Euro trong vòng ngắm của khủng bố

ANTĐ - Vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá châu Âu 2016 (EURO 2016) vào mùa hè tới tại Pháp đang đứng trước thách thức lớn khi bị đặt trong vòng ngắm của bọn khủng bố. 

Những sân vận động đông người tại Euro 2016 có thể trở thành mục tiêu tấn công của bọn khủng bố 

Sự kiện thể thao 4 năm mới có một lần này đang được người hâm mộ trên khắp thế giới mong đợi từng ngày. Diễn ra trong 1 tháng từ ngày 10-6 đến 10-7 năm nay tại 10 sân vận động trên toàn nước Pháp, EURO 2016 dự kiến sẽ thu hút khoảng 2,5 triệu người hâm mộ tới theo dõi 51 trận đấu của 24 đội bóng châu Âu. Trận đấu khai mạc và chung kết dự kiến sẽ được tổ chức tại sân vận động quốc gia Stade de France của Thủ đô Paris, nơi cũng từng là hiện trường của vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 13-11-2015.

Ấy thế nhưng theo ông R. Wainwright, Giám đốc Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), sự kiện EURO 2016 có thể trở thành mục tiêu của khủng bố bởi các nhóm cực đoan hiện có xu hướng chọn những “mục tiêu mềm” như quán cà phê, nhà hàng, rạp hát... Thậm chí M. Abrini, nghi phạm vụ đánh bom khủng bố ở Paris năm ngoái đã khai nhận với cảnh sát rằng dự định ban đầu của chúng là hành động trong lúc giải bóng đá châu Âu EURO 2016 diễn ra.

Loạt tấn công đẫm máu nhằm vào Thủ đô Paris của Pháp hồi tháng 11-2015, khiến 130 người chết cho thấy chỉ vài nhóm khủng bố liều chết được trang bị súng AK-47 và đai nổ cũng có thể gây nên các cuộc thảm sát làm rúng động châu Âu. Thực tế đó khiến giới chuyên gia lo ngại rằng đó có thể chỉ là sự khởi đầu cho một âm mưu tấn công quy mô lớn nhằm vào nhiều nước tại châu lục này. 

Một quan chức phụ trách chống khủng bố giấu tên của châu Âu đã cho rằng: “Chúng ta đang tiến gần tới việc phải đối mặt với một sự kiện kiểu 11-9-2001 ở châu Âu. Đó là các cuộc tấn công đồng thời xảy ra vào cùng một ngày ở nhiều nước và nhiều nơi khác nhau. Đây là một âm mưu được phối hợp chặt chẽ và tinh vi. Chúng tôi biết rằng bọn khủng bố đang lên kế hoạch cho âm mưu đó”.

Có điều là phát hiện nguy cơ đã khó nhưng vô hiệu hóa nó còn khó hơn. Trong khi lực lượng cảnh sát, quân đội và tình báo các nước châu Âu đang nỗ lực thích ứng với mối đe dọa đang biến đổi, thì các nhóm khủng bố cũng vậy. Chúng nhận ra rằng phải tránh xa khỏi điện thoại, vốn thường là thiết bị quan trọng để giám sát các kẻ tình nghi. Chúng đọc báo và biết được rằng cảnh sát đã mất hơn 2 tiếng để đột kích Nhà hát Bataclan ở Thủ đô Paris. Chúng cũng nhận ra rằng việc sử dụng đai nổ là chưa hiệu quả.

Một thách thức khác với các cơ quan an ninh châu Âu là nhiệm vụ giám sát mọi động tĩnh của những nghi can khủng bố đang trở nên quá khó khi mà số đối tượng cần theo dõi ngày càng nhiều và bị trộn lẫn vào các nhóm tội phạm có tổ chức.

Ông Moniquet, cựu quan chức thuộc Cơ quan Tình báo đối ngoại Pháp (DGSE), hiện điều hành một công ty tình báo tư nhân ở Brussels nhận xét: “Đây là 2 mạng lưới khác nhau có phương thức hoạt động tách biệt. Thế nhưng, chúng luôn hỗ trợ nhau hết lòng. Khi một nhóm đến và yêu cầu giúp đỡ, nhóm kia sẽ giúp không chần chừ”.

Chính vì thế theo ông R. Wainwright, Giám đốc Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), các nước châu Âu cần phải xây dựng một cơ sở dữ liệu chung về các tay súng thánh chiến nguy hiểm để có thể kịp thời ngăn chặn các vụ khủng bố do những phần tử cực đoan từ nước ngoài trở về châu Âu.

Các cơ quan an ninh ước tính có khoảng 5 nghìn “chiến binh nước ngoài”, tức các tay súng từ châu Âu đã tới Syria hoặc Iraq tham chiến cho các tổ chức khủng bố, như nhóm “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. Khoảng 1/3 trong số này đã trở về châu Âu và không ai biết chúng có trở thành những kẻ khủng bố hay không. Trong khi đó thời gian từ nay đến ngày khai mạc EURO chỉ còn chưa đầy 1 tháng.