Ám ảnh những thai nhi bị dị tật bẩm sinh

ANTĐ - Trong căn nhà kho ở vùng ngoại ô Santiago, một phụ nữ bụng chửa vượt mặt nằm trên tấm nệm cỏ dải dày đặc các nhánh cần tây, mồ hôi nhễ nhại, máu vấy đầy phần dưới váy, tay nâng bụng, mặt tái nhợt, thở hổn hển cùng ánh mắt thất thần... Đây là cảnh kết đầy ám ảnh trong một bộ phim truyền hình “Apio Verde” (Cần tây xanh). Bộ phim dựng trên câu chuyện có thật của một phụ nữ 28 tuổi Claudia Pizarro được chẩn đoán mang thai không có não, chị cầu khẩn được kết thúc thai kỳ để không phải chịu đựng nỗi đau nhìn đứa con chết dần, nhưng bị từ chối.

Thai nhi không não... vẫn không được phá bỏ

Đến năm 26 tuổi, Claudia vô cùng hạnh phúc được sống cùng người mình yêu thương. Cả hai vợ chồng đều tin rằng, cuộc sống sẽ dần ổn định. Hai vợ chồng trẻ chăm chỉ làm việc, cố gắng tích lũy cho tương lai. Cuộc sống gia đình Claudia êm đềm, hạnh phúc. Cho tới 2 năm sau ngày cưới, Claudia vẫn chưa có tin vui. Hai vợ chồng đến bệnh viện khám. Kết quả thật đau đớn, Claudia bị ung thư tử cung giai đoạn đầu. 

Sau khi điều trị, Claudia bị cắt đi một phần cổ tử cung, khả năng có con là vô cùng hiếm hoi, tình huống xấu là vô sinh. Nhưng những khát khao có con luôn trỗi dậy trong Claudia. Sau những ngày đấu trí với chồng, gia đình và bác sĩ, Claudia quyết định mang thai đứa con đầu tiên. Quyết định này của Claudia cũng nhận được sự ủng hộ của một số bác sĩ chuyên khoa, bởi họ chỉ ra rằng, theo kết quả nghiên cứu mới nhất của giới y khoa thế giới: Sản phụ được hóa trị trong quá trình mang thai không gây bất kỳ nguy cơ tổn thương nào đến em bé trong bụng. Tuy nhiên, một cách cẩn trọng, nghiên cứu khuyến cáo, để đảm bảo tủy xương được hồi phục và giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng cho cả mẹ và bé, các sản phụ và bác sĩ nên có kế hoạch sao cho việc sinh nở diễn ra ít nhất 3 tuần sau đợt hóa trị gần nhất và đợt hóa trị tiếp theo không nên thực hiện trước 35 tuần kể từ khi sinh. 

Tuân thủ nghiêm ngặt theo đơn điều trị của bác sĩ, vài thời gian sau đó, Claudia mang thai tự nhiên như bao người phụ nữ khỏe mạnh khác. Khi hay tin ai nấy đều hỏi han, chúc mừng, chúc đủ ngày đủ tháng mẹ tròn con vuông. Hai vợ chồng Claudia ngày ngày nâng niu, vỗ về đứa con đang lớn lên trong bụng. Niềm sung sướng, hạnh phúc sắp được làm mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho Claudia can đảm vượt qua các lần hóa trị đau đớn. Qua siêu âm được biết đứa bé trong bụng Claudia là một bé gái.

Nhưng rồi niềm vui, hạnh phúc ấy lại bị cướp đi một cách phũ phàng và xót xa, đến nỗi không thể nói lên lời. Các kết quả siêu âm cho thấy, đứa bé trong bụng của chị được chẩn đoán là không có não. Trời đất bỗng trở nên quay cuồng, chị ngã quỵ xuống sàn nhà. Nhưng rồi Claudia cũng cố gắng trấn tĩnh lại, đối mặt với sự thật vô cùng đau đớn. Claudia ý thức được việc mình sinh con ra sẽ càng đau khổ hơn cho cả mẹ và con, rồi lại phải ân hận cả đời khi nhìn đứa trẻ sinh ra không được bình thường như bao đứa trẻ khác, trong khi đó chị đang phải điều trị bệnh ung thư. Nuốt đau khổ vào lòng, lấy hết dũng khí, Claudia và chồng cùng viết đơn được phá bỏ cái thai lên Ban giám đốc bệnh viện.

Trong nội dung lá đơn, Claudia thành thật giãi bày nỗi đau cũng như tâm nguyện của mình như sau: “Khi bị chẩn đoán ung thư tử cung khi chưa kịp sinh nở một lần nào, tôi chết lặng. Tôi tưởng tượng ra sự nguy hiểm của căn bệnh ung thư này, rồi những đau đớn và khó khăn trong quá trình điều trị. Lần hóa chất đầu tiên, tôi đã vật vã suốt ba ngày trời, ăn hay uống vào đều bị nôn ra hết, nhưng vẫn cứ phải cố ăn. Nhiều lần và rất nhiều lần như thế nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua vì nuôi hy vọng được sống. Nhưng… khi biết tin con trong bụng mình đang chết dần chết mòn vô phương cứu chữa, tôi buông xuôi tất cả. Mọi thứ đều sụp đổ. Mọi thứ đối với tôi lúc này đã thật sự kết thúc. Tôi sẵn sàng đối mặt với rủi ro khi mang thai trong quá trình hóa trị. Nhưng tôi không đủ dũng cảm chấp nhận sự thật con mình sinh ra không có não. Con tôi - mầm xanh hy vọng của vợ chồng tôi sẽ bị thần chết cướp đi bất cứ lúc nào…

Quyết định bỏ thai đối với các thai phụ lẫn thầy thuốc không bao giờ là vấn đề dễ dàng, nhất là đối với một bệnh nhân đang khao khát được làm mẹ như tôi. Nhưng tôi biết, mình sinh con ra sẽ càng đau khổ hơn cho cả mẹ và con. Nỗi đau ấy sẽ ám ảnh cả cuộc đời còn lại của mỗi người thân trong gia đình tôi. Vì vậy, tôi cầu xin được kết thúc thai kỳ ở đây… Con tôi sẽ hiểu và tha thứ cho một người làm mẹ như tôi”. Tuy nhiên, lời cầu khẩn của Claudia bị chính quyền và bác sĩ bệnh viện từ chối.

Ám ảnh đau đớn 2 lần thai nhi mắc bệnh nan y

Nếu con gái của Claudia Pizarro chỉ kịp sống chưa đầy một giờ trước khi chết, thì đứa con trai trong bụng chị Karen được chẩn đoán là đã ở giai đoạn cuối của một căn bệnh nan y, cũng chỉ sống được hai năm sau khi cất tiếng khóc chào đời. Cả hai cái chết đều đã được y học báo trước, cả hai người phụ nữ đều tuyệt vọng, yêu cầu được nạo thai nhưng bất thành. 

Lấy chồng ở tuổi ngoài 30, Karen phải chật vật mãi mới có thai. Ấy vậy mà, khi cầm kết quả siêu âm thai 16 tuần, Karen ngã gục, ú ớ không lên lời, rồi ngất lịm phải vào phòng cấp cứu. Khi tỉnh dậy, Karen nghẹn ngào cho biết, đây là lần mang thai thứ 2 và đây cũng là lần thứ 2, đứa trẻ chưa kịp chào đời đã phải đối mặt với một căn bệnh vô phương cứu chữa. 

“Thật trớ trêu. Tạo hóa thật ác khi không cho những đứa con của chúng tôi một cơ hội được sống” - Karen nghẹn ngào nói. Theo lời tâm sự của Karen, trong lần mang thai lần thứ nhất khi nhận kết quả chẩn đoán của bác sĩ, chị vẫn le lói một niềm tin “biết đâu kết quả đã sai, biết đâu sinh ra bé sẽ bình thường”, chị vẫn quyết giữ lại đứa con. Nhưng những tháng ngày sau của chị toàn là nước mắt bởi đứa bé sinh ra đã mắc phải chứng bệnh không thể cứu chữa. Bé mất khi mới 15 ngày tuổi. Nỗi đau ấy luôn ám ảnh trong chị.

Karen sợ phải tiếp tục đối mặt với đau đớn, mất mát như lần trước, mặc dù rất đau khổ nhưng chị vẫn quyết định bỏ thai… “Đau đớn, chua xót như có hàng nghìn nhát dao đâm toạc vào cuộc sống của hai vợ chồng chúng tôi. Mấy năm qua, chúng tôi khao khát biết nhường nào tiếng trẻ con khóc cười, thèm muốn biết bao tiếng con thơ gọi bố, gọi mẹ. Nhưng sự thực thì... Những đêm thức trắng, tôi cắn chặt môi để cho tiếng khóc không bật thành tiếng, nước mắt ướt đẫm gối từng đêm. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn quyết định xin được phá thai để khỏi phải chịu đựng nỗi đau nhìn đứa con chết dần, nhưng bị từ chối” - nỗi lòng Karen quặn thắt kể lại. Karen sinh con trai vào đầu năm 2009. Hai năm sau cậu bé qua đời. Từ đó, chị đã cố gắng vận động thay đổi điều luật về phá thai.

Khi nào được xem là “nạo phá thai” hợp pháp?

Theo Guardian, Chile là một trong 5 nước trên thế giới cấm hoàn toàn việc phá thai, bất kể vì lý do gì, dù là do bị hãm hiếp, thai nhi dị tật, hay tính mạng thai phụ có thể nguy hiểm vì chửa ngoài tử cung. 

“Nhiều phụ nữ cảm thấy họ như những quan tài sống. Chúng tôi thay vì trang trí căn phòng đẹp để chào đón sự ra đời của con thì lại phải chuẩn bị đám tang đã được báo trước”, chị Karen Espíndola nói trong nước mắt. Chị Karen bày tỏ quan điểm, thực ra thì do tâm lý của nhiều người dân Chile và nhiều quốc gia khác trên thế giới còn rất nặng nề với chuyện phá thai nếu không phải là mang thai ngoài ý muốn nên rất nhiều đứa trẻ bị dị dạng lớn vẫn được bố mẹ quyết tâm cho ra đời. Nhưng theo chị thì, một đứa trẻ dị tật tim bẩm sinh, hay bị thiểu năng trí tuệ do down… sẽ có một cuộc sống vô cùng khổ đau, vất vả cho cả gia đình và chính em bé. Vì thế, với những dị dạng thai nghén mà không thể khắc phục được, thai phụ nên đình chỉ thai.

Tại Chile, trong 20 năm qua đã có hơn 15 dự luật liên quan đến phá thai được trình lên Quốc hội để thảo luận. Một nửa trong số này kêu gọi tăng cường các hình phạt hiện có. Trong tháng 4-2012, 3 dự luật nhằm hợp pháp hóa việc phá thai, bao gồm phá thai để chữa bệnh, đều bị từ chối, mặc dù theo kết quả một cuộc thăm dò do đại học Chile tiến hành thì có tới 63% dân nước này ủng hộ việc phá thai để cứu tính mạng người mẹ.

Theo một tổ chức y tế, phá thai lậu là nguyên nhân thứ ba dẫn tới tử vong mẹ ở Chile từ năm 2000 đến 2002, chiếm 12% tổng số ca sản phụ tử vong. Những người phụ nữ có đủ tiền thì chọn ra nước ngoài phá thai hoặc tới các bệnh viện tư với chi phí khoảng 1.800 USD. Số khác thì lén mua thuốc cho ra thai với giá gần 80 USD một viên.

Với Claudia, Karen và nhiều người khác có cùng hoàn cảnh thì “trải nghiệm phải chờ đợi cái chết được báo trước của đứa con là không bao giờ xóa được”. Và bất kỳ thay đổi pháp luật nào, đều là quá muộn với họ. Dù vậy họ vẫn đấu tranh, hy vọng sẽ giúp cho những người phụ nữ khác không phải rơi vào tình cảnh như mình. “Bác sĩ không giúp bạn, luật pháp chống lại bạn và nhiều người không có tiền để trả cho các dịch vụ an toàn, những phụ nữ nghèo phải liều với tính mạng của mình”, bác sĩ Beatriz Sagaldo, Đại học Valparaíso nêu quan điểm.