Đề nghị sửa đổi Luật giao dịch điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 nhằm giải quyết một số vướng mắc, bất cập và phù hợp với thực tế hiện nay.

Luật GDĐT năm 2005 cần được sửa đổi, bổ sung

Luật GDĐT năm 2005 cần được sửa đổi, bổ sung

Bộ TTT-TT cho biết, Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 trong gần 15 năm qua đã đóng vai trò quan trọng tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy giao dịch điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, kết quả tổng kết thực tiễn hơn 15 năm thực hiện Luật GDĐT hiện cho thấy, Luật đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung, cụ thể như: Quy định đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử (chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử, định danh và xác thực điện tử; Quy định về GDĐT của cơ quan nhà nước; Quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong GDĐT; Quy định về tranh chấp và xử lý vi phạm…

Cụ thể, quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật GDĐT, tại điều 1 của Luật loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác”.

Việc loại trừ này gây khó khăn trong quá trình thực hiện triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai ứng dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực thuộc phạm vi kể trên.

Lý do của việc loại trừ này là tại thời điểm năm 2005, nhiều ý kiến lo ngại các giao dịch điện tử trong lĩnh vực trên không bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, đến nay GDDT, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến đã trở nên phổ biến, được chấp nhận rộng rãi. Nếu tiếp tục loại trừ như quy định tại điều 1 của Luật thì đây sẽ là rào cản pháp lý cho việc triển khai các dịch vụ trực tuyến trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính.

Tương tự, Luật GDĐT năm 2005 còn thiếu quy định về định danh, xác thực điện tử dẫn đến việc khó phân định trách nhiệm các bên khi xảy ra các sự cố liên quan đến xác thực và định danh điện tử, gây ảnh hưởng tới tính pháp lý và sự tin tưởng của các bên khi tham gia giao dịch điện tử.

Theo Bộ TT-TT, hiện nay, việc thực hiện các giao kết, hợp đồng điện tử trở nên rất phổ biến với nhiều hình thức, cách thể hiện khác nhau song việc đảm bảo hiệu lực của việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử nằm ở giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu và tính an toàn của thông điệp dữ liệu trong quá trình thực hiện các giao dịch điện tử lại chưa có quy định cụ thể tại Luật GDĐT năm 2005, dẫn đến khó khăn trong việc xác định giá trị pháp lý, phạm vi trách nhiệm để giải quyết khi xảy ra tranh chấp giữa các bên tham gia giao kết, thực hiện hợp đồng điện tử.

Do vậy, Bộ TT-TT cho rằng, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 là thực sự cần thiết. Cụ thể, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 như sau:

Bổ sung quy định về hành vi bị cấm liên quan tới: định danh điện tử và xác thực điện tử, dịch vụ tin cậy, giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với nhau, giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Sửa đổi Bộ TT-TT là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động GDĐT; Bổ sung hình thức mới của thông điệp dữ liệu: văn bản điện tử... Bổ sung quy định về thông điệp dữ liệu an toàn;

Bổ sung quy định về chuyển đổi tài liệu giấy sang tài liệu điện tử: phương thức chuyển đổi, điều kiện đáp ứng của tài liệu điện tử sau khi chuyển đổi, giá trị của tài liệu điện tử sau khi chuyển đổi từ tài liệu giấy. Bổ sung quy định về chữ ký điện tử an toàn…

Theo Bộ TT-TT, mục tiêu đặt ra là xây dựng Luật GDĐT theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0, kinh tế số. Đồng thời với việc quy định cụ thể các cơ chế pháp lý và phù hợp với điều ước quốc tế liên quan đến thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng tham gia vào hoạt động GDĐT.