Cúm A/H5N1: 100% tổ yến vẫn “bình yên”

ANTĐ - Những ngày qua, hàng vạn con chim yến ở Ninh Thuận buộc phải tiêu hủy để phòng cúm A/H5N1 không chỉ khiến người chăn nuôi thiệt thòi mà nhân dân cũng hết sức hoang mang. Ngày 23-4, đại diện Bộ NN&PTNT đã khẳng định một thông tin đáng mừng là 100% tổ yến được xét nghiệm đều âm tính với cúm A/H5N1.
Cúm A/H5N1: 100% tổ yến vẫn “bình yên” ảnh 1
Người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm sử dụng tổ yến 
(Ảnh: Khai thác tổ yến sào tại Khánh Hòa)


Tiêu hủy hơn 10.000 con chim yến

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh mới nổi diễn ra tại Bộ Y tế sáng 23-4, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú Y – Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 4 đã xuất hiện thêm tỉnh Đồng Tháp và Long An bùng phát dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm. Không chỉ có 2 địa phương này mà tình hình lưu hành virus cúm A/H5N1 tương đối phức tạp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Các ổ dịch này đều đã được khống chế, khoanh vùng xử lý triệt để.

Đối với đàn chim yến nuôi dương tính với cúm A/H5N1 tại Ninh Thuận, hiện UBND tỉnh Ninh Thuận đã có quyết định công bố dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến nuôi tại trại chim yến ở đường Thống Nhất, 

(TP Phan Rang-Tháp Chàm), đồng thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp xử lý dịch. Ông Đông cho biết, ít nhất đã có 10.000 con chim yến thuộc đàn chim yến nuôi có mẫu dương tính với cúm A/H5N1 bị tiêu hủy. Cùng đó, có 167kg tổ yến được thu gom để xử lý nhiệt. Ngành thú y tại địa phương cũng đã khoanh vùng, sử dụng vôi bột và các loại thuốc khử trùng khác để xử lý môi trường toàn bộ khu vực nuôi yến có dịch cúm.

Được biết, thế giới chưa bao giờ có chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 và cũng chưa có một kết luận khoa học rõ ràng về cơ chế lây lan dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến. Do đó, việc tiêu hủy đàn chim yến của các cơ quan có thẩm quyền đang khiến người nuôi hoang mang. Tuy vậy, ông Đông cũng cung cấp một thông tin mới tích cực hơn nhiều, đó là qua xét nghiệm 45 tổ yến thì 100% âm tính với cúm A/H5N1. Do đó, người tiêu dùng sản phẩm từ yến, tổ yến không nên lo lắng.

Cúm A/H1N1 đang trỗi dậy

Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, qua giám sát đến thời điểm này, tại nước ta vẫn chưa phát hiện có gia cầm cũng như người bệnh nhiễm virus cúm gia cầm mới A/H7N9 đang bùng phát tại Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là kết quả giám sát tại 10 điểm trọng điểm quốc gia cho thấy, trong khi các chủng cúm thông thường giảm xuống thì chủng virus cúm A/H1N1 từng gây đại dịch cúm năm 2009 lại đang trỗi dậy mạnh mẽ. TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, sau thời kỳ bùng phát mạnh mẽ vào năm 2009 khi luôn chiếm tỷ lệ hơn 90% trong số các bệnh phẩm dương tính với hội chứng cúm thì cúm A/H1N1 đã giảm động lực, trở thành cúm lưu hành thông thường tại nước ta. Năm 2012, chủng cúm này rất ít gặp, chỉ chiếm 5-7% trong tổng số bệnh phẩm dương tính với virus cúm được giám sát. Thế nhưng từ đầu năm 2013 đến nay, cúm A/H1N1 lại trội lên, chiếm đến 48% tổng số mẫu dương tính với cúm ở nước ta. Tiếp đến là cúm A/H3N2, chiếm 17,6%.

“Cúm A/H1N1 chỉ có trên người, không xuất hiện trên gia cầm. Năm 2009 xuất hiện trên 90 nước, đường lây qua đường hô hấp là rất nhanh. Đến năm 2012 chủng cúm này lưu hành ít, gần như biến mất, vậy tại sao năm nay lại bùng lên lớn như vậy? Vấn đề là nó ở đâu ra, lây lan kiểu gì? Đặc biệt, không chỉ có các ca bệnh riêng lẻ mà có thể đã xuất hiện những chùm ca bệnh cúm A/H1N1 ở Yên Bái hay mới nhất là chùm ca bệnh ở Thanh Hóa… Vì vậy, cần phải có những nghiên cứu dịch tễ học sâu hơn về vấn đề này” - ông Huấn phân tích. 

Như ANTĐ đã đưa tin, trong khoảng một tháng qua tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận liên tiếp 6 trường hợp nhập viện do nhiễm cúm A/H1N1 vào điều trị. Trong đó có 2 trường hợp ở Yên Bái (một người đã tử vong) và một bệnh nhân 12 tuổi ở Thanh Hóa nhập viện ngày 22-3 do bị lây cúm cùng với 2 người thân khác từ người anh rể ở Hà Nội về thăm.