Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký giải “Cây bút vàng” lần thứ 3:

Sức hút tiềm tàng của đề tài về lực lượng Công an

ANTD.VN - Chiều qua 3-4, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký giải “Cây bút vàng” lần thứ 3, giai đoạn 2015-2017. Đến dự lễ trao giải có Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện các cơ quan của Bộ Công an và đông đảo nhà văn, nhà thơ. 

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an trao giải Nhì cho các tác giả, nhà văn đạt giải

Nối tiếp thành công của hai cuộc thi “Cây bút vàng” lần thứ nhất và lần thứ hai, cuộc thi “Cây bút vàng” lần thứ 3 đã thu hút tác hơn 200 tác phẩm gửi về dự thi ở cả 3 thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn và ký. Trong đó, truyện ngắn và ký chiếm số lượng 163 tác phẩm, còn lại là 38 tác phẩm tiểu thuyết. 

Phát biểu tại lễ trao giải, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi gặp mặt các cây bút đã luôn quan tâm, đồng hành cùng lực lượng Công an nhân dân. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành tin tưởng, các nhà văn, nhà thơ sẽ dành tất cả tâm trí, tình cảm để tiếp tục tạo nên những tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật, phản ánh sinh động về cuộc chiến đấu thầm lặng, gian khổ nhưng oanh liệt, vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cũng tin rằng các tác phẩm đó sẽ góp phần tuyên truyền để nhân dân và bạn đọc cả nước tin tưởng, ủng hộ và đồng hành cùng lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và Ban tổ chức, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cũng đã phát động cuộc thi “Cây bút vàng” lần thứ 4, giai đoạn 2018-2020. 

Trở lại với cuộc thi “Cây bút vàng” lần này, mặc dù hội đồng chấm chọn không chọn ra được tác phẩm nào để trao giải Nhất ở cả 3 thể loại: tiểu thuyết, ký và truyện ngắn song mỗi tác giả đều gửi gắm ở tác phẩm của mình sự nhiệt huyết cùng tài năng, trí tuệ và tình yêu dành cho những người chiến sỹ trong lực lượng CAND. Nhiều tiểu thuyết dự thi với dung lượng đồ sộ về số lượng nhân vật cũng như số trang của tác phẩm.

Đặc biệt, có một số tác giả còn gửi nhiều tác phẩm dự thi, ở nhiều thể loại từ tiểu thuyết đến truyện ngắn và ký. Dù hình thức và thể loại dự thi khác nhau, song điểm chung tìm thấy ở các cây bút tham dự cuộc thi  lần này là sự nhiệt tình hưởng ứng, là tình yêu đối với đề tài vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, và với việc xây dựng hình tượng người chiến sỹ Công an. 

Cũng tại lễ trao giải, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - Trưởng ban tổ chức cuộc thi bày tỏ sự trân trọng và biết ơn đối với tình cảm yêu mến và sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà văn, các tác giả có tác phẩm gửi về tham dự cuộc thi. Theo đại diện Ban tổ chức, các tác phẩm dự thi được sàng lọc qua 2 hội đồng chấm thi là Ban sơ khảo và Chung khảo gồm các nhà văn, nhà phê bình tên tuổi, có uy tín, làm việc khách quan, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao. 

Kết quả cuối cùng, giải Nhì thể loại tiểu thuyết đã được trao cho tác phẩm “Đặc biệt nguy hiểm” của tác giả Nguyễn Như Phong; giải Nhì thể loại ký đã thuộc về tác phẩm “Ký ức thời con gái” của tác giả Nguyễn Thị Cùng và tác phẩm “8  năm 4 tháng 24 ngày” của tác giả Lê Duy Nghĩa. Riêng giải Nhì thể loại truyện ngắn được bỏ trống vì không chọn ra được tác phẩm nào. 

Đặc biệt, với tác phẩm “Kiên quyết không bắt” của Thượng tá Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô đã giành giải Khuyến khích thể loại truyện ngắn cuộc thi. 

Cuộc thi cũng ghi nhận sự tham gia của tác giả Nguyễn Đức Nguyên, người được ví von là đi thẳng từ trại giam tới trại sáng tác văn học của cuộc thi lần này. Anh cho biết, hơn ai hết, tác giả thấm thía được tính nhân văn của cuộc thi “Cây bút vàng” lần thứ 3. 

Nhờ sự động viên của các nhà văn Công an, một người từng lẫm lỡ như anh đã biết đứng lên và khẳng định mình. Dù tác phẩm đầu tay, tiểu thuyết “Núi mẹ” không tránh khỏi những non nớt trong văn chương nhưng đó là những tình cảm chân thật anh muốn chia sẻ với mảnh đất biên cương đã nuôi dưỡng anh. Nhà văn Nguyễn Đức Nguyên khẳng định, anh sẽ tiếp tục sáng tác về những người chiến sỹ Công an để xứng đáng với vòng tay dang rộng mà những người anh, người chị mặc sắc phục đã dành cho nhà văn. 

Thượng tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô: Văn chương thật như cuộc sống của các chiến sỹ công an

Sức hút tiềm tàng của đề tài về lực lượng Công an ảnh 2Ban tổ chức trao giải Khuyến khích cho các tác giả đạt giải

Xuất thân là một chiến sỹ công an rồi sau đó chuyển sang làm báo, trong quá trình công tác của mình, tôi đã được tiếp xúc với nhiều chiến công, nhiều thân phận của các chiến sỹ công an và thấu hiểu về công việc của các chiến sỹ ấy.

Đó là chất liệu dày dặn giúp tôi viết nên truyện ngắn “Kiên quyết không bắt” viết về công việc thường ngày của chúng tôi. “Bắt cũng được, không bắt cũng được, thì kiên quyết không bắt” - một phương châm của công tác công an lúc nào cũng nóng hổi, dù đã có rất lâu rồi. Vì phía sau những lệnh bắt là những số phận, những cuộc đời có thể đổi thay và rẽ sang hướng khác… Không màu mè, văn chương trong “Kiên quyết không bắt” thật như cuộc sống của những người chiến sỹ công an. Điều đọng lại với bạn đọc sau câu chuyện là tính nhân văn.