Ly hôn 14 năm, người phụ nữ ở Hà Nội "khóc không thành tiếng" vì bị lừa 600 triệu đồng

ANTD.VN - Ly hôn 14 năm, một mình nuôi con và hiện đang chưa có việc làm, chị B.T hoảng hồn khi bị cáo buộc liên quan đến một đường dây tội phạm vừa bị đánh sập. Hoang mang, sợ hãi khiến chị T không còn đủ lý trí trước sự tấn công của tội phạm. Số tiền 600 triệu đồng gom góp bao năm bỗng nhiên… “bốc khói” sau khi kích hoạt đường link.

Mới đây, phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – CATP Hà Nội nhận được đơn trình báo của bị hại là chị Trần B.T, SN 1982, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, về việc bản thân bị lừa mất số tiền 600 triệu đồng.

Chị T cũng cho biết, hoàn cảnh hiện giờ rất khó khăn, khi một mình nuôi con và sống cùng với bố mẹ đẻ lại chưa có việc làm mới, đồng thời đang trong quá trình điều trị bệnh.

Theo đơn của chị T, ngày 31-7 vừa qua, chị nhận được một cuộc gọi đến số máy bàn của gia đình thông báo có một gói bưu phẩm chưa nhận, yêu cầu chị bấm phím số 9 để nhận. Sau khi làm theo hướng dẫn, đầu bên kia đọc rõ thông tin cá nhân của chị T và nói chị đã mở thẻ tín dụng ở một ngân hàng chi nhánh TP.HCM và hiện chị đang nợ thẻ số tiền 36.866.000 đồng.

Chị T khẳng định không sinh sống tại TP.HCM và chắc chắn không mở thẻ tín dụng nào của ngân hàng này thì người tên Lê Thanh Hải, tự nhận là nhân viên phòng Chăm sóc khách hàng và Tư vấn tại Bưu điện TP Hà Nội. Người này ngay sau đó đã nối máy cho chị T nói chuyện với một người tự xưng là Thiếu úy Công an tên Lê Tiến Đạt để… báo án, nhờ cơ quan công an ngăn chặn giúp việc bị lợi dụng thông tin cá nhân hòng làm giả các giấy tờ, tài liệu trong các vụ án kinh tế.

Người tên Đạt sau đó đã xin số điện thoại di động cầm tay của chị T và gọi lại cho chị, yêu cầu chị báo án bằng hình thức ghi âm. Do đã hết hợp đồng lao động nên khi nghe chuyện nợ nần, chị T rất hoang mang, lo lắng nên đã làm theo lời hướng dẫn của nhóm tội phạm lừa đảo này.

Nghe chị T chia sẻ đã ly hôn 14 năm và hiện đang nuôi con, sống cùng bố mẹ đẻ, đối tượng tên Đạt nói sẽ giúp chị đề nghị một đơn vị khác “check” thông tin, xem chị có còn tên trong danh sách các ngân hàng có liên quan đến đường dây làm giả giấy tờ để mở thẻ tín dụng không. Khoảng vài phút sau, người này lại thông tin cho biết, chị B.T có tên trong danh sách ngân hàng ViệtBank do tên tội phạm Nguyễn Thành Phúc cầm dầu đường dây rửa tiền.

Chúng liên tiếp gây hoang mang tâm lý cho nạn nhân, khiến nạn nhân khó nhận ra việc mình đang bị lừa

Trong lúc chị T đang bối rối, người này tiếp tục thông báo chị sẽ bị cơ quan công an di lý về TP.HCM trước 17h ngày 31-7 để điều tra. Chị T bật khóc sợ hãi. “Đạt” tỏ ra thương cảm và nói không thể giúp chị giải quyết vì bản thân chỉ là cán bộ, và nói sẽ nối máy cho chị gặp cấp trên của Đạt.

Đối tượng “cấp trên” khi nói chuyện với chị T đã “đánh phủ đầu” rằng: “Tại sao cơ quan công an hai lần gửi giấy triệu tập chị không lên? Liệu có phải chị đang lẩn tránh trách nhiệm của vụ án liên quan đến 17 người, trong đó có 1 người đã chết?”

Lúc ấy, chị T liền thành thật bản thân mở nhiều loại thẻ nhưng không mở thẻ ngân hàng ViệtBank nào cả. Đối tượng này yêu cầu nạn nhân cung cấp số dư hiện có và tiếp tục dọa dẫm buộc di lý chị và người thân vào TP.HCM để phục vụ điều tra.

Ứng dụng giả danh Bộ Công an khiến nhiều người tin và cuối cùng là bị lừa trắng số tiền tiết kiệm của bản thân

Chị T liên tục giải thích nhưng không được chúng chấp thuận. Sau cùng, chúng gửi cho chị một đường link để chị tải về cài đặt. Ứng dụng được mang tên “Bộ Công an”. Ngoài ra, chiều cùng ngày chị đã được hướng dẫn rút toàn bộ số tiền 600 triệu đồng và đối tượng lại yêu cầu chị gửi toàn bộ số tiền vào ngân hàng Techcombank của bản thân.

Khi tiền đã được gửi, chúng lại yêu cầu chị chuyển thử tiền từ ngân hàng Techcombank sang ngân hàng VIB mang tên chị Trần B.T. Nghĩ là tài khoản của bản thân thì không sợ bị lừa, nhưng đây chính là lúc tội phạm đã thông qua ứng dụng lừa đảo mang tên “Bộ Công an” để lấy được các thông tin đăng nhập. Phần mềm này cũng cho phép đọc các tin nhắn đến và đi từ máy điện thoại của chị T, nên chúng dễ dàng có được mã OTP.

Ngày 1-8, có một đối tượng gọi cho chị T thông báo chị không còn là đối tượng tình nghi. Chưa kịp thở phào thì chị gần như “ngã quỵ” khi vào app của Techcombank và biết toàn bộ số tiền 600 triệu đồng của mình đã được gửi đến một tài khoản mang tên Trần Lê Gia Huy.

Như vậy, ổ nhóm tội phạm lừa đảo trên đã chiếm đoạt số tiền tích góp của chị T bằng chiêu trò lừa đảo tinh vi.

Hiện vụ việc đang được phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – CATP Hà Nội điều tra.