"Người hùng của năm 2018" vinh danh vị bác sĩ có tình yêu không biên giới

ANTD.VN - Bác sĩ Ricardo Pun-Chong người Peru vừa được vinh danh là “Người hùng của năm 2018”, giải thưởng do bạn đọc của CNN bình chọn trực tuyến, vì những nỗ lực cung cấp nhà ở, thức ăn và hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhi và gia đình của họ trong quá trình điều trị.

Với giải thưởng “Người hùng của năm”, bác sĩ Ricardo Pun-Chong nhận được 100.000 USD để phát triển sự nghiệp của mình. Tất cả 10 người lọt vào top đầu bình chọn giải thưởng năm 2018 cũng được thưởng 10.000 USD tiền mặt và các khoản quyên góp cho mỗi tổ chức phi lợi nhuận của họ lên tới 50.000 USD. “Chúng tôi có thể bắt đầu xây dựng cơ sở mới của mình với giải thưởng này và nhân ba sự trợ giúp của chúng tôi. Nhưng những anh hùng thực sự là những đứa trẻ của chúng tôi. Cảm ơn từng người trong số các bạn đã tin tưởng và cho chúng tôi thấy rằng tình yêu không có biên giới”, bác sĩ Ricardo Pun-Chong trân trọng nói lời cảm ơn trong buổi lễ diễn ra ngày 9-12 tại New York, Mỹ.

"Người hùng của năm 2018" vinh danh vị bác sĩ có tình yêu không biên giới ảnh 1Bác sĩ Ricardo Pun-Chong chơi đùa cùng các bệnh nhi tại mái ấm Inspira

Tấm lòng sẻ chia với những gia đình bệnh nhi nghèo

Nhiều gia đình ở vùng sâu vùng xa của Peru có con bị bệnh hiểm nghèo thường gặp rất nhiều khó khăn khi đưa con về bệnh viện Thủ đô điều trị. Có những người đến từ vùng Amazon, họ phải đi thuyền vượt sông rồi bắt xe khách, trong khi đứa trẻ có thể bị bệnh hoặc sốt. Hãy tưởng tượng chuyến đi mất vài ngày với một đứa trẻ bị ung thư sẽ vất vả như thế nào. 

Tới được thành phố, ngay cả giao tiếp với họ cũng khó khăn bởi đôi khi họ không thể nói tiếng Tây Ban Nha mà sử dụng phương ngữ. “Đó là chưa kể đối với bệnh bạch cầu, ung thư thường gặp nhất ở trẻ em, lần điều trị đầu tiên là khoảng 6 tháng. Nhưng để có thể ở đây liên tục chừng đó thời gian, nhiều người phải bán mọi thứ họ có. Họ cảm thấy bất lực, cô đơn, phải chọn lựa giữa ở lại điều trị hay đưa con về mà được chữa bệnh đến nơi đến chốn” - bác sĩ Ricardo Pun-Chong chia sẻ - “Tôi không thể nào quên hình ảnh các gia đình ngủ trên sàn bệnh viện, vì vậy, tôi quyết định làm một cái gì đó cho họ”. 

Năm 2008, bác sĩ Ricardo Pun-Chong thành lập một cơ sở tạm trú miễn phí và một tổ chức phi lợi nhuận có tên Inspira và đến nay, tổ chức của anh đã giúp đỡ hơn 900 gia đình trên khắp Peru. Cơ sở tạm trú được thiết kế để các bệnh nhi cảm thấy như ở nhà và để cung cấp một không gian cho chúng cảm thấy “được làm trẻ em”.

“Tổ ấm” đặc biệt

Bác sĩ Ricardo Pun-Chong sống cách ngôi nhà chung một vài tòa nhà và hầu như ở đó mỗi ngày, điều hành mọi hoạt động với sự trợ giúp của một nhân viên cùng một đội quân tình nguyện nhiệt tình và dành mọi kỳ nghỉ với các gia đình ở đó. “Những đứa trẻ truyền cảm hứng cho tôi mỗi ngày. Khi ở cùng, tôi cảm thấy các em thật mạnh mẽ và hiểu rằng không có vấn đề gì mà chúng tôi không thể giải quyết được”.  

Đó là một nơi rất đặc biệt. Ricardo Pun-Chong cùng các đồng sự không chỉ muốn mọi người có một nơi ăn chốn ngủ mà còn tạo ra một không gian để giúp những đứa trẻ được chữa khỏi bệnh. Đó là một nơi có rất nhiều tình yêu. “Tôi muốn nó giống như một tổ ấm thực sự. Trong ngôi nhà đó, chúng tôi không có tivi vì tôi thích trò chuyện với bọn trẻ và dạy chúng sáng tạo làm ra đồ vật. Tôi muốn các em sử dụng trí tưởng tượng của mình. Các gia đình có thể ở trong ngôi nhà tạm trú miễn là họ cần và tôi muốn họ biết rằng họ không đơn độc, có rất nhiều người ở bên họ”.  

Ở nơi đó, Ricardo Pun-Chong và mọi người không nhắc đến khối u, phẫu thuật và ung thư. Lạ một điều, bác sĩ Ricardo Pun-Chong đến cơ sở tạm trú nhưng lại để ống nghe ở nhà, tức là không phải với tư cách một bác sĩ để muốn các em nhỏ đều cảm thấy mình đặc biệt, cố gắng nâng đỡ tinh thần của những đứa trẻ vừa trải qua phẫu thuật. Bác sĩ 

Ricardo Pun-Chong chơi đùa vui vẻ để kết nối và trải nghiệm với chúng. “Chúng tôi lắng nghe những câu chuyện của chúng, cùng tô màu, vẽ tranh, chơi trong công viên, đi xe đạp. Tôi cố gắng làm cho chúng cười, để khám phá chính mình. Tôi muốn những đứa trẻ này chơi, học, chia sẻ. Tôi muốn giúp chúng hạnh phúc nhất có thể”.

“Tôi muốn nó giống như một tổ ấm thực sự. Trong ngôi nhà đó, chúng tôi không có tivi vì tôi thích trò chuyện với bọn trẻ và dạy chúng sáng tạo làm ra đồ vật. Tôi muốn những đứa trẻ này chơi, học, chia sẻ. Tôi muốn giúp chúng hạnh phúc nhất có thể. Các gia đình có thể ở trong ngôi nhà tạm trú miễn là họ cần và tôi muốn họ biết rằng họ không đơn độc”.

Bác sĩ Ricardo Pun-Chong (“Người hùng của năm 2018” theo bình chọn của CNN)