Xây dựng cổng chào, đài vinh danh cả trăm tỷ đồng:

"Bệnh" nghèo thích chơi sang tái phát

ANTD.VN - Nằm trên quốc lộ 18A, Cổng chào tỉnh Quảng Ninh với vốn đầu tư xây dựng lên tới 198 tỷ đồng - được cho là lớn nhất Việt Nam, đang trong quá trình hoàn thành. 

Cổng chào 198 tỷ đồng đang được xây dựng

Cổng chào khổng lồ này được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 140ha, gồm 8 trụ chính có độ cao từ 38-43m, trọng lượng mỗi trụ khoảng 105 tấn, chiều rộng chân trụ từ 50-60m, trải dài 80m trên quốc lộ 18A. Khi thông tin về cổng chào 198 tỷ đồng được đăng tải trên báo chí, đa số ý kiến bạn đọc kêu trời vì “quá tốn kém và lãng phí”. Nhiều người tỏ ra xót xa và tiếc tiền thay cho tỉnh Quảng Ninh.

Chơi sang không kém tỉnh Quảng Ninh, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cũng đưa ra ý tưởng xây dựng Đài vinh danh công trình truyền tải điện 500 kV Bắc Nam, với số vốn đầu tư khoảng 108 tỷ đồng.

Lý do vô cùng đẹp đẽ được EVNNPT đưa ra là “để tri ân các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân và các lực lượng đã tham gia xây dựng công trình, thể hiện đạo lý, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc”. Rất may, sau khi nắm bắt thông tin, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phê bình và yêu cầu EVNNPT dừng ngay ý tưởng này.

“Để tiền đầu tư cho y tế và giáo dục có hơn không? Nước ta còn nghèo mà sao chi tiền lãng phí vậy?” - nhiều người đã than như vậy khi nghe tin xây dựng cổng chào 198 tỷ đồng hay đài vinh danh công trình truyền tải điện 108 tỷ đồng. Phần lớn vốn đầu tư cho dự án cổng chào ở Quảng Ninh được cho là từ nguồn xã hội hóa, ngân sách tỉnh chỉ chi 10 tỷ đồng.

Một số ý kiến vin vào điểm này để cho rằng, dùng vốn xã hội hóa, tức là doanh nghiệp bỏ tiền thì không lãng phí. Thế nhưng, thực tế, đâu có ai cho không ai cái gì bao giờ? “Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”, doanh nghiệp bỏ hàng trăm tỷ đồng đầu tư cổng chào, họ sẽ được tỉnh trao lại những quyền lợi khác để tạo ra lợi nhuận chứ không bao giờ có chuyện miễn phí.

Thêm nữa, vốn xã hội hóa, tiền doanh nghiệp cũng là nguồn lực của xã hội, không thể đem chi bừa phứa cho bất kỳ dự án “giời ơi đất hỡi” nào trong khi nước ta còn rất khó khăn, với hơn 2,3 triệu hộ nghèo, 1,2 triệu hộ cận nghèo; nợ công lúc nào cũng ở ngưỡng cảnh báo - gần 86 tỷ USD, tương đương hơn 1,8 triệu tỷ đồng...

Ngay tại Quảng Ninh, số liệu rà soát đầu năm 2016 cho thấy, tỉnh này có 15.340 hộ nghèo, chiếm 4,56% tổng số hộ và 10.586 hộ cận nghèo, chiếm 3,15% tổng số hộ. Giá như 198 tỷ đồng được tập trung cho công tác xóa đói giảm nghèo, xây thêm trường học, bệnh viện... thì quá tốt, cổng chào hoành tráng có thể xây dựng vào một thời điểm khác.

“Bệnh” nhà nghèo nhưng thích hoành tráng, chơi sang từ lâu đã bị dư luận xã hội lên án. Một cá nhân, một gia đình nghèo học đòi chơi sang, hoành tráng đã nguy hiểm, một doanh nghiệp lớn, một tỉnh mà cũng mắc “bệnh” này thì còn nguy gấp hàng nghìn, hàng vạn lần.

Với đặc tính dễ lây, nếu trở thành “làn sóng”, “bệnh” nhà nghèo thích chơi sang lan sang nhiều tỉnh, thành phố thì thành đại họa. Còn nhớ, 2 năm trước, “phong trào” đòi xây dựng trụ sở, tượng đài hoành tráng với kinh phí lớn của nhiều địa phương đã làm nóng diễn đàn Quốc hội.

Quyết định tạm dừng xây dựng trung tâm hành chính tập trung của Chính phủ ở thời điểm đó đã làm yên lòng dư luận và “bệnh tình” có vẻ thuyên giảm. Nay, với những cổng chào, đài vinh danh trăm tỷ, liệu “bệnh” nhà nghèo chơi sang có bùng phát trở lại? Vẫn biết “bệnh” này đã thành mạn tính, không thể chữa khỏi dứt điểm, thế nhưng, dư luận không chấp nhận để nó bùng lên thành “dịch”, cần phải có ngay thuốc đặc hiệu để trị cơn bệnh cấp tính này.