Sau 7 lần sửa đổi thông tư: Vẫn bối rối với ảnh “nuy”

ANTĐ - Quản lý phát tán ảnh nude trên mạng là điểm nóng của Hội thảo góp ý về thông tư quy định một số hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh vừa diễn ra tại Hà Nội. Cho dù đã trải qua 7 lần sửa đổi nhưng thông tư khó có thể đưa “đứa con bất trị” là ảnh nude vào khuôn khổ.

Tác phẩm “Sóng đỏ” của NSNA Thái Phiên

Bộ VH-TT & DL cần định hướng về ảnh nude

Sau khi tiến hành ở TP.HCM, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm tiếp tục xin ý kiến các nhà quản lý và các nghệ sỹ nhiếp ảnh miền Bắc để hoàn thiện thông tư. Ngay lời phát biểu mở màn của hội thảo, họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh đã chỉ ra cái khó khăn của việc sửa chữa thông tư đó là:  “Văn bản Nhà nước quản lý hữu hạn trong lãnh thổ Việt Nam nhưng lại dùng để quản lý cái vô hạn - mạng internet”. Cho dù luôn là tâm điểm của các cuộc góp ý kiến cũng như nhận được sự quan tâm của đặc biệt dư luận, nhưng việc “quản lý ảnh khỏa thân trên mạng” vẫn không thể có mặt trong một mục hay chương cụ thể nào của Dự thảo thông tư. Và lần này, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm quyết đưa việc quản lý ảnh nhạy cảm này vào một mục riêng của chương 5: “Sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh trên các phương tiện truyền thông”.

Khi các nhà quản lý đề cập tới lĩnh vực ảnh nude, cũng là lúc hội thảo bắt đầu trở nên nóng trước các bức xúc của nghệ sỹ nhiếp ảnh. Nghệ sỹ Việt Văn cho biết, là người trong nghề nhưng anh cũng không thể phân biệt rạch ròi giữa 2 khái niệm “ảnh nude nghệ thuật” và “ảnh nude gợi dục”.  Thêm nữa, việc quản lý ảnh nude trên mạng rất khó. Nên chăng chỉ xử lý các trường hợp phát tán hình ảnh hở các bộ phận nhạy cảm? Việt Văn cũng cho rằng  - việc thành lập hội đồng nghệ thuật còn quy định quá chung chung. Để thẩm định được bức ảnh là nude nghệ thuật hay nude gợi dục cần một hội đồng được quy định thật cụ thể là từ 5 đến 7 người có kinh nghiệm từ 15 năm trở lên và am hiểu lĩnh vực nhiếp ảnh. Nối tiếp ý kiến này của NSNA Việt Văn là NSNA Hùng Cường kiến nghị Bộ VH-TT&DL đứng ra lập một website chỉ dẫn cho công chúng biết 2 loại hình ảnh khỏa thân thông dụng hiện nay trên thế giới và từ đó, công chúng sẽ có trách nhiệm với tác phẩm của mình đăng trên website.

Cục trưởng Vi Kiến Thành cũng tán đồng với các nghệ sỹ về việc cần làm rõ định nghĩa về ảnh nude nghệ thuật. Để quản lý chặt chẽ hơn ảnh nude, theo “cao kiến” của Cục trưởng, việc chụp ảnh nude nên thực hiện hợp đồng dân sự giữa nghệ sỹ nhiếp ảnh và người mẫu để tránh tình trạng kiện tụng về bản quyền và cũng để thống nhất việc công bố ảnh đến mức độ nào. Nhờ vào bản hợp đồng này mà người cầm máy ngay từ đầu đã xác định được mục đích việc chụp hình.

Nóng với cấp phép

Bên cạnh vấn đề ảnh nude, hội thảo có thêm “điểm nóng” khác: Vấn đề cấp phép gửi ảnh tham dự các cuộc thi quốc tế, khi nhà quản lý muốn “cột” những việc tưởng đã tốt vào những quy tắc nhất định. Nếu làm đúng như thông tư hướng dẫn thì theo NSNA Lại Diễn Đàm, Bộ VH-TT&DL sẽ không thể kiểm soát nổi việc các nghệ sỹ gửi ảnh cấp phép qua email. Bởi một năm có hàng trăm cuộc thi ảnh quốc tế với sự tham dự của một lượng lớn các nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam. Và mỗi tác giả lại có đến vài tác phẩm tham dự. Nghệ sỹ đề nghị có một hình thức quản lý việc gửi ảnh ra nước ngoài dự thi khác hợp lý hơn.

Cùng với đó thì thời hạn cấp phép cho các cuộc triển lãm trong nước theo thông tư là 3 ngày cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp về tính phi thực tế. 7 ngày là thời hạn tối thiểu để một cá nhân hay tổ chức có thể nhận được sự đồng ý của các nhà quản lý. Nhưng Cục trưởng Vi Kiến Thành đã đính chính ý kiến này theo lẽ: Cục muốn giảm thiểu thời gian chờ đợi được cấp phép nhưng có thể do lời lẽ trong thông tư chưa chuyển tải được hết ý rằng: Khi nhận được hồ sơ, trong thời gian 3 ngày mà Cục không có ý kiến gì thì có nghĩa hồ sơ đó đủ điều kiện để cấp phép. Tuy nhiên, trước những ý kiến đóng góp, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ ghi nhận và cân nhắc về thời hạn cấp phép.

Sau khi tiếp thu các ý kiến của các nghệ sỹ và nhà quản lý miền Bắc, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ chỉnh sửa lần cuối cùng và đưa ra một thông tư tương đối hoàn chỉnh và đầu quý III-2012. Và theo ông Vi Kiến Thành thì trong vòng 1 đến 2 năm, nếu thông tư ban hành vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nhiếp ảnh nước nhà thì sẽ tiếp tục sửa chữa và bổ sung và mong rằng thông tư sẽ dần được xây dựng thành nghị định về nhiếp ảnh trong thời gian gần nhất.