Không để cái ác nhởn nhơ ngoài xã hội

ANTD.VN - Nguyễn Trọng Trình - bị can trong vụ án dâm ô người dưới 16 tuổi, xảy ra tại địa phận thôn Bài Trượng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ đã bị Cơ quan CSĐT thực hiện lệnh tạm giam 2 tháng để điều tra về tội danh “Dâm ô với người dưới 16 tuổi”! 
 

Các hành vi xâm hại tình dục sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật (Ảnh minh họa) 

Thông tin được loan tải khiến dư luận đồng tình, song phía sau điều đó còn là cả sự quyết tâm, ý chí của lực lượng Công an: không để bất cứ điều xấu, cái ác nào được phép tồn tại, nhởn nhơ ngoài xã hội!

Diễn tiến tố tụng mới nhất thể hiện rõ ý chí này: chiều 18-3, sau khi nghe báo cáo ban đầu về kết quả điều tra vụ án bé gái sinh năm 2009 bị xâm hại ở huyện Chương Mỹ, Giám đốc CATP và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã lập tức chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an thành phố khẩn trương vào cuộc; tiếp nhận hồ sơ vụ án để phối hợp với đơn vị chức năng điều tra, xử lý.

Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, lệnh tạm giam bị can đã được CQĐT thực hiện,  đồng thời, đối tượng bị đưa về trụ sở Văn phòng Cơ quan CSĐT CATP để phục vụ công tác đấu tranh. Cùng với Công an thành phố, có thể thấy trong vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố cũng đã hết sức tích cực, quyết liệt trong công tác đánh giá, đôn đốc tiến trình điều tra của Viện Kiểm sát cấp cơ sở; từ đó có những chỉ đạo, yêu cầu kịp thời, giúp những động thái tố tụng bảo đảm tốt các yêu cầu tức thì, khách quan và hết sức nghiêm minh.

Tội phạm tình dục nói chung, và các hành vi, đối tượng xâm hại tình dục đối với người dưới 16 tuổi nói riêng, luôn bị lực lượng Công an đấu tranh, xử lý hết sức nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn công tác đấu tranh cho thấy, để chứng minh làm rõ, buộc tội để khiến loại tội phạm này “tâm phục, khẩu phục”, không phải bao giờ cũng đơn giản.

Thứ nhất, là tâm lý xấu hổ, e dè của người bị hại; hoặc là không trình báo, tố giác ngay đến cơ quan Công an, hoặc chịu sự đe dọa, khống chế của đối tượng phạm tội.

Thứ hai, là việc tìm kiếm, truy nguyên dấu vết phạm tội, nếu càng để chậm trễ sẽ càng khó xác minh, giám định. Chưa kể một thực tế khác, diễn biến khi diễn ra tội phạm chỉ có “1 -1”, nghĩa là chỉ có bị hại và thủ phạm; nên công tác đấu tranh sẽ phức tạp, nếu đối tượng gây án thuộc loại “có kinh nghiệm”.

Vấn đề thứ ba, những áp lực từ phía dư luận, tưởng như vô hình, nhưng thực tế nhiều trường hợp đã gây sức ép đối với công tác điều tra, phá án. Vẫn biết, đặc thù của “nghề” điều tra, truy tố, xét xử vốn quen chịu áp lực: áp lực của phức tạp hồ sơ; áp lực của những thay đổi, vận dụng trong quy định - chế tài… Nhưng trong chừng mực nào đó, ở vụ án nào đó, nếu cán bộ điều tra, truy tố, xét xử không vượt qua, không thắng được áp lực, thiếu đi sự tỉnh táo, bám chắc vào quy định pháp luật, sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, hay oan sai. Khi đó, chính cán bộ - cơ quan tố tụng sẽ phải hứng chịu hậu quả.

Trở lại câu chuyện về tội phạm xâm hại tình dục, thấy được ý chí của cơ quan tố tụng trong những vụ án này, cả những áp lực đương nhiên, để có thêm cái nhìn, có sự hiểu, chia sẻ và đồng cảm với những cán bộ, cơ quan thực thi pháp luật. Một điều hết sức đơn giản: chắc chắn và không bao giờ lực lượng thực thi pháp luật cho phép cái ác, điều xấu nhởn nhơ ngoài xã hội, nhất là cái ác ấy mang tên “tội phạm tình dục”.