Thời trang thiếu nhi bị bỏ quên

(ANTĐ) - Hiện nay thị trường quần áo cho trẻ em ngày càng phong phú về mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu. Tuy vậy, trong khi mặt hàng quần áo trong độ tuổi từ sơ sinh đến  5 tuổi tràn ngập thì quần áo cho nhóm tuổi từ 6-14 dường như không được quan tâm…
Vất vả tìm quần áo cho con Để chuẩn bị vào năm học mới, ngay từ cuối tháng 6 chị Vũ Thanh Thảo, ở đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy đã tìm mua quần áo cho con. Tuy vậy, sau hai tuần lùng sục khắp các cửa hàng bán quần áo trẻ em, chị Thảo vẫn chưa mua được bộ đồ ưng ý. “Tôi có 2 cháu. Cháu lớn 8 tuổi và cháu bé 2 tuổi. Trong khi quần áo cho bé 2 tuổi khá nhiều và rất dễ lựa chọn thì quần áo cho bé lớn khá hiếm. Hầu hết các cửa hàng bán đồ trẻ em đều lắc đầu khi được hỏi về quần áo cho lứa tuổi này. Bí quá tôi phải tìm đến các cửa hàng bán đồ “xách tay” từ Nhật, Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc, vừa phải mua với giá đắt vừa phải lấy đồ mình không ưng ý lắm - chị Thảo than thở. Giống như chị Thảo, mỗi lần đi mua quần áo cho cô con gái 9 tuổi, chị Vũ Thanh Trà, ở khu đô thị mới Trung Hòa, Nhân Chính, quận Thanh Xuân vừa… ngại, vừa… mệt. Chị Trà tâm sự: “Tôi toàn phải mua cỡ to nhất của các em bé hoặc cỡ bé nhất dành cho lứa tuổi lớn hơn. Nhiều hôm mua quần áo về, con gái tôi không chịu mặc vì quá rộng. Tôi đã tính đến phương án dẫn con ra các cửa hàng may để may đo, song việc này mất khá nhiều thời gian. Kiểu dáng quần áo cho trẻ tại các cửa hàng này lại đơn điệu, mẫu mã không đa dạng và đẹp như quần áo may sẵn”…
Thời trang thiếu nhi bị bỏ quên ảnh 1
Thời trang cho lứa tuổi từ 6-14 tuổi đang bị bỏ quên
Dạo một vòng qua các cửa hàng thời trang dành cho trẻ em trên phố Sơn Tây, Chùa Bộc, Kim Mã… chúng tôi thấy tình trạng khan hiếm quần áo cho trẻ từ 6-14 tuổi là có thật. Theo bà Nguyễn Thị Trang - chủ một cửa hàng quần áo trẻ em “Made in Vietnam” trên phố Chùa Bộc, quận Đống Đa: “Những sản phẩm dành cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên thường được tiêu thụ rất nhanh. Không chỉ với quần áo sản xuất trong nước mà ngay cả với quần áo nhập ngoại như H&M, Gap, Old Navy tuy giá cao nhưng khách hàng vẫn  đồng ý mua do quần áo cho trẻ trong độ tuổi này dường như bị các công ty thời trang trong nước bỏ quên. Lứa tuổi từ 6 đến 14 là lứa tuổi “lỡ cỡ”, chưa thoát tuổi trẻ em song cũng chưa là người lớn nên mặc đồ trẻ em cũng không được mà mặc đồ dành cho người lớn cũng không xong. Trong các đợt nhập hàng về, số hàng dành cho lứa tuổi này hầu như không có. Ngoài ra, trẻ trên dưới 10 tuổi thường phát triển không đồng đều, quần áo cái vừa chiều dài thì không vừa chiều rộng hoặc ngược lại nên khi bán rất dễ bị tồn kho. Trong khi đó, trẻ dưới 5 tuổi có cơ thể tương đối giống nhau nên hàng bán rất chạy. Bên cạnh đó, hầu như các cửa hàng thời trang trẻ em thích bán quần áo trẻ sơ sinh và vài ba tuổi hơn vì lãi lớn hơn. Quần áo cho trẻ trên 6 tuổi tốn nhiều vải, giá không cao hơn là mấy, thu lãi ít nên nhiều chủ hàng cũng “ngại” nhập”…
Thị trường vẫn còn bỏ ngỏ
Thời trang hiện nay đa dạng phong phú cả về mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại với mọi lứa tuổi. Các nhà tạo mẫu thời trang không chỉ chú trọng đến đối tượng trưởng thành mà ngay cả đối tượng trẻ em cũng được các nhà tạo mẫu thời trang trong nước quan tâm. Tuy nhiên, không phải lứa tuổi trẻ em nào cũng được các nhãn hàng thời trang đầu tư và khai thác. Nói về nguyên nhân này, bà Cao Quỳnh Loan, một nhà thiết kế thời trang có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực may mặc cho biết: “Đối tượng từ 6-14 tuổi là một trong những đối tượng rất khó để thiết kế những mẫu trang phục phù hợp với “gu” thời trang của các em. Lý do là bởi lứa tuổi này đã biết tư duy về thời trang theo sở thích cá nhân. Mặc dù, các em không có kiến thức về thời trang và cũng không chạy theo những xu hướng thời trang mới trên thế giới như người lớn nhưng các em lại có những ý tưởng sáng tạo trong cách ăn mặc. Hơn nữa, phim ảnh, sách báo, internet khiến các em tiếp cận nhiều hơn với những phong cách ăn mặc ấn tượng của các bạn nhỏ trên thế giới nên không thích bị bố mẹ áp đặt trong việc ăn mặc. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ con bây giờ đã tự chọn trang phục đi học, đi chơi cho chính mình và không thích bố mẹ đưa gì mặc nấy như ngày trước. Đó là một cách thể hiện phong cách và cách nhìn nhận của các em không chỉ về thời trang mà còn về bản thân và cuộc sống. Cũng bởi lẽ đó, nhiều nhãn hàng thời trang, các nhà tạo mẫu cảm thấy rất khó khăn khi thiết kế những mẫu trang phục cho trẻ em ở lứa tuổi này. Và đây cũng chính là sự thách thức lớn của các hãng thời trang trong nước”. Cũng theo bà Loan: “Hiện nay, để tạo ra những sản phẩm tốt, mang tính cạnh tranh, các hãng thời trang phải không ngừng đầu tư về trang thiết bị máy móc cũng như nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu về thời trang cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đối tượng mà nhiều hãng thời trang đang nhắm tới trong xã hội hiện nay lại là lứa tuổi từ 18-40 hoặc giới doanh nhân, văn phòng. Bởi những đối tượng này có thu nhập ổn định, là những người thành đạt nên sản phẩm tiêu thụ sẽ mạnh hơn, lợi nhuận cao hơn. Với đối tượng từ 6-14, phần lớn vẫn phụ thuộc tài chính vào gia đình nên thông thường những “đòi hỏi” về thời trang của các em không thường xuyên được bố mẹ đáp ứng hoặc nếu đáp ứng cha mẹ cũng chỉ chọn những mặt hàng vừa túi tiền. Bởi họ cho rằng các em sẽ thay đổi về mặt hình thể rất nhanh nên không cần mua những sản phẩm có giá quá cao. Như vậy, việc đầu tư dây chuyền sản xuất cũng như trang thiết bị máy móc cho đối tượng mà lợi nhuận không cao đương nhiên không được các hãng thời trang chú trọng. Đó cũng là lý do tại sao thời trang trẻ em lứa tuổi từ 6-14 không được phong phú trên thị trường hiện nay”. Có thể thấy, nhu cầu về thời trang hiện nay không chỉ được người lớn quan tâm mà ngay cả trẻ em cũng nên được các hãng thời trang trong nước đầu tư nhiều hơn nữa. Đây cũng chính là thị trường đang bỏ ngỏ mà các nhà thiết kế, các hãng thời trang trẻ em trong nước cần chú trọng và phát triển trong tương lai gần, nếu không muốn thị phần này rơi vào tay của các hãng thời trang nước ngoài.