Xe khách và những nỗi ám ảnh

ANTĐ - Liên tiếp những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra có liên quan đến xe khách. Phần lớn trong số đó lại là những tay lái chuyên nghiệp, đã có kinh nghiệm. Sự chủ quan, thiếu đạo đức của lái xe đã và đang là nỗi kinh hoàng của nhiều hành khách trên những cung đường.

80% số vụ TNGTdo xe khách

Tai nạn xe khách đường dài ám ảnh nhiều người tham gia giao thông

Vụ việc đau lòng nhất xảy ra vào rạng sáng qua 8-8, một xe khách chở 50 người đi từ Bình Dương ra Bắc, đến huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) đã gặp tai nạn làm 5 người chết, 6 người bị thương. Đây chỉ là một trong số những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra có liên quan đến xe khách.

 Số liệu thống kê của Tổng cục đường bộ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 23.065 vụ TNGT, làm chết 5.662 người, bị thương 25.662 người. Đặc biệt, trong tổng số các vụ tai nạn có 53 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 166 người chết, 185 người bị thương trong đó có 6 vụ tai nạn do xe khách. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành quy tắc giao thông đường bộ như: Đi sai phần đường; Tránh vượt sai quy định; Vi phạm tốc độ; Chuyển hướng không quan sát…

Còn thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (Bộ Công an) cho thấy, có tới 80% số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra mà chủ quản lý xe là tư nhân; 97% số vụ do vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam Phạm Quang Vinh nhận định, Quốc lộ 1A là tuyến giao thông huyết mạch của cả nước có lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông lớn. Dù tổng số vụ TNGT trên Quốc lộ 1A đã giảm dần từ năm 2007, song tại một số địa phương có tuyến đi qua, tai nạn giao thông vẫn chiếm tỷ lệ lớn và gia tăng ở các tỉnh như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa, Phú Yên... Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý phương tiện, Sở GTVT Hà Nội cho hay, kết quả phân tích các vụ tai nạn giao thông thời gian qua cho thấy, chiếm đến 90% các vụ tai nạn là do lái xe chuyên nghiệp, đã có thâm niên từ 3-4 năm trở lên gây ra. “Như vậy, luận điểm cho rằng, các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu do người mới vào nghề là không đúng thực tế”, ông Nghĩa cho biết.

Xuống cấp đạo đức lái xe

Theo Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền Luật Giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, nguyên nhân của các vụ TNGT nghiêm trọng đều do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông như không làm chủ tốc độ, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. “Việc đào tạo, giáo dục đạo đức đội ngũ lái xe vẫn đang là một vấn đề cần được quan tâm cấp bách”, Thượng tá Sơn chia sẻ.

Ngoài ra, vấn đề quản lý vận tải, nhân sự của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn nhiều bất cập. Thượng tá Sơn cho rằng, nhiều doanh nghiệp, chủ xe đã quá dễ dãi trong việc tuyển dụng lái xe. Khi điều khiển xe với sức ép về mức khoán, quay vòng xe nhanh để thu lợi nhuận cao nên lái xe đã chở quá tải, phóng nhanh vượt ẩu, đua tốc độ tranh giành khách…

Còn ông Thân Văn Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gần đây, một điểm chung là tai nạn thường xảy ra vào ban đêm và sáng sớm. “Hiện, nhiều chủ xe không bố trí nhân lực phù hợp trong quá trình điều khiển phương tiện qua đêm và quá lâu trên hành trình. Khi xảy ra tai nạn, lái xe là người chịu hết trách nhiệm. Xe bị hỏng hóc đã có bảo hiểm nên chủ xe không lo lắng nhiều”, ông Thanh cho hay. Do vậy, trước mắt, những người tham gia giao thông phải biết tự bảo vệ mình, có trách nhiệm với bản thân, với cả cộng đồng. Biết lựa chọn xe, lựa chọn những doanh nghiệp có uy tín, đồng thời cũng để tránh tình trạng xe dù, bến cóc.