Quan tham SEA Games 26 hầu tòa

ANTĐ - Ngày 19-12, Wafid Muharam, 51 tuổi, thư ký Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia đã bị kết án 3 năm tù và 150 triệu Rp (16.500 USD) tiền phạt vì nhận hối lộ liên quan đến việc đấu thầu dự án xây dựng làng vận động viên SEA Games 26 tại Palembang, Nam Sumatra. Đây là quan chức chính phủ đầu tiên bị xử tù trong vụ bê bối này.

Ông Wafid Muharram, đã bị đình chỉ chức thư ký Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Indonesia vì tham nhũng

“Nối gót” đồng phạm

Tòa án chống tham nhũng Jakarta nhận định ông Wafid, thư ký Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao phạm tội nhận 3,2 tỷ rupiah (325.000 USD) tiền “lại quả” sau khi hồ sơ dự thầu của Công ty PT Duta Graha Indah (DGI) giành được dự án trị giá khoảng 191 tỷ Rp. Tại phiên xét xử, chủ tọa thẩm phán Marsudin Nainggolan cho biết, ông Wafid đã nhận 3 tấm séc trị giá 3,2 tỷ Rp từ El Idris, Giám đốc marketing của Tập đoàn PT Duta Graha Indah (DGI) với sự “dàn xếp” của kẻ trung gian Mindo “Rosa” Rosalina Manullang, tại văn phòng của ông Wafid tối 21-4-2011, chỉ vài phút trước khi Ủy ban Diệt trừ tham những (KPK) đột kích vào, bắt quả tang cả 3 người.

Các tấm séc để trong một phong bì màu trắng kẹp vào bộ hồ sơ màu xanh lá cây, sau đó đã được giao cho nhân viên thân tín của ông Wafid - Poniran. Theo hội đồng xét xử, bằng chứng này là không thể chối cãi mặc dù ông Wafid khẳng định mình vô tội vì đó chỉ là tiền vay dự án. “Cũng có bằng chứng cho thấy tiền lót tay đã được trao cho một số cá nhân khác, như ông Rizal Abdullah - Chủ tịch của một ủy ban tổ chức địa phương ở Nam Sumatra và điều này làm cho lời biện hộ của ông ta là không thích đáng”, thẩm phán Marsudin khẳng định.

Liên quan đến vụ scandal tham nhũng khi SEA Games 26 còn chưa khai mạc, hồi cuối tháng 9-2011, Tòa án chống tham nhũng Jakarta đã tuyên phạt bị cáo Mindo “Rosa” Rosalina Manullang 2 năm rưỡi tù giam, nộp phạt 200 triệu Rp. Tại một phiên xử khác, Giám đốc tiếp thị của DGI - Mohamad El Idris bị kết án 2 năm tù cùng 200 triệu Rp tiền phạt vì tội hối lộ quan chức để giành hợp đồng dự án xây dựng làng vận động viên. Hội đồng xét xử đã bác bỏ những lời biện hộ của cả hai bị cáo cho rằng mình vô tội, họ chỉ là nạn nhân của một hệ thống tham nhũng. Chẳng qua họ chỉ là những con tốt bị giật dây, còn những chủ mưu thực sự đang đứng đằng sau vụ việc.

Được biết, Rosa là Giám đốc tiếp thị của Anak Negeri, một công ty thuộc sở hữu của cựu thủ quỹ Đảng Dân chủ Muhammad Nazaruddin, người cũng đang trong quá trình tố tụng với lời cáo buộc chủ mưu vụ hối lộ này. Vụ việc cũng có sự tiếp tay của nghị sỹ Đảng Dân chủ Angelina Sondakh, một thành viên Ủy ban Ngân sách Quốc hội. Đáng chú ý, cựu thủ quỹ Đảng Dân chủ Indonesia Muhammed Nazaruddin đã bị Ủy ban Chống tham nhũng bắt giữ ở Colombia sau khi ông này bỏ trốn khỏi Indonesia.


Phần chóp của tảng băng chìm?

Cũng trong phiên tòa vào tháng 9, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia Andi Mallarangeng khai rằng, Bộ của ông không nhận bất kỳ khoản vay nào từ bên thứ ba để xây dựng làng vận động viên. Ông Andi được cho là không liên quan đến vụ scandal tham nhũng nói rằng, nhiệm vụ giám sát quá trình đấu thầu thuộc về ban tổ chức địa phương và Bộ chỉ kết nối các nguồn quỹ. Mặc dù vậy, Emerson Yuntho, chuyên gia của Cơ quan Giám sát tham nhũng Indonesia (ICW) cho rằng, bản án đối với thư ký của Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao là quá nhẹ đối với một bị cáo có chức vụ khá cao. Ông này cũng cho rằng, vụ việc sẽ chỉ dừng ở đây mà không làm sáng tỏ những bê bối lớn hơn đằng sau nó. “Các thẩm phán đã không cố gắng theo đuổi vai trò của thư ký Wafid trong vụ việc, ví như sự liên can của những người khác, như Bộ trưởng Andi chẳng hạn”.

Chưa dừng ở scandal tham nhũng này, dư luận Indonesia đang quan tâm đến rắc rối “hậu” SEA Games 26 ở Palembang. Đại hội thể thao Đông Nam Á đã kết thúc được 1 tháng nhưng ban tổ chức vẫn đang đối mặt với “núi” nợ. Hôm 12-12, Hạ viện Nam tỉnh Sumatra tiết lộ, tỉnh này vẫn đang nợ Prambanan Dwipaka, công ty xây dựng sân vận động, trung tâm thể thao dưới nước và trường bắn 324,9 tỷ Rp (35,7 triệu USD). Hai ngày sau, ban tổ chức SEA Games của tỉnh thừa nhận vẫn nợ 60 tỷ Rp của những nhà cung cấp thiết bị, công trình phục vụ Đại hội như huy chương, trang phục cho vận động viên, hệ thống công nghệ thông tin, ánh sáng, sổ tay Đại hội và xét nghiệm doping.

Nghị sỹ Syaiful Islam cho biết, Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Nam Sumatra phải giải quyết hết nợ nần bằng cách cân đối tiền từ quỹ ngân sách của tỉnh trong năm 2012. Trong khi đó, ông Djoko Pekik, thư ký Bộ Thanh niên và Thể thao cho biết, chính quyền trung ương và địa phương đang gỡ rối để thanh toán nợ, nhưng khó khăn trước mắt là một số khoản do nhà tài trợ cam kết ủng hộ nhưng sau SEA Games họ rút lui, nên ban tổ chức phải tìm nguồn khác đắp vào.

Được biết, từ năm 2009 Indonesia đã chi gần 2.000 tỷ Rp để xây dựng các công trình thể thao phục vụ Đại hội thể thao khu vực. Từng làm chủ nhà SEA Games lần đầu năm 1997, Indonesia được cho là đầy tham vọng khi chọn Palembang, một thành phố rất thiếu các nhà thi đấu thể thao tiêu chuẩn quốc tế làm nơi tổ chức SEA Games cùng với Jakarta. Thiếu ngân sách và hệ thống quản lý phức tạp, trong đó có nạn tham nhũng khiến hầu hết các công trình phục vụ Đại hội tại thủ phủ tỉnh Nam Sumatra đều không hoàn thành kịp tiến độ.