảng 100m, thì N đã nằm song song với đường sắt, kê tay trái và chân trái lên đường ray để D. dùng con dao chặt xương dài khoảng 40cm, bản rộng khoảng 8cm do N. chuẩn bị từ trước chặt một nhát vào tay trái và chân trái theo đúng vị trí N. đã đánh dấu. Trước khi hành động, N. dặn D. là “chặt nhanh, dứt khoát cho đỡ đau”, sau đó đặt phần chân, tay rời ra lên đường sắt để khi tàu hỏa đi qua sẽ nghiến vào phần chân, tay này tạo nên hiện trường “chuẩn” một vụ tai nạn đường sắt. 

Sau khi D. chặt đứt rời tay, chân, N. lăn vào bụi cỏ ven đường bất tỉnh, còn D. làm theo lời dặn của N., núp vào một bụi cây gần đó. Khi đoàn tàu chạy qua, D. chạy vào CAQ Bắc Từ Liêm trình báo.

“Đạo diễn” tồi của một kịch bản hy hữu

Với mục đích duy nhất là trục lợi tiền bảo hiểm, liên tiếp trong 2 bản khai khi làm việc với cơ quan công an, N. đã tự tạo ra những câu chuyện ly kỳ. Ở bản khai đầu tiên khi làm việc tại bệnh viện (như ANTĐ đã đưa tin), N. nói mình bị tàu hút vào đường ray và xảy ra tai nạn. Tại bản khai thứ hai, N. sợ cơ quan công an phát hiện mình dựng hiện trường giả vụ tai nạn, nên đã bịa ra câu chuyện… gặp cướp. 

Theo bản khai này, N. cho biết mình đi theo đường tàu từ Xuân Phương về Cầu Diễn. Trên đường đi, bất ngờ bị một vật gì đập mạnh từ đằng sau và ngất đi. Khi tỉnh dậy thì thấy bàn tay và bàn chân trái đã bị lìa ra khỏi người, máu chảy rất nhiều và thấy có một đoàn tàu hỏa chạy qua đã được 1-2 toa. Ở bản khai đầu tiên, N. khẳng định D. chỉ là nhân chứng tình cờ đi ngang qua, thấy N. kêu cứu thì báo công an. Nhưng ở bản khai này, N. lại khai D. là bạn và gọi điện thoại cho anh ta đến để cứu.

Trong vụ việc này, N. khai bị mất tài sản là 1 chiếc điện thoại di động và sợi dây chuyền vàng tây, tổng trị giá khoảng 2,5 triệu đồng. Mặc dù đến trình báo bị cướp và bị gây thương tích, nhưng N. không yêu cầu cơ quan công an điều tra, tìm ra thủ phạm, mà nguyện vọng duy nhất là được đi... khám thương, xác định mức độ tổn hại sức khỏe. 

Vậy động cơ nào đã khiến người phụ này nhờ người khác chặt tay, chân mình? Theo lời khai của Lý Thị N, trước khi xảy ra vụ việc (ngày 4-5), N. mắc nợ một vài người họ hàng với tổng số tiền khoảng 240 triệu đồng và không có khả năng chi trả. Trong lúc túng quẫn, N. đã nhớ tới  trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có điều khoản nếu người mua bảo hiểm bị tai nạn thương tật dẫn tới việc bị mất 1 bàn chân hoặc 1 bàn tay, sẽ được một số tiền rất lớn, nên đã nghĩ ra cách nhờ Doãn Văn D. thực hiện vụ việc gây chấn động dư luận.

Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Phùng Đắc Lộc: “Tôi cũng rùng mình không dám tin“

Qua theo dõi tôi thấy đây là hành vi trục lợi bảo hiểm mới với phương thức dàn xếp rất tinh vi, phức tạp, có tính tổ chức và số tiền bảo hiểm mà đối tượng dự định chiếm đoạt rất lớn. Bản thân tôi cũng rùng mình, không dám tin một phụ nữ trẻ mới 30 tuổi dám thuê người chặt chân, chặt tay mình nhằm trục lợi bảo hiểm như vậy. Tuy nhiên, đây không phải là vụ việc đầu tiên xảy ra ở nước ta mà thực tế từng có một số vụ với thủ đoạn tinh vi không kém và đang có xu hướng gia tăng.

Thị trường bảo hiểm tại Việt Nam mới phát triển khoảng hơn 10 năm nay (hiện có 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, khoảng 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ) và tiềm năng phát triển còn rất lớn. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đều có ý thức chống các hành vi, thủ đoạn trục lợi bảo hiểm từ khách hàng và trong chính nội bộ doanh nghiệp, thể hiện qua việc xây dựng các quy trình khai thác bảo hiểm, giám định, bồi thường, rồi quy trình kiểm soát nội bộ rất chặt chẽ. Cụ thể, khi khách hàng tham gia bảo hiểm xảy ra sự cố tai nạn, nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chuyển qua bộ phận pháp chế xem xét, giám định, tự điều tra và nếu có dấu hiệu nghi vấn thì chuyển cơ quan công an đề nghị phối hợp làm rõ. 

Tuy vậy, theo quy định pháp luật, khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm (liên quan đến tính mạng, sức khỏe) thì trong vòng 15 ngày doanh nghiệp bảo hiểm phải trả lời cho khách hàng (thêm 30 ngày nếu có điều tra) và nếu không điều tra được hoặc đưa ra bằng chứng “yếu” thì doanh nghiệp phải giải quyết bồi thường cho khách hàng. Vì thế, nhiều kẻ đã lợi dụng kẽ hở này để trục lợi quỹ bảo hiểm.

Một số đối tượng mua bảo hiểm sẵn sàng làm mọi thứ để trục lợi bảo hiểm vì lợi ích thu được rất lớn nếu thành công. Họ bỏ vốn ra 1 đồng thì có thể thu lợi gấp hàng 100, hàng 1.000 lần. Mờ mắt vì tiền, nhiều đối tượng sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn để tìm cách trục lợi.

Chẳng hạn, cách đây khá lâu, đã xảy ra vụ ông Vũ Q.U. (ở Hải Dương) tự tạo ra kịch bản bị tai nạn giao thông (tự ngã) rồi kêu người tới làm chứng, sau đó đến một cơ sở y tế xin cắt chân và nộp hồ sơ đòi thụ hưởng bảo hiểm.

Tuy nhiên, trong quá trình giám định, doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn vì trước khi bị tai nạn khách hàng này đã mua bảo hiểm nhân thọ của 3 doanh nghiệp khác nhau (nguyên tắc là các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bán bảo hiểm nhân thọ cho người chưa mua bảo hiểm ở doanh nghiệp nào khác) với số tiền đóng bảo hiểm 15 triệu đồng/tháng (quá cao so với một giáo viên đã nghỉ hưu).

Đặc biệt, trước đó, vì mắc bệnh chân voi, khách hàng này đã từng đến một số bệnh viện làm đơn xin cắt chân nhưng không được chấp thuận. Cuối cùng, Công an tỉnh Hải Dương đã vào cuộc và kết luận “không có cơ sở chứng minh đây là một vụ tai nạn giao thông”.

Gần đây, có vụ một khách hàng tối hôm trước về Hà Nội mua bảo hiểm nhân thọ thì sáng hôm sau bị tai nạn tử vong ở Quảng Ninh, trong túi của nạn nhân có phiếu kê khai và thu phí mua bảo hiểm.

Song khi giám định, hãng bảo hiểm phát hiện trên hệ thống phần mềm quản lý của họ chưa nhập dữ liệu thể hiện hợp đồng mua bảo hiểm của khách hàng nói trên đã được ký kết nên đã đề nghị Viện Khoa học kỹ thuật hình sự vào cuộc. Qua đó phát hiện các chữ ký liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, biên lai nộp phí bảo hiểm… của khách hàng này không cùng một người ký, tức là hồ sơ giả và hãng đã không bồi thường. 

Trong một trường hợp khác, một khách hàng ở Phú Thọ mua bảo hiểm nhân thọ cho chồng mình tại 5 doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau với số tiền từ 300-500 triệu đồng/ 1 hợp đồng (với mức tiền tham gia này, khách hàng không cần phải khám sức khỏe lần đầu).

Một tháng sau, người chồng tử vong. Khi giải quyết bồi thường, các doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện khách hàng này đã bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối từ trước khi tham gia bảo hiểm. Với chứng cứ rõ ràng, cuối cùng người vợ phải rút đơn đòi thụ hưởng bảo hiểm…

Từ những vụ việc trên, nhất là sau khi xuất hiện hành vi trục lợi mới ở vụ người phụ nữ thuê người chặt tay, chân của mình để giả tai nạn, muốn tránh trục lợi bảo hiểm, một mặt cơ quan chức năng phải tăng cường tuyên truyền vận động người dân ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm (điều 213 Bộ luật Hình sự).

Cũng theo quy định này, các cơ quan liên quan phải vào cuộc nghiêm túc, phải phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng trong xác minh hồ sơ đề nghị bồi thường bảo hiểm, vì nếu xác minh không đúng là vi phạm pháp luật và cũng sẽ bị xử lý. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải tự nâng cao ý thức phòng vệ hơn nữa. 

Tôi muốn nhấn mạnh, để xảy ra trục lợi bảo hiểm không phải doanh nghiệp bảo hiểm chịu thiệt, họ không thiệt gì cả mà chính những người tham gia bảo hiểm khác sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi, bởi tiền bảo hiểm chi cho bồi thường khách hàng chính là trích từ quỹ, từ phí bảo hiểm do các khách hàng khác cùng đóng.