“Thiên đường” khó tới

ANTĐ - Làng Nea Vyssa nhỏ bé là cửa ngõ chính để vào Hy Lạp của dân nhập cư lậu vì bọn “cò” ra giá ở khu vực này khá mềm, chỉ khoảng 400 - 600 euro, trong khi nếu đi bằng đường biển để đến các đảo phải mất gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Dân nhập cư lậu tại một nhà ga ở Athens, Hy Lạp

Nhóm người đàn ông ướt sũng đứng nép mình tại nhà ga ở làng Nea Vyssa,  đông bắc Hy Lạp. Oyud Mina, 20 tuổi, Yousuf, 34 tuổi và 7 thanh niên Bangladesh vừa nhập cư lậu vào châu Âu. Khi đó là 7h sáng, thời tiết lạnh khiến họ run lẩy bẩy, một người bị thương, máu chảy trên mặt.

Đêm trước đó, những người này đã liều mình băng qua con sông Evros (còn được biết đến với tên Maritsa) chia tách Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, trên một chiếc xuồng cao su nhỏ. Khi thấy tàu cảnh sát xuất hiện, họ vội nhảy xuống sông. Cảnh sát cố gắng vây bắt nhưng không thành, những người nhập cư đã sang tới bờ bên kia, đặt chân lên đất châu Âu.

Trong hàng tháng trời, Oyud cùng nhóm bạn đã vượt biển, băng qua sa mạc và các dãy núi, dù phải chịu đói, khát, thời tiết khắc nghiệt với hy vọng có được cuộc sống tốt đẹp hơn ở trời Âu. 

Hành trình gian nan

Oyud Mina đến từ thành phố Sylhet ở đông bắc Bangladesh. Với thu nhập bình quân đầu người hàng năm chừng 680USD, Bangladesh là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Oyud là một đứa trẻ mồ côi có 1 chị gái đã lập gia đình. Oyud cho biết, cậu tới Dubai khi mới 15 tuổi, làm nghề thợ sơn tại các công trường xây dựng, và kiếm được 100 dirhams (khoảng 27USD) một ngày. 

Một hôm, Oyud nhận được lời gạ gẫm rằng nếu trả trước 1.000USD, anh sẽ được đưa sang châu Âu. Ngày 22-2-2012, Oyud lên chiếc xe chở chật ních người, đi về phía nam. Tại một chốt kiểm soát, họ buộc phải xuống xe và đi bộ hàng tiếng đồng hồ trên sa mạc. Sau khi tới thành phố cảng Muscat của Oman, 28 người đàn ông được đưa tới một khu lều trại ở tỉnh Balochista, phía tây Pakistan giáp biên giới với Iran. Tại đây, những kẻ buôn người đòi thêm 3.000USD để tiếp tục hành trình. “Chúng đánh đập và dọa sẽ bán chúng tôi cho mafia, những kẻ sẵn sàng giết hại để lấy nội tạng”, Oyud kể. 

Phải mất 2 tuần sau, chị gái của Oyud mới chuyển tiền sang. Họ tiếp tục đi trong đêm tối để vượt qua lãnh thổ Iran. Có lần, các binh sĩ bắt gặp họ và nổ súng, Oyud phải vùi mình trong tuyết và nín thở mới may mắn thoát nạn. Nhưng 3 người trong đoàn thiệt mạng. 

Sau khi vượt qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm Oyud nhận được hộ chiếu giả. Trong suốt hành trình 24 giờ, họ đi qua một số chốt kiểm soát mà không gặp vấn đề gì. Tới Thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, Oyud được yêu cầu phải trả thêm 3.500USD nữa để tiếp tục hành trình. 

Sau vài tuần chờ đợi, đêm 20-4, họ bắt đầu khởi hành trong một nhóm gồm 9 người tới bờ sông Evros. Từ đây, có thể nhìn thấy Hy Lạp, và chỉ cần vài phút đi bộ qua cầu là có thể sang tới bờ bên kia. Nhưng do lính canh phòng dày đặc, nhóm Oyud phải đợi đêm xuống mới dám lên xuồng cao su vượt sông.

Làng Nea Vyssa nhỏ bé là cửa ngõ chính để vào Hy Lạp của dân nhập cư lậu, thu hút khoảng 90% lượng người nhập cư trái phép vào châu Âu theo tuyến đường này. Vào ngày cao điểm, số người có thể lên tới 500. Giống như Oyud, hàng nghìn người từ Afghanistan, Pakistan, Iran, Syria và châu Phi cũng tìm cách vượt sông Evros để vào châu Âu với ước mơ đổi đời. 

Nỗ lực ngăn chặn

Chính quyền Hy Lạp cho biết, kể từ năm 2006, tổng cộng 100.000 người nhập cư trái phép vào nước này mỗi năm. Do thiếu nhân lực trầm trọng nên đơn xin tị nạn của người nhập cư được giải quyết hết sức chậm chạp. Người tị nạn nhận được rất ít sự hỗ trợ từ chính quyền Hy Lạp và họ sống chủ yếu nhờ vào thực phẩm của các tổ chức nhân đạo hay siêu thị. Các khu trại tị nạn của khu vực ở Nea Vyssa hiện đều quá tải. Trong lúc chờ đợi bị trục xuất, người lớn, trẻ em bị nhốt trong những điều kiện rất tệ. Hàng nghìn người tị nạn mắc kẹt tại Hy Lạp càng khiến tình hình xã hội Hy Lạp thêm căng thẳng trong bối cảnh nước này đang ngập trong tình trạng nợ công.

Theo Hiệp định Dublin II, nước chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ xin lưu trú của người nhập cư là nơi đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) mà họ đặt chân đến. Quy định này nhằm buộc các quốc gia thành viên như Hy Lạp phải hết sức nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ khu vực biên giới nước mình. Nhưng kể từ khi Hy Lạp bất lực trước làn sóng dân nhập cư trái phép từ châu Á và châu Phi, nước Đức phải đối phó với số người này tăng vọt. Năm 2011, số người nhập cư trái phép vào Đức tăng 18,6%, tức 21.156 người; và khoảng 45.741 người xin tị nạn ở nước Đức, tăng 11% so với năm 2010. 

Tình hình báo động đến mức Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich kêu gọi có những quy định hạn chế mới đối với việc tự do đi lại bên trong EU cũng như có các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời khi một quốc gia thành viên không đủ khả năng bảo vệ vùng biên giới của mình. 

Đức đã gửi nhiều sĩ quan cảnh sát liên bang đến Hy Lạp để theo dõi những đối tượng đáng ngờ ở sân bay hay bến tàu của Hy Lạp. Bên cạnh đó, mọi chuyến bay từ Hy Lạp tới Đức đều được giám sát hết sức chặt chẽ. Theo kế hoạch của Bộ trưởng Nội vụ Đức, Hans-Peter Friedrich, Liên minh châu Âu sẽ xây dựng tường rào chắn biên giới dài 10km trị giá gần 4 triệu USD nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư từ những nước nghèo vào châu lục này, giống như bức tường biên giới ngăn cách Mỹ với nước Mexico láng giềng. Ngoài ra, một đội quân robot và máy bay do thám không người lái cũng sẽ được xem xét triển khai bảo vệ các vùng biên giới của EU trong tương lai.  

Trong khi châu Âu nín thở theo dõi những tác động lan truyền khủng hoảng nợ công từ Hy Lạp thì hiện tượng nhập cư “giá mềm” này lại tăng thêm sức ép, khó khăn cho “lục địa già”.