Nghiên cứu phương án cứu hộ bằng trực thăng

ANTĐ - Liên quan tới vụ cháy kinh hoàng tại công trình Trung tâm Điều hành và Thông tin viễn thông Điện lực Việt Nam (số 11 Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), sáng qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp với các Sở, ngành chức năng để đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp, tổ chức chữa cháy, cứu nạn.

Chủ tịch UBND TP đánh giá: “Những hình ảnh như hôm qua chấn động cả nước”. Ông cũng đặt vấn đề: “Trong trường hợp tòa nhà 11 Cửa Bắc, nếu huy động trực thăng đến thì thả dây thang xuống có thể cứu các nạn nhân nhanh hơn. Sở Cảnh sát PCCC cũng phải tính đến phương án này. Bởi hiện nay, có rất nhiều tòa nhà cao tầng nên vẫn có thể xảy ra những vụ việc tương tự”.

Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu các cơ quan liên quan phải quan tâm tới sức khỏe của công nhân, tránh để hậu quả lâu dài cho người lao động. Đối với vụ cháy nghiêm trọng này, ông Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, phải xác định nguyên nhân để xử lý chứ không đơn thuần chỉ rút kinh nghiệm. Nếu nguyên nhân do nhà thầu thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Ông cũng lưu ý tới việc các thang cứu hỏa không với được tới các tầng cao: “Đây là một điều đáng lưu tâm. Cần phải lên “thực đơn” các trang thiết bị cần thiết cho lính cứu hỏa để đảm bảo an toàn tính mạng cho họ và cũng như nâng cao hiệu quả công việc. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính cấp ngay kinh phí, mua sắm đủ cơ số đảm bảo, chất lượng tiêu chuẩn”.

Hiện nay, do trang thiết bị chữa cháy còn nhiều khó khăn nên nếu xảy ra cháy ở các tòa nhà cao tầng (thống kê của Sở Cảnh sát PCCC, Hà Nội có 364 công trình, nhà cao tầng - từ 10 tầng trở lên) thì “chỉ có cách chạy bộ, mà leo lên được đến tầng 30 chắc cũng hết hơi”. Hà Nội mới có 90 đầu xe chữa cháy, xe chuyên dùng, trong đó có 52 xe chữa cháy, 6 xe thang (chỉ có 1 xe có thang cao 52m, tương đương tầng 17 nhà cao tầng), 4 xe cứu hộ, 8 xe chở nước... Tuy nhiên, trong đó có phần lớn là xe cứu hỏa đã cũ, lạc hậu, lượng tích nước nhỏ, do vậy, khả năng ứng cứu rất hạn chế. Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội hiện cũng chưa có trực thăng cứu hỏa. Tuy nhiên, chính hệ thống hạ tầng kỹ thuật yếu kém của Thủ đô cũng gây cản trở rất lớn tới hoạt động của các phương tiện cứu hỏa cỡ lớn. Chỉ với chiếc xe có thang 52m, mỗi lần di chuyển, phải bố trí 2 chiến sỹ ngồi trên để nâng dây điện, dây thông tin được treo chằng chịt trên các tuyến phố, mỗi lần xe quay đầu cũng rất khó khăn...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các Sở Xây dựng, Sở Cảnh sát PCCC, Sở Công thương kiểm tra tất cả các đơn vị đang thi công xây dựng các công trình cao tầng hiện nay. Ông nói: “Phải kiểm tra trước khi xảy ra những vụ cháy lớn, bởi nếu cháy thì thiệt hại không tính được. Mục tiêu là tập trung vào khắc phục hậu quả, kiểm điểm rút kinh nghiệm và đề ra những giải pháp trong thời gian tới...”.

Cuối ngày qua, UBND TP Hà Nội cũng đã có Thông báo về vụ việc gửi các cơ quan báo chí. Theo đó, đối với thi công các công trình cao tầng, các dự án trọng điểm, TP yêu cầu các đơn vị quản lý cần rút kinh nghiệm trong việc phê duyệt phương án thiết kế thi công, đảm bảo an toàn lao động, công tác phòng chống cháy nổ. Tổng công ty Điện lực Việt Nam rút kinh nghiệm về an toàn điện lực trong sử dụng điện, phòng chống cháy nổ.

Khi xảy ra các vụ cháy lớn, Sở Cảnh sát PCCC phải thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời về lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo thành phố để chỉ đạo phối hợp các lực lượng trong việc triển khai các biện pháp ứng cứu; các phương tiện, thiết bị, lực lượng phòng cháy chữa cháy phải được chuẩn bị sẵn sàng trong mọi thời gian, mọi tình huống; đảm bảo chỉ huy thống nhất các lực lượng, các sở, ngành, quận, huyện; phối hợp chặt chẽ giữa công tác chữa cháy, đảm bảo trật tự, an ninh và cứu hộ, cứu nạn. Sở Cảnh sát PCCC chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng các phương án, tình huống diễn tập và tổ chức diễn tập; nghiên cứu phương án sử dụng phương tiện trực thăng cứu hộ từ trên cao; nghiên cứu, bổ sung trang thiết bị hiện đại, phù hợp với đặc điểm đô thị Hà Nội. Sở Tài chính bố trí kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị đảm bảo cơ số, tiêu chuẩn, chất lượng.