NSND Doãn Hoàng Giang:

Dựng lại chất hào hoa người Hà Nội

ANTĐ - Huy động toàn bộ diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Doãn Hoàng Giang sẽ tạo ra những đại cảnh trong vở kịch được đầu tư hoành tráng “Những người con Hà Nội”, tác giả kịch bản Phạm Văn Quý. Nhưng điều ông muốn hơn cả là tái hiện không khí một thời Hà Nội sẵn sàng quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Vở kịch vừa được bắt tay dàn dựng, dự kiến ra mắt khán giả vào cuối năm 2014.

Dựng lại chất hào hoa người Hà Nội ảnh 1


- PV: Chỉ đạo ngót 100 diễn viên kéo dài từ hàng ghế khán giả lên tới sân khấu, với đạo diễn ít kinh nghiệm thì lo ngay ngáy nhưng với ông lại không thấy nét âu lo đâu cả?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Cái đó thì đúng, không phải ai cũng làm được những đại cảnh, tôi tự hào về điều đó. Người ta gọi tôi là “đạo diễn Olympic”. Năm 1984, tôi làm vở “Điện Biên Phủ” huy động 350 diễn viên, dựng từ ngoài đường vào trong nhà hát. Có những đạo diễn sợ không dám dựng những cảnh như thế vì diễn viên đông rất khó, điều hành và chỉ đạo. Nhưng tôi thích như thế, được vùng vẫy ở những đại cảnh là sở trường của tôi. 

- Ở một vở diễn nói về người Hà Nội khiêm nhường và thanh lịch, có nhất thiết dùng đến những đại cảnh và huy động lực lượng diễn viên đông đảo đến như vậy, thưa đạo diễn?

- Kịch bản của tác giả Phạm Văn Quý phản ánh một giai đoạn lịch sử của Hà Nội, không đi sâu vào một nhân vật cụ thể nào mà nhiều tầng lớp của Hà Nội đều xuất hiện trong vở kịch. Mỗi đạo diễn có một cách dàn dựng khác nhau, nhưng tôi thích dùng những đại cảnh để đặt người Hà Nội trong giai đoạn xương máu xem họ có dám ôm bom ba càng, có dám tiêu thổ kháng chiến, có dám đánh đổi cuộc sống đang rất thanh bình để đứng lên cầm súng chống lại quân Pháp hay không. Và tất nhiên, người Hà Nội đã đứng lên bảo vệ từng tấc đất của Thủ đô mà đúng hơn, người Hà Nội đứng lên bảo vệ nhân phẩm và giá trị thiêng liêng của Hà Nội. 

- Để góp phần làm nên tính trữ tình và hào hoa của vở kịch, đạo diễn sẽ xử lý phần âm nhạc như thế nào?

- Tôi lấy một vài giai điệu trong ca khúc “Người Hà Nội” của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi, đưa  nhạc Văn Cao: Thiên thai, Đàn chim Việt vào vở. Các chiến sỹ hát vang trên chiến lũy những ca khúc này để thấy người Hà Nội cũng rất lãng mạn ngay khi cận kề cái chết. 

- Cái khó nhất khi dựng vở về Hà Nội thời hoa lửa là gì thưa đạo diễn?

- Cái khó nhất là làm diễn viên trở lại thời điểm đó, không khí hào hoa, sục sôi cách mạng và sẵn sàng cống hiến tất cả cho đất nước. Diễn viên có thể hát, có thể nhảy những điệu rất vớ vẩn nhưng làm sao để họ hiểu mình đang sống trong vai diễn đầy tính trữ tình và hào hoa của Hà Nội không phải là chuyện đơn giản.

- Vậy ông sẽ làm cách nào để diễn viên sống lại thời kỳ đó?

- Đốc thúc, động viên, hò hét và thậm chí nhảy lên sân khấu để diễn viên trở lại thời đó. 

- Vở diễn sẽ mở ra trước mắt khán giả bằng cảnh diễn ấn tượng nào?

- Tôi sẽ mở đầu cuộc chiến của người Hà Nội chống lại quân Pháp bằng cảnh Hà Nội êm đềm, người Hà Nội đang khiêu vũ thì tiếng súng gầm lên, cùng với đó là tiếng nói của Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến và người Hà Nội bước vào cuộc chiến. Cuộc kháng chiến ấy phân hóa, có người hoang mang dao động, có người theo Pháp, nhưng tất cả người Hà Nội đều tập trung cho cuộc kháng chiến này bởi ý thức về tự do, độc lập luôn vang vọng trong người Hà Nội.